Thưa ông, để thực hiện kiểm toán môi trường thì định hướng của Kiểm toán Nhà nước trong thời gian tới sẽ như thế nào?
Kiểm toán môi trường là lĩnh vực khá mới trong hoạt động của Kiểm toán Nhà nước. Chúng tôi đã triển khai công việc này được 3 năm nay. Theo đó, chúng tôi đã triển khai kiểm toán một số dự án; trong đó, tập trung kiểm toán xử lý chất thải rắn, kiểm toán môi trường một số khu công nghiệp, khu kinh tế.
Theo tôi, thách thức lớn là nguồn lực và năng lực của đội ngũ kiểm toán viên, bởi đây là “linh hồn” của mọi cơ quan kiểm toán tối cao. Do vậy, để triển khai được hiệu quả kiểm toán môi trường thì phải tăng cường đào tạo đội ngũ kiểm toán viên mạnh về lĩnh vực này. Đây cũng là một trong những trọng tâm lớn của Kiểm toán Nhà nước sẽ thực hiện trong những năm tiếp theo, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng kiểm toán lĩnh vực này.
Cũng phải nói rằng, kiểm toán môi trường dù rất mới mẻ với Kiểm toán Nhà nước Việt Nam song không phải là chúng ta chưa thực hiện. Thực tế chúng tôi vẫn lồng ghép kiểm toán môi trường trong các dự án kiểm toán. Song, trong thời gian tới, để bảo đảm kiểm toán môi trường hiệu quả hơn nữa, việc học hỏi kinh nghiệm của quốc tế là rất cần thiết.
Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về một số giải pháp của Kiểm toán Nhà nước trong lĩnh vực kiểm toán môi trường?
Thông điệp của Chính phủ rất rõ ràng là không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế, mà phải phát triển bền vững trên cơ sở dữ liệu môi trường bền vững. Điều đó cũng đã đặt ra cho Kiểm toán Nhà nước thông điệp rõ ràng là phải kiểm toán môi trường để bảo đảm rằng tất cả cơ sở kinh tế phải đảm bảo được các yếu tố bảo vệ môi trường.
Chúng tôi tập trung vào các khu kinh tế, khu công nghiệp sử dụng nhiều tài nguyên khoáng sản, phát thải ra môi trường nhiều. Thời gian qua, các cơ quan truyền thông cũng đề cập nhiều đến nhập khẩu phế thải - đây cũng là chủ đề lớn trong những năm tiếp theo chúng tôi sẽ tập trung kiểm toán để giải quyết vấn đề môi trường.
Kiểm toán Nhà nước có vai trò không nhỏ trong công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Vậy vai trò cụ thể của Kiểm toán Nhà nước ở đây là gì, thưa ông?
Việc đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Do đây là tài sản nhà nước nên Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng vốn tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.
Đối với các tập đoàn, tổng công ty có sử dụng vốn nhà nước; trong đó, có cả doanh nghiệp đã cổ phần hóa thì chúng tôi sẽ kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp để bán cổ phần nhà nuớc cho các nhà đầu tư khác. Còn đối với doanh nghiệp nắm giữ 100% vốn nhà nước, thì thực hiện kiểm toán doanh nghiệp thông qua báo cáo tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp phục vụ công tác cổ phần hóa.
Vậy đâu là khó khăn trong việc xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, thưa ông?
Thực ra, quá trình kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp gặp nhiều thách thức. Thách thức lớn nhất là xác định giá trị quyền sử dụng đất cũng như một số tài sản gắn liền với đất mà doanh nghiệp đang sử dụng. Hiện các doanh nghiệp của Việt Nam nắm giữ nguồn lực rất lớn, đặc biệt là đất đai. Thách thức rất lớn này đòi hỏi năng lực của đội ngũ kiểm toán viên, để làm sao xác định giá trị chính xác, bảo đảm trong quá trình cổ phần hóa không làm thất thoát tài sản nhà nước, đặc biệt là tài sản đất đai.
Xin cảm ơn ông !