Những điểm sáng kinh tế TP Hồ Chí Minh - Bài 1: Điểm nhấn ngành dịch vụ

Năm 2019, trong bối cảnh kinh tế thế giới và nhiều nền kinh tế lớn suy giảm, kinh tế TP Hồ Chí Minh tiếp tục duy trì tăng trưởng khá, giữ vững đầu tàu kinh tế của cả nước; trong đó có sự đóng góp quan trọng của các ngành dịch vụ, khu vực chiếm tỷ trọng tới 60,42% trong GRDP của thành phố.

Thế thượng phong

Chú thích ảnh
Người dân chọn lựa thực phẩm an toàn tại Metro Bình Phú, quận 6, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Phương Vy/TTXVN

Theo UBND thành phố, năm 2019, khu vực dịch vụ tăng 8,59%, đạt mức tăng cao hơn cùng kỳ, có 8/9 ngành dịch vụ  trọng  yếu có mức tăng cao hơn so với cùng kỳ. “Ngành dịch vụ trọng yếu tăng nhanh hơn so với cùng kỳ đã góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế chung của thành phố”, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh. 

Cụ thể, thương nghiệp tăng 8,41%; vận tải kho bãi tăng 9,5%; dịch vụ ăn uống và lưu trú tăng 8,5%; tài chính - ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,35%. Riêng ngành bất động sản tăng 5,09 % , tăng thấp hơn cùng kỳ 5,19% do các dự án bất động sản thành phố tiếp tục gặp khó khăn về vấn đề pháp lý.  

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2019 ước đạt 1.177.154 tỷ đồng, tăng 12,1%; trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 763.036 tỷ đồng, tăng 13,3%, chiếm 64,8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ.  

Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, doanh thu bán lẻ hàng hóa duy trì mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ nhờ môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, sự lạc quan tiêu dùng, mức sống của người dân được nâng lên, đầu tư vào khu vực bán lẻ gia tăng tạo sự cạnh tranh giữa các nhà phân phối trong và ngoài nước, hạ tầng thương mại được củng cố và phát triển theo quy hoạch.

Đến nay, thành phố đã phát triển được 2 chợ, 206 siêu thị, 49 trung tâm thương mại và 2.656 cửa hàng tiện lợi. Hầu hết các đơn vị chủ quản hệ thống phân phối có quy mô hàng đầu của thành phố đều do các doanh nghiệp trong nước trực tiếp đầu tư, phát triển, quản lý, khai thác, vận hành. Đây là tín hiệu tích cực, chứng tỏ các đơn vị trong nước đã trải qua thời kỳ tích lũy kinh nghiệm quản lý, đang đẩy nhanh quá trình tích tụ, bằng hình thức đầu tư, liên doanh, liên kết, sáp nhập để nâng cao năng lực đủ sức cạnh tranh trực tiếp với nước ngoài trong thời gian tới.

TP Hồ Chí Minh là địa phương có thị trường hoạt động thương mại điện tử sôi động, dẫn đầu cả nước. Hoạt động thương mại điện tử đã giúp các nhà sản xuất, kinh doanh thực hiện tốt việc quảng bá thương hiệu, hàng hóa tiếp cận nhanh với người tiêu dùng, đồng thời làm thay đổi hình thức mua sắm của người dân thành phố. Tỷ trọng doanh số mua bán trực tuyến trên tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 8,14%. Qua đó, góp phần khai thác, phát triển nguồn hàng đảm bảo cung ứng hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trên thị trường; tổ chức lưu thông hàng hóa đảm bảo tiết kiệm thời gian, chi phí; thỏa mãn nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ của người tiêu dùng.

Trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, TP Hồ Chí Minh cũng đã có mức tăng trưởng tích cực. Cụ thể,tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp thành phố năm 2019 ước đạt 41,9 tỷ USD, tăng 10,06% so cùng kỳ. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa năm 2019 ước đạt 50,2 tỷ USD, tăng 6,63%.

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp thành phố tăng thấp so với cùng kỳ do các doanh nghiệp đã từng bước tận dụng nguồn nguyên liệu trong nước để nâng cao giá trị sản phẩm. Quy mô thị trường ngày càng được mở rộng, các doanh nghiệp đã tận dụng khai thác tốt hơn thị trường xuất khẩu trong điều kiện hoạt động thương mại toàn cầu đang khó khăn. Đặc biệt, năm 2019, thành phố đã thực hiện tốt vai trò làm cầu nối, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước tham gia các kênh phân phối hàng hóa tại thị trường Australia và Thái Lan.

Gia tăng giá trị

Nhằm hướng đến mục tiêu phát triển nhanh các ngành, sản phẩm công nghiệp, dịch vụ có hàm lượng khoa học - công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, thời gian tới TP Hồ Chí Minh tập trung triển khai các giải pháp nhằm phát huy “lợi thế” của mình trong ngành dịch vụ.

Theo đó, thành phố tập trung nâng cao chất lượng hoạt động để nâng tỷ trọng các ngành có hàm lượng tri thức, giá trị gia tăng cao trong ngành dịch vụ, tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu ngành theo hướng tích cực; phát huy lợi thế của thành phố, phát triển nhanh, hiệu quả một số ngành dịch vụ có lợi thế, có giá trị gia tăng cao như du lịch, viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và các dịch vụ khác hỗ trợ kinh doanh.

Cùng với đó, thành phố đa dạng các loại hình thương mại bán lẻ hiện đại kết hợp du lịch mua sắm; phát triển nhanh thương mại điện tử; xây dựng các chính sách khuyến khích phát triển các loại hình thương mại văn minh, hiện đại. Thành phố cũng tích cực, chủ động khai thác mở rộng thị trường, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư; đổi mới cách thức tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại theo hướng chú trọng vào khâu tổ chức và cung cấp thông tin thị trường.

TP Hồ Chí Minh triển khai kế hoạch phát triển hệ thống phân phối nhằm hỗ trợ các thành phần kinh tế trong nước phát triển, thúc đẩy hình thành những doanh nghiệp phân phối lớn của thành phố với các cơ sở kinh doanh - hiện đại, giữ được vai trò dẫn dắt thị trường, vươn lên trong cạnh tranh; hiện đại hóa hệ thống thanh toán, hướng đến áp dụng hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt.

Về phát triển thương mại điện tử, ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, TP Hồ Chí Minh khuyến khích phát triển các hình thức mua sắm hiện đại, thông minh, thương mại điện tử trên thiết bị điện thoại thông minh, góp phần thúc đẩy phong trào khởi nghiệp của doanh nghiệp trẻ trên địa bàn thành phố.

Đánh giá về lĩnh vực dịch vụ của thành phố, ông Zhiyu Jerry Chen, chuyên gia cao cấp Ngân hàng Thế giới (WB) nhận xét, ngành dịch vụ đã trở thành bước đột phá về phát triển kinh tế của TP Hồ Chí Minh, sánh vai cùng với các thành phố tiên tiến trên  thế giới. Sự phát triển của TP Hồ Chí Minh đã vượt địa giới hành chính, lan tỏa sang các tỉnh thành như Bình Dương, Đồng Nai cũng như Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo ông  Zhiyu Jerry Chen, số lượng doanh nghiệp tăng trong nội thành nhưng lực lượng lao động lại tăng ở khu vực ngoại thành hoặc các tỉnh lân cận. Điều này cho thấy, TP Hồ Chí Minh thành công trong việc chuyển đổi các ngành từ truyền thống sang dịch vụ hiện đại.

Về hoạt động xuất nhập khẩu, TP Hồ Chí Minh tiếp tục chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng phát triển nhanh dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu và thúc đẩy phát triển xuất khẩu dịch vụ, hàng hóa vô hình (phần mềm, sản xuất nội dung số...). Trọng tâm là phát triển dịch vụ logistics, cung cấp dịch vụ tài chính, đẩy mạnh liên kết vùng để sản xuất hàng xuất khẩu theo hướng chuyển dịch đến các công đoạn tạo ra giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi giá trị theo hướng thành phố tập trung thực hiện hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) và các dịch vụ khác phù hợp với lợi thế so sánh giữa thành phố và các tỉnh, thành phía Nam.

Đồng thời, TP Hồ Chí Minh cũng tích cực thực hiện các giải pháp để thu hút các nhà đầu tư lớn nhằm sản xuất và xuất khẩu sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến để mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, trong đó chú trọng đến việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia ký kết để mở rộng thị trường xuất khẩu.

Bài 2: Dấu ấn ngành du lịch

Anh Tuấn (TTXVN)
Đà Nẵng tập trung phát triển mạnh các ngành dịch vụ, nhất là du lịch, thương mại
Đà Nẵng tập trung phát triển mạnh các ngành dịch vụ, nhất là du lịch, thương mại

Ngày 15/10, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội nghị lần thứ 14 sơ kết giữa nhiệm kỳ kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XXI (nhiệm kỳ 2015-2020) của Đảng bộ thành phố.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN