Niềm vui của nông dân vùng giáp biên Việt Nam-Campuchia

Nông dân hai bên bờ biên giới Kiên Giang - Kam Pốt cùng nhau ra đồng, giúp nhau ngày công, dùng chung máy móc, hỗ trợ nhau vốn giống để cùng làm giàu.

Được sự chấp thuận của chính quyền hai tỉnh Kiên Giang (Việt Nam) và Kam Pốt (Campuchia), cùng sự giúp công, góp sức của các lực lượng vũ trang, sự đồng tình ủng hộ của đồng bào hai bên biên giới, đến nay đã có 5 cặp ấp trên địa bàn huyện Giang Thành, thị xã Hà Tiên và phum đối diện thuộc tỉnh Kam Pốt ký kết nghĩa.

Sau khi ký kết, người dân hai bên vui mừng vì từ nay họ có thêm anh em, chòm xóm. Từ nay mọi việc làm của bà con đều được chính quyền, các trưởng phum, trưởng ấp, các già làng, người cao tuổi, trụ trì các chùa… đứng ra kết nối, chỉ bảo.

Lực lượng vũ trang và bà con hai bên biên giới gặp gỡ, thăm hỏi nhau dưới chân cột mốc 303 huyện Giang Thành và tỉnh Kam Pốt. Ảnh: Lê Sen/TTXVN

Theo nội dung ký kết nghĩa, hai bên thống nhất tuyên truyền, vận động nhân dân bảo vệ đường biên, cột mốc, không làm thay đổi dòng chảy hai bên bờ kênh, chấp hành nghiêm các quy định về việc qua lại biên giới; không tham gia vận chuyển, buôn bán ma túy, hàng lậu, vũ khí; không tuyên truyền đạo trái pháp luật. Chương trình kết nghĩa nhằm tăng cường mối quan hệ dân tộc, thân tộc vốn có từ lâu đời giữa nhân dân hai bên biên giới; cùng nhau xây dựng biên giới Việt Nam - Campuchia hòa bình, hữu nghị, hợp tác và cùng phát triển. Điều này cũng đáp ứng được mong muốn từ bao đời của người dân vùng biên giới.

Có mặt cùng với Bộ đội Biên phòng Kiên Giang và bà con hai bên ngay dưới chân cột mốc chủ quyền 303 huyện Giang Thành, Trung úy Uông Sit, Đại đội trưởng Đại đội 3, tỉnh Kam Pốt (Campuchia), chia sẻ: Không có niềm vui nào bằng khi mà quân, dân hai bên biên giới trước đây đã từng thân thiết, nay còn được ký kết nghĩa với nhau. Như vậy, mọi người lại càng gần nhau hơn, hiểu nhau hơn. Mọi việc qua lại, làm ăn, thăm thân cũng thuận tiện hơn trước rất nhiều. Từ đó, tình hình an ninh, trật tự khu vực ổn định, bà con tích cực cùng lực lượng vũ trang tham gia bảo vệ biên giới, bảo vệ đường biên, hai lực lượng càng thân thiết, hiểu biết, giúp đỡ lẫn nhau, cùng chung tay góp sức bảo vệ đường biên, mốc giới.

Sau khi ký kết nghĩa, bà con nông dân sinh sống, sản xuất vùng giáp biên được nhận bảo quản đường biên, mốc giới. Những việc bà con làm đã được chính quyền công nhận, cho dù trách nhiệm đặt lên họ quan trọng hơn, nhưng bà con thấy thoải mái, yên tâm. Điều minh chứng cho tinh thần trách nhiệm của người dân là họ làm việc vô tư, không đề đạt chính quyền hỗ trợ thù lao, hay chính sách đãi ngộ nào cho riêng mình.

Nhằm giúp nhân dân vùng biên giới phía tỉnh bạn Kam Pốt giảm đi phần nào khó khăn, gánh nặng, Bộ đội Biên phòng Kiên Giang đã đứng ra nhận đỡ đầu 4 hộ gia đình nghèo, với mức hỗ trợ 500.000 đồng/tháng để trẻ em có điều kiện tiếp tục đến trường, nuôi dưỡng ước mơ. Tình cảm ấy được chính quyền, lực lượng vũ trang và bà con tỉnh Kam Pốt trân trọng, đón nhận với cả tấm lòng.

Nhờ vào những chủ trương, cách làm đúng đắn của các cấp chính quyền, lực lượng vũ trang, người dân hai bên được gần nhau hơn, cùng nhau ra đồng, lên rẫy, chia sẻ kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, giúp nhau ngày công, dùng chung máy móc, công cụ lao động, hỗ trợ nhau vốn giống để cùng làm giàu.

Ông Sum Trươl, ngụ tại huyện Kông Pông Trách, tỉnh Kam Pốt cho biết: Bà con ở hai bên làm ăn rất đoàn kết, thường xuyên qua lại thăm nhau, tiếp giúp nhau, không có mích lòng, hay là tranh chấp. Bộ đội thân thiện, hiền hòa, biết cái đúng, cái sai đều chỉ bảo, hướng dẫn cho bà con.

Biên giới thanh bình, đoàn kết, đời sống đồng bào ngày được nâng lên, đã có hàng ngàn hộ dân hai bờ gọi nhau lên vùng biên này lập nghiệp, nhiều người từ tay trắng, vươn lên khá giả. Sóng điện thoại, truyền hình, điện sinh hoạt phủ khắp nẻo biên cương. Các hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội, buôn lậu bị đẩy lùi, mở ra một trang mới cho vùng đất vốn chịu nhiều bom đạn chiến tranh, lũ lụt, đói nghèo ngày nào.

Lê Sen (TTXVN)
Ia Dom - xã nông thôn mới đầu tiên trên tuyến biên giới Tây Nguyên
Ia Dom - xã nông thôn mới đầu tiên trên tuyến biên giới Tây Nguyên

Đầu năm 2016, xã Ia Dom thuộc huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai, đã được công nhận là xã nông thôn mới. Đây là xã đầu tiên ở tuyến biên giới vùng Tây Nguyên nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng "về đích" sớm nhất trong xây dựng nông thôn mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN