Tết Nguyên đán Nhâm Dần là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, dù không còn các phương án cách ly dài ngày nhưng vẫn hiếm có gia đình nào lựa chọn đi chơi xa. Chính vì thế, với người dân ở Hà Nội nói riêng và miền châu thổ sông Hồng nói chung, tham quan các làng nghề như làng nghề Phú Túc trong dịp Tết Nguyên đán có thể sẽ là một trải nghiệm đáng nhớ.
Cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 40km về phía Nam, xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên, Hà Nội, có một nghề truyền thống vô cùng độc đáo, đó là nghề đan cỏ tế. Với khung cảnh đơn sơ nơi đây mang lại cho chúng ta cảm giác rất gần gũi quen thuộc, xen lẫn vào đó là mùi thơm của những cây bèo, cây mây phơi khô phảng phất. Từng bước từng bước chúng ta như được đưa vào vùng đất rất “cổ tích” khi mà xung quanh là những cánh đồng, sân phơi vô cùng ấm áp với tông màu chủ đạo là vàng, đỏ và nâu.
Đồng hành với những cây guột mọc hoang, cây bèo, bẹ ngô, mây qua hàng mấy trăm năm, người dân xã Phú Túc với những đôi bàn tay khéo léo đã biến những thân cây khô thành những sản phẩm vật dụng gia đình tinh xảo. Những sản phẩm này hầu hết đều được để thô mộc mang những nét giản dị quê hương hoặc dùng sơn, dầu bóng thổi những nét hiện đại đều có những sức thu hút đầy sống động. Với xu hướng ưu tiên dùng hàng Việt, các sản phẩm của làng nghề đã mang lại giá trị kinh tế cao.
Các mặt hàng hiện nay chủ yếu được sản xuất theo các mẫu mã đa dạng. Hầu hết các hộ gia đình trong xã Phú Túc đều có lao động làm nghề và tạo ra nguồn thu nhập bình quân từ 200.000 - 300.000 đồng/người/ngày tùy thời vụ. Hiện nay, các hộ sản xuất chủ yếu làm theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp trong xã, theo hình thức nhận nguyên liệu về làm tại gia đình.
Để nói về lịch sử của nghề này, người dân ở đây cũng không có được thông tin chính xác thời gian bắt đầu của nó. Nhưng theo tìm hiểu, nghề đan cỏ của làng nghề Phú Túc có niên đại khoảng 400 năm. Tương truyền rằng, bà Nguyễn Thảo Lâm đến đất Phú Túc và đã phát hiện ra cách đan lát những loại cỏ nơi đây thành vật dụng gia đình. Qua mỗi thế hệ, nghề đan cỏ lại được truyền lại và cứ thế tồn tại và phát triển đến ngày nay.
Đi dạo quanh làng Phú Túc 1 vòng, chúng tôi đã đến nhà cụ Nguyễn Thị Nhiễu, năm nay cụ 95 tuổi là người già nhất trong làng đến nay vẫn còn làm nghề.
Cụ Nhiễu chia sẻ, từ khi chỉ mới lên 4-5 tuổi, đã theo bố mẹ làm nghề đan cỏ. Thời điểm đó, mới còn bé, cụ chỉ được làm những công việc đơn giản chứ chưa được đan lát ngay. Vài năm sau đó được bố mẹ dạy cụ đã không mất quá nhiều thời gian để thành thạo công việc. Đến nay, 5 người con của cụ cũng theo nghề này.
“Nghề này như thể là một phần cuộc sống của tôi rồi, có thế nào cũng không bỏ được. Vả lại ở tuổi này làm việc cũng là một cách giữ cho đầu óc minh mẫn và tay chân tháo vát, còn tiền nong thì kiếm được đồng nào hay đồng nấy”, cụ cười nói.
Đến với làng Phú Túc, bất kỳ ai cũng sẽ bị thu hút bởi những giỏ hoa, lẵng hoa, giỏ quả, khay, hộp đựng quần áo, tráp đựng son phấn, hàng lưu niệm… với những mẫu mã, kiểu dáng đa dạng, bền đẹp và quan trọng là giá cả vô cùng cạnh tranh. Chỉ với vài chục nghìn nhiều hơn thì một, hai trăm nghìn, người tiêu dùng đã có thể sắm được đủ những vật dụng trang trí nhà hay dùng trong dịp Tết.
Nguyên liệu chính được người dân nơi đây tin dùng chính là mây, cỏ, bẹ ngô, guột được phân loại rồi phơi ít nhất ba nắng để đạt được độ dẻo dai và gia tăng độ bền. Tiếp đến, bằng đôi bàn tay khéo léo của mình, người dân nơi đây sơ chế, đan lát và biến nguyên liệu thành những sản phẩm phức tạp, thẩm mỹ.
Mặc dù, những sản phẩm ở đây đều được sản xuất thủ công và không có sự can thiệp của máy móc, thế nhưng người dân Phú Túc còn tự hào khi sản phẩm của họ đã chinh phục được những thị trường khó tính bậc nhất thế giới như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Nghề đan guột ở mảnh đất Phú Túc còn đòi hỏi sự gắn kết của người với người. Không khó để bắt gặp những hình ảnh mỗi người một việc khi có cơ hội thăm mảnh đất lành nghề này.
Chị Nguyễn Thị Quyển, 33 tuổi, ở thôn Lưu Thượng, xã Phú Túc chia sẻ, nghề guột tế đã gắn bó với nhiều thế hệ người dân Lưu Thượng nói riêng và xã Phú Túc nói chung. Ở đây ai cũng có thể tham gia vài công đoạn. Trẻ con giúp bố mẹ phơi cỏ. Các cụ già chẻ, chuốt để con cháu đan, nhuộm, tạo hình sản phẩm rồi hun qua diêm sinh, nhúng dầu keo, phơi nắng hoặc sấy khô để sản phẩm bền đẹp.
Làm công phu, tỉ mỉ nên các sản phẩm làm từ cỏ tế của Lưu Thượng được khách hàng ưa chuộng nhờ hình thức bắt mắt và độ bền cao. Sản phẩm còn thu hút khách bởi xu hướng ưu tiên tiêu dùng sản phẩm trong nước, thân thiện môi trường.
Để phát triển làng nghề, Chương trình 05/CTr-HU ngày 08/01/2015 của Huyện ủy Phú Xuyên về “Xây dựng và phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch làng nghề giai đoạn 2015 - 2020” đã giúp nhiều tuyến đường giao thông liên xã được đầu tư, nâng cấp thu hút nhiều khách tham quan đến đây.
Ông Trần Văn Khiêm, Chủ tịch xã Phú Túc cho biết, để phát triển làng nghề, UBND Thành phố Hà Nội đã có Quyết định số 4989/QĐ-UBND thành lập Cụm công nghiệp Phú Túc. Đây sẽ là điều kiện để xã nghề Phú Túc phát triển. Dự kiến, quý II/2022, cụm công nghiệp này sẽ đi vào hoạt động.
Bên cạnh đó, việc tuyền truyền và tập huấn kiến thức du lịch và dịch vụ cùng với nâng cao khả năng sử dụng công nghệ thông tin để các hộ quảng bá sản phẩm đã được đẩy mạnh, nhất là khi dịch bệnh COVID-19 kéo dài khách hàng không đến được với làng nghề.
Tới đây, Phú Túc sẽ đẩy mạnh bảo tồn, trùng tu và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa, lễ hội truyền thống để làm phong phú thêm các hoạt động trải nghiệm cho du khách.
Cùng với đó, xã cũng đã có những liên hệ với các làng nghề lân cận như: làng chế biến kẹo Hoàng Long, làng tò he Phượng Dực, làng mộc Tân Dân,… để xây dựng tour tham quan các làng nghề nổi tiếng thu hút khách du lịch trong điều kiện thích ứng linh hoạt an toàn với dịch bệnh.
Nghề đan guột đã mang lại cho Phú Túc một diện mạo mới, nâng cao mức sống của người dân trong xã. Điều đó thể hiện rõ trên những con đường làng được “bê tông hoá”, những ngôi nhà cao tầng hiện đại mọc lên san sát. Sự đổi thay đó vẫn luôn song hành cùng những cây guột được phơi đủ nắng chờ ngày hoá thân thành những sản phẩm thủ công xinh xắn làm đẹp cho mọi nhà, làm giàu cho quê hương.