Nhìn lại các dự án Phát triển cao su: Cao su 7 năm “bén rễ, xanh cây”

Sau hơn 7 năm thực hiện chương trình phát triển cây cao su tại 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên Lai Châu, nhiều diện tích đồi trọc đã được cây cao su che phủ. Chương trình này không chỉ khai thác lợi thế đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo và làm giàu, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương, mà còn góp phần quan trọng cải thiện môi trường rừng vùng Tây Bắc.


Kết quả bước đầu


Tính đến hết tháng 9 năm 2013, toàn vùng Tây Bắc có trên 50.100 ha cao su. Trong đó, ba tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu 21.552 ha; Thanh Hóa 16.549 ha; Nghệ An 8.704 ha; Hà Giang 1.100 ha; bình quân mỗi năm trồng trên 3 nghìn ha cao su. Hầu hết các tỉnh đều thành lập Công ty cao su, trong đó 3 tỉnh Sơn Sa, Điện Biên, Lai Châu đã thành lập 5 công ty cao su và các đội sản xuất để thuận lợi trong công tác chỉ đạo sản xuất.

 

Cây cao su sinh trưởng khá tốt trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Xuân Tiến

Diện tích cao su chủ yếu được trồng theo hình thức đại điền và một phần tiểu điền, với hình thức tổ chức sản xuất lấy các Công ty cao su là lực lượng nòng cốt trong việc đầu tư toàn bộ vốn, giống, vật tư, quản lý kỹ thuật... Hiện nay tình hình sinh trưởng, phát triển cây cao su trên địa bàn 3 tỉnh đạt mức độ đồng đều, các chỉ tiêu về chiều cao, vanh thân, tán lá... đều đạt hoặc vượt so với tiêu chuẩn cao su Tây Bắc. Tiêu biểu ở đội cao su Chiềng Pằn, Viêng Lán (huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) diện tích trồng năm 2008 có vanh thân trung bình đạt trên 40 cm, đội cao su Mường Pồn tỉnh Điện Biên trồng 2008 có vanh thân trung bình đạt khoảng 31 cm.


Sơn La, Điện Biên, Lai Châu đã thu hút được trên 18.000 hộ đồng bào tự nguyện tham gia góp vốn bằng quyền sử dụng đất với diện tích trên 23.000 ha và hơn 6.600 người tham gia làm công nhân ở các công ty cao su, với mức lương bình quân 2.700.000 đồng/người/tháng. Các công ty đã tạo điều kiện và cho phép nhân dân trong vùng trồng cao su được trồng xen các loại cây nông nghiệp ngắn ngày như: Ngô, đậu, bông, cỏ chăn nuôi... trong thời kỳ kiến thiết cơ bản của chu kỳ cây cao su, bước đầu tạo việc làm cho đồng bào các dân tộc, góp phần tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống, bà con phấn khởi và tin tưởng vào chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước.


Phương thức hợp tác đầu tư và phân chia lợi nhuận giữa Công ty cao su và hộ nông dân đang được tìm tòi, vận dụng sáng tạo để đảm bảo hiệu quả bền vững. Tỉnh Sơn La đang áp dụng phương thức hộ nông dân góp vốn cổ phần bằng giá trị quyền sử dụng đất, mỗi ha trị giá 10 triệu đồng, tương đương 1.000 cổ phiếu để được hưởng cổ tức theo kết quả kinh doanh. Các tỉnh Lai Châu và Điện Biên, các hộ dân góp đất được hưởng 10% sản phẩm mủ cao su sau khi khai thác (trước vận chuyển và chế biến), 10% củi, gỗ khi vườn cây hết chu kỳ khai thác mủ. Số sản phẩm trên được doanh nghiệp mua theo giá thoả thuận.


Để thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển cây su trên địa bàn, đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội của địa phương, các tỉnh đã có những chính sách hỗ trợ ưu đãi như: hỗ trợ kinh phí tổ chức thực hiện quy trình chuyển đổi đất sang trồng cao su; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tham gia góp đất chuyển sang trồng cao su cho từng loại đất, di chuyển nhà tạm trong vùng quy hoạch trồng cao su, hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề, hỗ trợ 100% giống, phân bón cho cây trồng xen, hỗ trợ chênh lệch giá giống cây cao su chịu lạnh... với các mức hỗ trợ phù hợp với điều kiện thực tế. Bên cạnh đó, các tỉnh đều có chính sách ưu tiên tuyển dụng lao động đối với người dân có đất góp vào công ty cao su, con em đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương... Riêng tỉnh Lai Châu đã thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường cho 2.500 ha cao su khép tán, với mức chi trả khoảng 287 nghìn đồng/ha trên.


Một số vấn đề cần quan tâm


Bên cạnh kết quả bước đầu đạt được, trong quá trình triển khai cây cao su tại 3 tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên vẫn còn một số vấn đề nổi lên cần sớm được giải quyết. Trong đó, có những điều mà các địa phương trong vùng cần tiếp tục nghiên cứu, rút kinh nghiệm khi xác định phát triển cao su ở địa phương.


Cây cao su được công nhận là cây đa mục đích theo Quyết định số 2855 QĐ/BNN-KHCN ngày 17 tháng 9 năm 2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Cây cao su trồng từ năm thứ 4 trở đi đã khép tán. Vì vậy mà có độ che phủ rất tốt, thậm chí còn hơn cả một số trạng thái của rừng trồng và rừng tự nhiên, nhưng đến nay vẫn chưa được công nhận hưởng chế độ chi trả dịch vụ môi trường rừng.


Cây cao su là cây trồng mới đối với vùng, nên kinh nghiệm thực tiễn trong trồng và chăm sóc chưa nhiều, hình thức tổ chức sản xuất mới mẻ nên vừa làm vừa rút kinh nghiệm để phù hợp với thực tiễn đặt ra.


Các hình thức phân chia lợi nhuận mới chỉ dự kiến trên lý thuyết nên một bộ phận người dân vẫn chưa hiểu rõ hiệu quả kinh doanh từ cây cao su, đang rất cần có văn bản hướng dẫn cơ chế tài chính cụ thể của các cơ quan Trung ương để người dân và địa phương yên tâm tổ chức thực hiện.

Tính đến hết tháng 9 năm 2013, toàn vùng Tây Bắc có trên 50.100 ha cao su. Trong đó, ba tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu 21.552 ha; Thanh Hóa 16.549 ha; Nghệ An 8.704 ha; Hà Giang 1.100 ha; Yên Bái 1.220 ha; Lào Cai 858,6 ha; Phú Thọ 188 ha.


Nguồn lực và cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư cho phát triển cây cao su của Trung ương chưa có, trong khi đó ngân sách của tỉnh hỗ trợ hạn hẹp, mới chỉ hỗ trợ cho một phần chuyển đổi đất và làm đường đến khâu sản xuất.


Địa hình chia cắt mạnh, độ dốc lớn, quy mô diện tích đất không tập trung, hệ thống giao thông phục vụ cho sản xuất chưa phát triển nên việc canh tác cơ giới hạn chế, chi phí cho quá trình vận chuyển các nguyên vật liệu phục vụ cho việc trồng và chăm sóc lớn, dẫn đến suất đầu tư cho 1ha cao su vùng Tây Bắc cao hơn rất nhiều so với các vùng trồng cao su ở miền trung và miền nam.


Sản xuất cây giống tại chỗ chưa đáp ứng nhu cầu trồng mới, cây giống chủ yếu phải nhập từ miền nam hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc, Lào nên quá trình vận chuyển ảnh hưởng đến chất lượng, chi phí giá thành cao.


Diễn biến thời tiết thất thường, vào mùa mưa thường xảy ra sạt lở đất nên đi lại rất khó khăn đã ảnh hưởng đến vận chuyển vật liệu và tiến độ trồng mới. Mặt khác các đợt rét đậm, rét hại những năm trước cũng đã gây thiệt hại một số tiểu vùng, đã tác động đến tâm lý của người dân.


Trình độ dân trí không đồng đều, lực lượng lao động phần lớn chưa qua đào tạo; tập quán canh tác phát nương làm rẫy của đồng bào dân tộc miền núi cũng ảnh hưởng không nhỏ đến diện tích trồng cao su.


Kiến nghị, đề xuất


Để phát huy những kết quả đạt được, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy mạnh mẽ, vững chắc chương trình phát triển cao su vùng Tây Bắc; trên cơ sở quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các địa phương và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ, bố trí kế hoạch trồng hàng năm phù hợp với khả năng giải phóng đất, công tác chuẩn bị giống và các điều kiện đầu tư khác để đảm bảo chất lượng vườn cây.


Tổ chức tổng kết, đánh giá thực tiễn, rút kinh nghiệm về cơ cấu giống, kỹ thuật canh tác; chủ động cung ứng nguồn giống tại chỗ. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu chọn tạo các giống chịu lạnh có chất lượng cao để áp dụng trên diện rộng; xây dựng nhà máy chế biến mủ ở những khu vực trồng cao su tập trung.


Đề nghị Chính phủ cho những diện tích trồng cây cao su đã khép tán được hưởng chính sách chi trả phí dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định số 99/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ.


Bộ Tài chính sớm có văn bản hướng dẫn cơ chế góp đất và phân chia lợi nhuận trồng cao su giữa doanh nghiệp và hộ nông dân.


UBND các tỉnh trồng cao su cần có chính sách hỗ trợ công ty cao su về hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu đến các trung tâm trồng, chế biến cao su như giao thông điện, công trình nước sinh hoạt... Xây dựng và bổ sung quy ước, hương ước ở các thôn bản trong việc bảo vệ cây cao su cũng như bảo đảm an ninh trật tự.


Riêng đối với các tỉnh chưa nằm trong vùng quy hoạch theo Quyết định 750 của Thủ tướng Chính phủ, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, đánh giá, xác định diện tích trồng khảo nghiệm cho phù hợp; đồng thời bổ sung, điều chỉnh quy hoạch chung cho các địa phương có điều kiện phát triển cây cao su.


T.H(Ban Chỉ đạo Tây Bắc)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN