Giá vàng châu Á chạm mức thấp của hai tuần rưỡi
Giá vàng giao ngay có lúc giảm gần 1% xuống 2.306,31 USD/ounce, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 15/4 trước đó. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 1,1% xuống 2.319,80 USD/ounce.
Nhà phân tích thị trường Tim Waterer thuộc nền tảng giao dịch hàng hóa KCM Trade cho biết vàng đã đón nhận nhiều luồng mua khác nhau trong những tháng gần đây và hiện một trong những luồng mua đó đã phần nào suy yếu khi nhu cầu về tài sản an toàn giảm bớt. Các nhà đầu tư đang coi đây là cơ hội để chốt lời sau đợt tăng giá mạnh gần đây của vàng.
Giá vàng đã giảm hơn 2% trong ngày phiên 22/4, mức giảm lớn nhất tính theo ngày trong hơn một năm, do lo ngại về một cuộc xung đột khu vực rộng lớn hơn đã giảm bớt sau khi Iran tuyên bố không có kế hoạch đáp lại hành động quân sự của Israel.
Giá vàng đã đạt mức cao kỷ lục 2.431,29 USD/ounce hôm 12/4.
Thị trường đang hướng sự chú ý đến số liệu GDP của Mỹ, dự kiến công bố ngày 25/4, và dữ liệu về chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) hôm 26/4.
Theo ông Waterer, nếu những số liệu này vượt dự kiến, thị trường có thể sẽ phải mong ngóng một đợt cắt giảm lãi suất lâu hơn. Điều này có thể khiến giá vàng giảm mạnh hơn nữa trong ngắn hạn.
Theo một cuộc thăm dò của hãng tin Reuters (Vương quốc Anh), chỉ số PCE tháng 3/2024 có khả năng tăng 0,3%, không đổi so với tháng trước và tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức tăng 2,5% trong tháng 2/2024.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 1,1% xuống còn 26,91 USD/ounce. Giá bạch kim giao ngay giảm 1,1% xuống còn 908,30 USD/ounce và giá palladium giảm 1,8% xuống còn 990,54 USD/ounce.
Tại thị trường Việt Nam, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 80,50 - 82,82 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra).
Thị trường dầu ổn định
Giá dầu châu Á tăng nhẹ trong phiên ngày 23/4, sau khi giảm trong phiên giao dịch trước đó, trong bối cảnh các nhà đầu tư tiếp tục đánh giá rủi ro từ các lo ngại về địa chính trị ở Trung Đông.
Khoảng 13 giờ 34 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent biển Bắc tăng 18 xu lên 87,18 USD/thùng. Còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) cũng tăng 16 xu lên 82,06 USD/thùng.
Giá hai loại dầu chủ chốt này đều giảm 29 xu trong phiên trước đó do có dấu hiệu cho thấy sự leo thang căng thẳng gần đây giữa Israel và Iran có tác động hạn chế đến nguồn cung dầu trong ngắn hạn.
Bà Sugandha Sachdeva, nhà sáng lập công ty nghiên cứu SS WealthStreet có trụ sở tại Delhi, cho biết rủi ro địa chính trị giảm bớt đã làm giá dầu thô giảm gần đây do nguồn cung không bị gián đoạn đáng kể. Tuy nhiên, theo bà, bối cảnh địa chính trị đang diễn ra vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng giá dầu thô.
Bà Sachdeva cho biết thêm mặc dù không có dấu hiệu cho thấy một cuộc xung đột lớn sắp xảy ra giữa các quốc gia liên quan, song bất kỳ sự leo thang căng thẳng nào cũng có thể làm đảo ngược xu hướng hiện tại.
Các nhà đầu tư trên thị trường dầu cũng đang chờ đợi số liêu GDP và PCE của Mỹ
Lượng dầu tại các kho dự trữ của Mỹ dự kiến đã tăng trong tuần trước, trong khi dự trữ sản phẩm tinh chế có thể giảm.
Chứng khoán châu Á tăng điểm trước lúc công bố số liệu của Mỹ
Hầu hết các thị trường châu Á đều tăng điểm trong phiên ngày 23/4 nhờ hy vọng rằng các báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp trong tuần này có thể giúp bù đắp những lo ngại về kế hoạch lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trước lúc công bố các số liệu tăng trưởng và lạm phát quan trọng của Mỹ.
Tại Tokyo, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,3% lên 37.552,16 điểm. Trong khi đó, tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong tăng 1,7% lên 16.786,54 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải tăng 0,7% lên 3.021,98 điểm.
Các thị trường chứng khoán Sydney, Singapore, Mumbai, Bangkok, Manila và Jakarta tăng điểm. Còn các thị trường chứng khoán Seoul và Wellington giảm điểm.
Xung đột giữa Israel và Iran đã dịu xuống, trong khi đồng yen tăng nhẹ sau khi Nhật Bản một lần nữa cảnh báo các quan chức có dư địa để can thiệp nhằm hỗ trợ dồng nội tệ.
Các nhà đầu tư đang lạc quan hơn một chút sau khi thị trường lao dốc vào tuần trước do kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất của Fed giảm xuống và lo ngại cuộc khủng hoảng Trung Đông có thể leo thang thành một cuộc chiến khu vực.
Trọng tâm chú ý của thị trường hiện nay là báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của các “ông lớn” phố Wall như Amazon, Apple, Netflix và General Motors. Các nhà giao dịch kỳ vọng kết quả kinh doanh cũng như triển vọng của các “ông lớn” này sẽ rất tích cực. Dù vậy, cũng có lo ngại rằng giá cổ phiếu sẽ bị ảnh hưởng nếu kết quả không như kỳ vọng.
Tại Việt Nam, chỉ số VN-Index giảm 12,82 điểm (1,08%) xuống 1.177,40 điểm. Còn chỉ số HNX-Index giảm 2,67 điểm (1,19%) xuống 222,63 điểm.