Hóa đơn tiền điện tăng gấp 2-3 lần
Gia đình chị Thu Hà (Nam Từ Liêm, Hà Nội) vừa nhận được hoá đơn tiền điện tháng 5/2021, với số tiền phải trả là 2,3 triệu đồng, trong khi bình thường mỗi tháng nhà chị Hà chỉ dùng hết khoảng 600.000 - 700.000 đồng tiền điện/tháng. Theo chị Thu Hà, từ đầu tháng 5 đến nay, tiền điện bắt đầu tăng mạnh do nắng nóng kéo dài, cộng thêm việc hai đứa con đang được nghỉ hè, sử dụng nhiều thiết bị điện như điều hoà, tivi, tủ lạnh... nên gia đình dự đoán tiền điện chắc chắn sẽ tăng.
“Dù đã chuẩn bị tinh thần cầm hóa đơn tiền điện, nhưng với mức tăng gấp 3 lần so với tháng trước thật sự sốc...”, chị Thu Hà cho biết.
Anh Nguyễn Sơn (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Tháng 4/2021, tiền điện nhà anh khoảng 800.000 đồng, đến tháng 5/2021 hơn 1,5 triệu đồng, gấp gần 2 lần. Gia đình cũng không quá bất ngờ, vì hai con được nghỉ học vì dịch ở nhà, tiêu thụ điện sẽ tăng theo. Tuy nhiên, mức tăng vẫn cao hơn dự đoán”.
Tương tự, theo chị Nguyễn Trang (Hoàng Mai, Hà Nội), bình thường, nhà chị chỉ dùng hết khoảng 400.000 – 500.000 đồng/tháng. Tháng trước có mấy đợt nắng nóng, nên dùng điều hòa nhiều hơn, tiền điện tăng lên hơn 600.000 đồng. Nhận hóa đơn tiền điện tháng 5/2021, chị cũng cảm thấy sốc khi phải trả gấp đôi tháng trước...
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng, việc tiêu thụ điện của nhiều hộ gia đình tăng cao là do thời tiết nắng nóng kéo dài, nhu cầu sử dụng thiết bị làm mát như điều hòa không khí tăng mạnh, dẫn đến tiền điện tăng.
Thực tế, các hộ gia đình có sử dụng máy lạnh/máy điều hòa nhiệt độ sẽ thấy rõ việc sử dụng điện và tiền điện tăng lên nhiều. Còn với các hộ không sử dụng máy lạnh, chỉ sử dụng quạt làm mát, thì chi phí này thay đổi không nhiều.
Về vấn đề này, ông Trần Đình Long, Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam phân tích, nắng nóng là một nguyên nhân khiến lượng tiêu thụ điện tăng cao, bên cạnh đó còn có nguyên nhân từ việc ngành Điện đang áp dụng biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang. Hiện, giá bán điện được EVN tính theo biểu giá bậc thang 6 bậc (bậc cao nhất là 401 kWh) và cách tính này không còn phù hợp. Người dùng ở hai bậc thang đầu (dưới 100 kWh) được hưởng giá thấp; dùng ở mức trung bình 200-300 kWh phải chịu mức cao hơn và nhóm khách hàng dùng trên 400 kWh-được coi là nhóm người giàu, trả tiền cao nhất. Nhưng xét ở mức chênh lệch giá giữa các bậc thì bậc 1 và 2 chênh nhau 56 đồng một kWh, còn các bậc 3, 4 và 5 mức chênh khá lớn. Mức tính tiền điện lũy tiến của EVN hiện hành cũng không tương ứng với hiện trạng sử dụng điện, khi bước nhảy giá giữa các bậc chưa hợp lý.
Tiêu thụ điện dự báo tiếp tục tăng đột biến
Trước tình trạng tiêu thụ điện tăng cao trong mùa nắng nóng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, theo tính toán cụ thể của chuyên gia kỹ thuật điện, trong những lúc thời tiết nắng nóng kéo dài, điện năng tiêu thụ của riêng điều hoà nhiệt độ trong gia đình có thể chiếm tới 60 - 70% tổng số lượng điện năng tiêu thụ. Từ đầu tháng 5 trở lại đây, mặc dù dịch bệnh COVID-19 đang có những diến biến phức tạp, nhưng tình hình tăng trưởng phụ tải điện vẫn ở mức cao.
"Đợt nắng nóng đầu tháng 6 đã ghi nhận những ngày có mức tiêu thụ điện cao kỷ lục với mức phụ tải đỉnh toàn quốc trong ngày lên tới 41.558 MW và sản lượng điện tiêu thụ trong ngày toàn quốc là hơn 880 triệu kWh. Mức tiêu thụ điện của toàn miền Bắc và TP Hà Nội cũng ghi nhận những số liệu cao kỷ lục mới trong đợt nắng nóng đầu tháng 6. Nắng nóng gay gắt kéo dài đã làm các thiết bị trên lưới điện liên tục vận hành đầy tải, thậm chí quá tải ở một số thời điểm, dẫn đến nguy cơ xảy ra các sự cố cục bộ trên lưới điện", EVN cho biết.
Đại diện EVN cho biết thêm, với tình hình thời tiết nắng nóng tại miền Bắc, miền Trung diễn ra từ ngày 16/6 làm tiêu thụ điện được dự báo lại tiếp tục tăng cao đột biến. EVN khuyến cáo các cơ quan, công sở, nơi sản xuất và người dân cần tiếp tục chú ý sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả.
Các chuyên gia khuyến cáo, để nâng cao hiệu quả sử dụng điện, khi bật điều hoà chỉ nên đặt ở mức 27 độ C trở lên và nên sử dụng kết hợp với quạt, vừa đảm bảo đủ mát, vừa giảm đáng kể điện năng tiêu thụ.
Ngoài việc sử dụng hợp lý điều hoà nhiệt độ, người dân cũng không nên sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn (như điều hòa, bếp đun điện…) để giảm thiểu nguy cơ quá tải cục bộ của lưới điện, đồng thời cũng hạn chế tình trạng hóa đơn tiền điện tăng đột biến do mức sử dụng điện quá cao so với ngày bình thường.