Ninh Thuận tiêu chuẩn hóa các sản phẩm đặc thù

Để thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, tạo giá trị gia tăng cho những sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của địa phương, tỉnh Ninh Thuận đang tập trung phát triển các sản phẩm đặc thù tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Chú thích ảnh
Nho được tỉnh Ninh Thuận xác định hỗ trợ đầu tư, phát triển thành sản phẩm OCOP.

Theo kế hoạch năm 2020, tỉnh Ninh Thuận sẽ triển khai, phát triển tiêu chuẩn hóa ít nhất 11 trong 12 sản phẩm đặc thù của địa phương đã được công nhận; trong đó nâng cao giá trị từ 3 - 5 sản phẩm OCOP có chất lượng cao, đạt chuẩn từ 3 - 5 sao đối với các sản phẩm nho, táo, tỏi, măng tây, thổ cẩm Mỹ Nghiệp; 3 - 5 sản phẩm này tham gia vào đánh giá tiêu chuẩn sản phẩm OCOP cấp quốc gia.

Để xây dựng sản phẩm OCOP chủ lực, Ninh Thuận dành kinh phí 4 tỷ đồng triển khai 13 nhiệm vụ chính gồm: Đào tạo tập huấn cho cán bộ, chủ thể sản xuất tham gia Chương trình phát triển sản phẩm OCOP; tư vấn đăng ký sản phẩm; hỗ trợ phát triển sản phẩm; kiểm tra đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP; tổ chức xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ OCOP trong và ngoài tỉnh để kết nối đầu ra sản phẩm; phát triển sản phẩm OCOP gắn với hoạt động du lịch để nâng cao giá trị sản phẩm...

Ông Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, Trưởng ban Phát triển sản phẩm OCOP và đặc thù Ninh Thuận cho hay, xác định thực hiện Chương trình OCOP là nhiệm vụ trọng tâm nhằm khuyến khích, hỗ trợ các chủ thể sản xuất tích cực, khai thác thế mạnh của sản phẩm đặc thù để tiếp tục phát triển sản phẩm đi vào chiều sâu, đáp ứng tiêu chuẩn sạch, chất lượng cao để nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh; đồng thời hướng tới xây dựng những thương hiệu lớn cho sản phẩm đặc thù của địa phương.

Chú thích ảnh
Măng tây xanh được tỉnh Ninh Thuận hỗ trợ đầu tư, phát triển thành sản phẩm OCOP.

Để đạt được mục tiêu, UBND tỉnh khẩn trương chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã cùng tham gia đầu tư, phát triển sản phẩm OCOP theo hướng gia tăng giá trị, đáp ứng tiêu chuẩn và nhu cầu thị trường.

Các đơn vị sản xuất công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm; thiết kế bao bì, nhãn mác; xây dựng câu chuyện sản phẩm với với lịch sử, văn hóa bản địa; dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm OCOP…

Bên cạnh đó, tỉnh có các cơ chế, chính sách ưu đãi, huy động các nguồn lực gắn kết chương trình OCOP với các chương trình, dự án khác để hỗ trợ các chủ thể sản xuất, kinh doanh tiếp tục nâng cao năng lực quản lý; hoàn thiện, nâng cấp sản phẩm dịch vụ đạt tiêu chuẩn chất lượng cao.

Đồng thời, tỉnh tạo điều kiện cho các cá nhân, đơn vị tham gia chương trình OCOP được giới thiệu, bán sản phẩm tại các điểm bán hàng OCOP, hệ thống các kênh phân phối hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện lợi, bán hàng trên các sàn giao dịch điện tử.

Chú thích ảnh
Thổ cẩm Mỹ Nghiệp cũng được hỗ trợ đầu tư, phát triển thành sản phẩm OCOP tại Ninh Thuận.

Thời gian tới, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu; nhân rộng các mô hình sản xuất tập trung, tạo điều kiện cho người dân liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất sản phẩm theo chuỗi giá trị ngành hàng, bao tiêu sản phẩm... để sớm đưa các sản phẩm đặc thù phát triển đạt chứng nhận sản phẩm OCOP.

Theo Ban Phát triển sản phẩm OCOP và đặc thù tỉnh Ninh Thuận, toàn tỉnh hiện có 36 sản phẩm dự kiến có thể phát triển thành sản phẩm OCOP gồm: 21 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm và 5 sản phẩm thuộc nhóm đồ uống; 1 sản phẩm thuộc nhóm thảo dược; 1 sản phẩm thuộc nhóm vải, may mặc; 4 sản phẩm thuộc nhóm trang trí, lưu niệm, nội thất và 4 sản phẩm thuộc nhóm dịch vụ du lịch nông thôn. Trong số này, nhiều sản phẩm đã có thương hiệu với chất lượng đặc thù, được người tiêu dùng cả nước biết đến, lựa chọn mua sắm.

Việc triển khai Chương trình OCOP không chỉ hướng đến mục đích thúc đẩy phát triển sản xuất sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân mà qua đó còn giúp thực hiện nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong bộ tiêu chí của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở các địa phương đi vào thực chất hơn, góp phần tạo thêm động lực phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Nguyễn Thành (TTXVN)
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm: Sản xuất chè theo hướng an toàn, hữu cơ
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm: Sản xuất chè theo hướng an toàn, hữu cơ

Tại đề án “Nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững cây chè và thương hiệu sản phẩm trà Thái Nguyên, giai đoạn 2017- 2020”, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu đạt chất lượng an toàn sản phẩm cho 100% diện tích chè trong quy hoạch sản xuất theo hướng VietGAP, sản xuất chè theo hướng an toàn, hữu cơ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN