Nhiều sai phạm tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam

Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa có thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).

Theo đó, TTCP tập trung thanh tra một số nội dung về huy động vốn, phân loại nợ, cho vay thí điểm, cho vay tín dụng và tín dụng xuất nhập khẩu, cho Tổng Công ty phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam vay, bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay vốn, xử lý rủi ro, đầu tư xây dựng cơ bản và mua sắm tài sản.

Ngân hàng Phát triển Việt Nam.


Kết luận thanh tra khẳng định: Từ khi thành lập, VDB đã nỗ lực cố gắng trên nhiều mặt nhằm triển khai thực hiện chức năng nhiệm vụ và chỉ đạo của Chính phủ. Những kết quả, đóng góp của VDB đã khẳng định vai trò là công cụ tài chính của Chính phủ trong việc thực hiện các chính sách về kinh tế - xã hội; thông qua việc đẩy mạnh vay đầu tư đã góp phần tăng cường cơ sở vật chất cho nâng kinh tế; VDB đã có sự tăng trưởng nhanh, có vị trí quan trọng trong ngành ngân hàng nói riêng, thị trường tài chính - tiền tệ nói riêng.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của VDB trong thời gian gần đây còn có nhiều khuyết điểm, vi phạm.

Cụ thể, năm 2008-2010, VDB chưa thực hiện đúng nguyên tắc chỉ huy động các nguồn vốn với lãi suất thị trường để cho vay khi đã sử dụng tối đa các nguồn vốn không phải trả lãi hoặc lãi suất thấp; chưa có giải pháp chủ động trong việc cân đối giữa huy động và sử dụng vốn, dẫn tới tình trạng vốn đã huy động nhưng chưa sử dụng, còn tồn lớn. Điều này dẫn tới việc sử dụng vốn kém hiệu quả, tăng chi phí nghiệp vụ ngân hàng.

Cũng theo kết luận thanh tra, nợ xấu của VDB tính đến ngày 31/12/2010 chiếm 12,57% tổng dư nợ, trong đó có 2.201 tỷ đồng cho vay vốn ODA, 3.790 tỷ đồng cho vay các dự án thuộc chương trình đóng tàu Vinashin là 3.790 tỷ đồng.

TTCP cũng chỉ ra rất nhiều sai phạm trong việc cho vay đầu tư, xuất khẩu như cho vay không đúng đối tượng, sử dụng vốn vay sai mục đích; thẩm định cho vay vốn chưa chính xác, sai căn cứ, vi phạm về tài sản đảm bảo, giải ngân, kiểm tra sau cho vay, như: VDB đã cho vay chưa đúng đối tượng vay vốn đầu tư của nhà nước đối với dự án đầu tư cơ sở gia công tái chế hàng xuất khẩu và dịch vụ, do Công ty sản xuất bao bì và hàng xuất khẩu làm chủ đầu tư (Chi nhánh Quảng Ninh cho vay), dư nợ tới ngày 30/6/2011 là 5.452 tỷ đồng.

Đáng chú ý là việc cho vay 35 dự án đóng mới tàu sông, tàu biển với tổng dư nợ hơn 2.509 tỷ đồng (tính đến 30/6/2011). Các dự án này đều có vi phạm trong quá trình vay như thẩm định dự án không đúng, không tổ chức đấu thầu theo quy định… Một số dự án chủ đầu tư thực hiện dở dang, chưa đưa vào khai thác, do đó không có nguồn để trả nợ vay. Kết luận thanh tra cho hay, việc xử lý tài sản thế chấp từ những dự án này rất khó khăn, giá trị thu hồi thấp, nguy cơ mất vốn cao.

Một loạt vấn đề của VDB cũng được thanh tra đưa ra trong việc cho vay vốn với Tổng công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (Công ty này dùng hơn 334 tỷ đồng trả nợ vay ngân hàng khác để kinh doanh thép trong khoảng 1.000 tỷ đồng xin Thủ tướng cho tạm ứng nhằm mục đích giải phóng mặt bằng); VDB còn để xảy ra vi phạm trong việc bảo lãng cho các doanh nghiệp vay vốn, xử lý rủi ro; đầu tư xây dựng cơ bản và mua sắm tài sản…

TTCP đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiểm điểm trách nhiệm, đề xuất những giải pháp cấp bách và lâu dài; giao cho Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan đến những vi phạm trong việc thực hiện dự án mua tàu để kinh doanh hàng hải, kết hợp huấn luyện của Trường Đại học Hàng hải.

Việc kiểm điểm phải tập trung vào những vi phạm trong việc đấu thầu, việc thẩm định giá không đúng quy định; việc mua tàu cũ với giá cao hơn giá trị còn lại trên sổ sách kế toán với giá trị 2,103 triệu USD, nếu thấy có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, thất thoát thì chủ động chuyển công an tiếp tục điều tra, xử lý. Đối với việc cho vay 35 dự án đóng tàu, TTCP nhận định, đây là vấn đề lớn về quy mô đầu tư, thuộc ngành nghề kinh doanh đã và đang gặp nhiều khó khăn gay gắt, khả năng thu hồi nợ hết sức khó khăn.


TTCP kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, chỉ đạo VDB phối hợp với UBND tỉnh Thái Bình, một số tỉnh có dự án, tiến hành kiểm tra, đánh giá cụ thể thực trạng từng dự án. Chủ đầu tư đề xuất phương án xử lý báo cáo Thủ tướng đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm cụ thể trong quá trình tuân thủ các quy định về cho vay, đặc biệt là giám đốc các chi nhánh quyết định cho vay, giải ngân với các dự án này.

Với VDB, TTCP kiến nghị hội đồng quản lý, tổng giám đốc VDB chỉ đạo, rà soát sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy trình nghiệp vụ nhằm đảm bảo việc kiểm soát chặt chẽ, phân định trách nhiệm rõ ràng trong toàn bộ quy trình, đặc biệt là khâu thẩm định và kiểm soát sử dụng, thu hồi vốn vay. TTCP đã kiến nghị xử lý về kinh tế, thu hồi số tiền 2.304 triệu đồng, trong đó 1.969 triệu đồng đã cấp vốn hỗ trợ lãi suất sau đầu tư sai quy định…

Đồng thời, TTCP cũng chuyển hai hồ sơ sang cơ quan công an điều tra. Đó là Dự án nhà máy sản xuất cao su Power do Công ty TNHH Lê Hiệp làm chủ đầu tư có dấu hiệu lừa đảo, sử dụng một bộ hồ sơ, giấy tờ để vay vốn tại 2 ngân hàng: VDB và Techcombank, chi nhánh khu vực Bắc Ninh - Bắc Giang đã giải ngân trên cơ sở những giấy tờ mà những chứng từ này được giải ngân cho vay tại Ngân hàng Techcombank. Dư nợ đến thời điểm 30/6/2011 là 15.706 tỷ đồng và xếp loại nợ có khả năng mất vốn.

Một công ty nữa là Công ty TNHH TM Trúc Tâm vay vốn xuất khẩu tại chi nhánh VDB khu vực Đắk Lắk - Đắc Nông: VDB đã thiếu trách nhiệm trong việc xác định thời hạn vay, kiểm tra, đánh giá sử dụng vốn… Giám đốc và Phó Giám đốc công ty đã đi khỏi nơi cư trú, số dự nợ còn lại là 72.540 tỷ đồng, cũng là loại nợ có khả năng mất vốn.


Phúc Hằng
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN