Niềm tự hào của người dân Lục Ngạn

Những năm qua, vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang đã khẳng định thương hiệu không chỉ ở thị trường trong nước mà dần vươn ra nhiều nước trên thế giới, kể cả một số thị trường cao cấp, khó tính như Mỹ, Australia, Nhật Bản, châu Âu....

Thu hoạch vải thiều ở huyện Lục Ngạn. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Vải thiều đã thực sự là cây xóa đói giảm nghèo, mang lại nguồn thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm cho người dân huyện Lục Ngạn, nơi có diện tích và sản lượng vải thiều lớn nhất cả nước.

Chúng tôi đến "Vương quốc" vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang. Dù còn đang phấp phỏng lo âu với nguy cơ mất mùa vải thiều do đã đến cuối tháng 2 dương lịch mà tỷ lệ ra hoa trên cây vải thiều còn thấp, song những ngày này người trồng vải ở Lục Ngạn vẫn đang dồn công sức chăm bón cho các gốc vải thiều để chuẩn bị cho một vụ thu hoạch mới.

Theo UBND huyện Lục Ngạn, năm 2017 tổng diện tích trồng vải toàn huyện gần 16.300 ha; trong đó vải chính vụ khoảng 14.543 ha, vải chín sớm khoảng 1.750 ha. Đáng chú ý, diện tích sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP dự kiến đạt 10.700 ha, tăng 200 ha so với năm 2016.

Ông Lê Bá Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết: "Huyện Lục Ngạn rất quan tâm đến xây dựng thương hiệu đối với các sản phẩm nông nghiệp của huyện. Hiện nay, huyện đã có 7 thương hiệu nông sản hàng hóa, đặc biệt là chỉ dẫn địa lý đối với vải thiều, đây là một thương hiệu rất có giá trị. Từ khi có thương hiệu đã tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu thụ vải thiều, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Cụ thể, huyện đã chỉ đạo sát sao từ khâu sản xuất đến đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Trong đó tập trung xây dựng các chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp, thương lái, các nhà tiêu thụ; quan tâm sơ chế, bảo quản cũng như xúc tiến thương mại ở khu vực biên giới, các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, mở rộng ra một số thị trường khó tính như các nước Mỹ, Australia, các nước ở châu Âu... Nhờ đó, năm 2016 vải thiều đã mang lại cho Lục Ngạn hơn 2.000 tỷ đồng.

"Trong năm 2017, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, áp dụng VietGAP cũng như các quy trình khoa học kỹ thuật tiên tiến để đẩy mạnh sản xuất vải thiều, mang lại hiệu quả cao hơn nữa cho bà con nông dân. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh, đưa thương hiệu vải thiều Lục Ngạn tới người tiêu dùng, các nhà tiêu thụ. Đặc biệt, trong năm nay chúng tôi hướng tới mở rộng xúc tiến thương mại sang Trung Quốc chứ không chỉ là xúc tiến thương mại ở Việt Nam như hàng năm” - ông Lê Bá Thành cho biết.

Cũng theo ông Lê Bá Thành, ngay từ trong Tết, huyện đã phối hợp với Cục Trồng trọt, Viện Rau quả, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh bám địa bàn, hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật để tạo điều kiện thuận lợi cho vải ra hoa. Đồng thời, phối hợp với Viện Rau quả thực hiện các dự án, mô hình ứng phó với biến đổi khí hậu, nhằm giữ vững thương hiệu vải thiều Lục Ngạn.

Nằm sát thị trấn Chũ, trung tâm của huyện Lục Ngạn, xã Trù Hựu có trên 2.000 hộ dân thì gần như toàn bộ đều trồng vải thiều. Ông Đào Đình Bảy, Phó Chủ tịch HĐND xã cho biết, năm 2016 toàn xã có diện tích trồng vải thiều chính vụ khoảng 430 ha, sản lượng đạt khoảng 5.400 tấn, mang lại nguồn thu cho người dân địa phương trên 90 tỷ đồng. Hàng năm, xã đều tổ chức tập huấn cho nông dân sản xuất vải theo tiêu chuẩn VietGAP, phối hợp với các ban ngành ở huyện để đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hộ trồng vải tiêu thụ vải thiều.

Đóng gói vải tươi phục vụ xuất khẩu tại một hộ kinh doanh thuộc thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN

Đi theo con đường làng ngoằn nghèo đã được trải thảm bê tông từ UBND xã Trù Hựu vài km là đến gia đình ông Vũ Đức Tâm ở thôn Hải Yên, một hộ trồng vải có sản lượng lớn hàng năm của xã. Ông Tâm cho biết, gia đình ông đã bắt đầu trồng cây vải thiều từ khoảng 30 năm nay.

Hiện vườn vải nhà ông có diện tích gần 1 ha, năm 2016 thu hoạch được hơn 20 tấn quả, bán với giá trên 20.000 đồng/kg, đạt doanh thu trên 400 triệu đồng. Nhờ trồng vải và các cây ăn quả khác như bưởi, táo..., đời sống gia đình ông đã trở lên khấm khá, xây dựng được ngôi nhà hai tầng khang trang, rộng rãi.

Làm việc với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lục Ngạn, chúng tôi được biết, cây vải thiều đã bắt đầu được trồng ở Lục Ngạn từ những năm 60 của thế kỷ trước cùng với phong trào khai hoang xây dựng vùng kinh tế mới ở địa phương. Đến nay, cây vải thiều đã là cây chủ lực trong cơ cấu cây ăn quả, làm nên thương hiệu, uy tín và là niềm tự hào của người dân Lục Ngạn.

Hiện diện tích vải chiếm trên 74% diện tích trồng cây quả của huyện, sản lượng hàng năm đạt từ 90.000 - 130.000 tấn, thu nhập từ vải thiều và dịch vụ vải thiều hàng năm chiếm khoảng 60% trong tổng thu của ngành nông nghiệp huyện.

Trở thành vùng sản xuất hàng hóa lớn, huyện Lục Ngạn đã quan tâm đến xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản xuất vải thiều đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu.

Việc xây dựng thương hiệu vải thiều Lục Ngạn còn có ý nghĩa rất lớn nhằm tạo vị thế cho quả vải trên thị trường trong nước cũng như nước ngoài, đồng thời tăng lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy phát triển loại cây có giá trị, tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Năm 2006 huyện Lục Ngạn phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang tiến hành xây dựng chỉ dẫn địa lý cho vải thiều và đến tháng 6 năm 2008 vải thiều Lục Ngạn đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn.

Năm 2014, vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang đã được bảo hộ tại 5 nước trên thế giới là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào, Campuchia và năm 2015 xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ thêm ở các nước Mỹ, Australia, Đức, Pháp, Singapore.

Để nâng cao uy tín quả vải thiều, UBND huyện Lục Ngạn đã chỉ đạo sản xuất vải thiều an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP đến 30 xã, thị trấn trong huyện. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, một số xã có diện tích vải thiều VietGAP lớn là Hồng Giang, Giáp Sơn, Phì Điền, Quý Sơn, Thanh Hải, Tân Quang... Bên cạnh đó, huyện cũng đã bước đầu triển khai sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn GlobalGAP tại Hợp tác xã Hồng Xuân, xã Hồng Giang với quy mô 100 ha, sản lượng đạt khoảng 500 - 600 tấn/vụ.

UBND huyện Lục còn phối hợp với dự án QSEAP hướng dẫn nông dân thực hiện quy trình sản xuất "Thực hành nông nghiệp tốt" trong sản xuất vải thiều, nhờ đó góp phần giữ gìn, phát triển bền vững thương hiệu vải thiều Lục Ngạn. Huyện cũng đã tổ chức gần 500 lớp tập huấn sản xuất vải an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.

Trong vụ vải thiều năm 2017 này, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lục Ngạn phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện tiếp tục tập huấn cho hộ nông dân các biện pháp kỹ thuật sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, từng bước áp dụng kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP tại các xã Hồng Giang, Thanh Hải, Giáp Sơn, Quý Sơn, Nghĩa Hồ...

Để tiếp tục nâng cao uy tín, giá trị, xứng với tên gọi chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn và xây dựng thương hiệu vải thiều Lục Ngạn ngày càng vững chắc, hiệu quả, ngoài việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, huyện cũng quan tâm củng cố, phát triển và quảng bá thương hiệu chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn rộng rãi ở trong nước và nước ngoài, đặc biệt là các nước phát triển.

Huyện xây dựng mục tiêu đến năm 2021 sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP là 13.000 ha, sản lượng 105.000 tấn; sản xuất vải theo tiêu chuẩn GlobalGAP là 2.000 ha, sản lượng 17.000 tấn.

Việt Hùng (TTXVN/Tin Tức)
Cây vải thiều không ra hoa, Thanh Hà, Lục Ngạn có nguy cơ thất thu hàng nghìn tỷ đồng
Cây vải thiều không ra hoa, Thanh Hà, Lục Ngạn có nguy cơ thất thu hàng nghìn tỷ đồng

Hàng ngàn ha trồng vải thiều tại Lục Ngạn (Bắc Giang), Thanh Hà (Hải Dương) vẫn chưa ra hoa. Bà con trồng vải đang đối mặt với nguy cơ mất mùa lớn nhất từ trước tới nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN