Nợ công là tổng giá trị các khoản tiền mà chính phủ thuộc mọi cấp từ trung ương đến địa phương đi vay nhằm bù đắp các khoản thâm hụt ngân sách. Vì vậy, ở một góc độ nào đó, nợ công chính là thâm hụt ngân sách lũy kế đến một thời điểm nhất định. Nhìn lại lịch sử kinh tế thế giới có thể thấy hầu như không có nền kinh tế nào “miễn dịch” với căn bệnh nợ công, cho dù “thể trạng” của nền kinh tế đó khỏe hay yếu. Tuy nhiên, không phải lúc nào nợ công cao cũng sẽ ngay lập tức mang lại những kết cục bi đát.
Nợ công lớn - Nguy hiểm hiện hữu?
Câu trả lời là “chưa nguy hiểm” với trường hợp của Nhật Bản - quốc gia đang dẫn đầu thế giới về tỷ lệ nợ công. Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết đến cuối tháng 12/2013, nợ của chính phủ nước này đã đạt mức cao kỷ lục mới 1.017.900 tỷ yên (khoảng 9.940 tỷ USD). Kỷ lục trước đó là 9.870 tỷ USD vào cuối quý III/2013. Như vậy, nợ công của Nhật Bản đã ba quý liên tiếp vượt qua mốc 1.000.000 tỷ yên.
Người tiêu dùng chọn mua hàng hóa tại một siêu thị ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo các chuyên gia phân tích, tình trạng nợ công hiện nay của Nhật Bản là hậu quả tất yếu của những giải pháp mà Tokyo đã tiến hành nhằm đưa nền kinh tế thoát khỏi giai đoạn “đau lâu ốm dài”. Giải pháp truyền thống mà Tokyo ưa chuộng là tăng chi tiêu công để kích thích tăng trưởng kinh tế. Nhật Bản là quốc gia sở hữu những gói kích cầu khổng lồ cả về tổng giá trị cũng như tỷ lệ tính trên GDP. Những ảnh hưởng tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ cùng những nỗ lực tái thiết đất nước sau thảm họa động đất - sóng thần hồi tháng 3/2011 đã khiến nợ công của Nhật Bản gia tăng.
Một nguyên nhân nữa khiến nợ nần của chính phủ Nhật Bản ngày một chồng chất là chi phí phúc lợi và an sinh xã hội cao. Tình trạng già hóa dân số khiến chi phí an sinh xã hội chiếm phần lớn nhất trong ngân sách của tài khóa 2013 - 2014. Việc chính phủ hào phóng trao cho người dân mức thuế thấp cùng chính sách lãi suất 0% cũng là nguyên nhân khiến nợ công của đất nước này leo thang. Hiện nay, thuế doanh thu của Nhật Bản là 5% - mức thấp nhất trong nhóm nước công nghiệp hóa (so với mức gần 20% của châu Âu). Nguồn thu từ thuế của Nhật Bản chỉ đóng góp 17% cho GDP, thấp nhất trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).
Trụ sở của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tại thủ đô Washington. |
Tuy nhiên, khác với các nền kinh tế ốm yếu ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), chủ nợ của khoảng 95% nợ công của Nhật Bản là các nhà đầu tư trong nước. Điều này giúp Nhật Bản tránh được phần lớn những ảnh hưởng tiêu cực khi thị trường tài chính thế giới biến động. Tỷ lệ nợ công/GDP cao nhưng với hiệu quả vốn đầu tư cao (chỉ số ICOR khoảng 3,0) nên khả năng trả nợ là không quá khó.
Với kho dự trữ ngoại tệ dồi dào, Nhật Bản vẫn là chủ nợ lớn nhất thế giới khi nắm trong tay 3.300 tỷ USD tài sản nước ngoài. Tóm lại, căn bệnh nợ công ở nền kinh tế lớn thứ ba thế giới chưa bước vào giai đoạn nguy hiểm. Tuy nhiên, đây quả sẽ là một chướng ngại vật trên con đường phục hưng kinh tế Nhật Bản trong dài hạn.
Nợ nhiều - Nguy cơ khai tử
Đó là trường hợp của những “mắt xích yếu” trong hệ thống kinh tế châu Âu. Cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu bắt đầu từ nửa sau năm 2009, với Hy Lạp là nạn nhân đầu tiên khi tỷ lệ nợ công/GDP của nước này lên đến 115%. Đến tháng 11/2010, Ireland chính thức "trở bệnh" và phải cầu viện Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Bước sang năm 2011, Bồ Đào Nha tiếp tục là quốc gia thứ ba rơi vào khủng hoảng, khi thông báo tỷ lệ nợ công/GDP đã vượt quá 90%. Những nước ghi nhận mức nợ công cao nhất tính đến cuối quý III/2013 gồm Hy Lạp (171,8% GDP), Italy (132,9% GDP), Bồ Đào Nha (128,7% GDP) và Ireland (124,8% GDP). Nợ công cùng kỳ trong khối 28 thành viên EU nhích lên tương đương gần 86,8% GDP, so với 86,7% GDP trong quý trước đó.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính dẫn đến cơn bão nợ công ở châu Âu là do chính sách tài khóa thiếu bền vững và tình trạng mất cân đối trong việc vay nợ của các quốc gia. Điển hình là Hy Lạp, nước kể từ khi gia nhập Eurozone năm 2001 đến khủng hoảng tài chính năm 2008 có mức thâm hụt ngân sách được công bố trung bình vào khoảng 5% GDP mỗi năm, trong khi con số này của cả khối Eurozone chỉ khoảng 2% GDP. Chính vì thế, Hy Lạp đã không thể bám đuổi nổi tiêu chuẩn mà EU đặt ra là trần thâm hụt ngân sách là 3% GDP và nợ công 60% GDP.
Một nguyên nhân nữa dẫn đến cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu là sự hạn chế trong cơ chế phối hợp trong Eurozone. Mặc dù đã có những quy định cụ thể về mức thâm hụt ngân sách cũng như nợ công nhưng liên minh tiền tệ này lại không có một cơ chế giám sát và quản lý hiệu quả đối với từng quốc gia thành viên. Chính vì vậy, sự kiện vỡ nợ tại Hy Lạp đã khiến cuộc khủng hoảng niềm tin lan sang các quốc gia có chính sách tài khóa lỏng lẻo khác.
Ngoài ra, một nguyên nhân khác khiến cuộc khủng hoảng lan rộng và có nguy cơ trầm trọng hơn chính là việc thiếu cơ chế phối hợp ứng phó giữa các quốc gia trong khu vực. Tóm lại, châu Âu thiếu những cảnh báo sớm với một chiến lược xử lý về dài hạn.
Nợ công - Con bài chính trị
Đó là trường hợp của Mỹ, nền kinh tế lớn nhất hành tinh. Ngày 12/2/2014, Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật cho phép nâng trần nợ quốc gia mà không kèm theo bất cứ điều kiện nào. Quyết định này nhằm tránh cho nước Mỹ nguy cơ rơi vào tình trạng vỡ nợ - một diễn biến có thể đẩy thị trường tài chính nước này và toàn cầu vào một cú sốc. Chính quyền của Tổng thống Barack Obama sẽ có quyền tiếp tục vay nợ để chi trả cho các hoạt động đến hết ngày 15/3/2015.
Việc dự luật nâng trần nợ công được Quốc hội phê chuẩn đã chấm dứt cuộc chiến ngân sách căng thẳng trên chính trường Mỹ kéo dài từ cuối năm 2013 đến nay. Trong cuộc chiến này, phe Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ luôn tìm cách ngăn chặn việc nâng trần nợ trong bối cảnh nợ quốc gia đã lên mức xấp xỉ 17.200 tỷ USD hòng gây khó dễ cho hoạt động của chính quyền Obama. Chủ tịch Hạ viện John Boehner còn ràng buộc điều kiện nâng trần nợ công với việc điều chỉnh lương hưu cho các cựu chiến binh. Tuy nhiên, đến phút cuối, Quốc hội Mỹ đã phải đồng ý gia hạn cho Bộ Tài chính được phép vay nợ đến 17.000 USD mà không kèm theo bất kỳ điều kiện nào về việc cắt giảm thêm các hạng mục chi tiêu công.
Giới phân tích nhận định đây là thắng lợi của Tổng thống Obama và là thất bại của đảng Cộng hòa khi không thể đòi phe Dân chủ phải có những nhượng bộ để đổi lại việc nâng trần nợ.
Theo giới phân tích, cụm từ “vỡ nợ” hay “mất khả năng thanh toán” dùng để nói về nguy cơ đối với tình trạng nợ công của Mỹ không hoàn toàn chính xác bởi vì, Washington không rơi vào tình cảnh bị đe dọa như Hy Lạp hay một vài quốc gia khác trong Eurozone.
Mặc dù khó có khả năng xảy ra khủng hoảng nợ công, chính phủ Mỹ vẫn công bố chương trình cắt giảm ngân sách mạnh mẽ. Chính phủ Mỹ cũng đẩy mạnh việc thực hiện các giải pháp khác với mục tiêu là giảm 4.000 tỷ USD thâm hụt ngân sách trong lộ trình kéo dài tới năm 2022. Mục tiêu này có thể đạt được thông qua việc cắt giảm chi tiêu, tăng thuế hoặc kết hợp cả hai phương sách trên.
Nợ công - Chủ đề “nóng” tại Trung Quốc
Cho dù có “các triệu chứng” khác với căn bệnh nợ công của Mỹ và Hy Lạp nhưng căn bệnh nợ công của Trung Quốc cũng khiến dư luận đặc biệt quan tâm khi nó ẩn chứa những rủi ro tiềm tàng với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Đến cuối tháng 6/2013, tỷ lệ nợ/GDP của Trung Quốc vẫn nằm dưới mốc 60%.
Các chuyên gia kiểm toán cho rằng nợ của Trung Quốc nhìn chung vẫn có thể quản lý được, nhưng có thể sẽ vượt tầm như kiểm soát nếu Bắc Kinh không kịp thời giải quyết các vấn đề mang tính cơ cấu của hệ thống tài chính hay buông lỏng giám sát.
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng chính vì chính sách chạy theo tăng trưởng bằng mọi giá nên gánh nợ ở các chính quyền ở địa phương ở Trung Quốc mới nặng nề như hiện nay.
Hương Giang(Tổng hợp)