Là huyện ven biển, Cầu Ngang được xem có thế mạnh về nuôi trồng thủy sản của Trà Vinh. Ngoài ra, thiên nhiên cũng vun đắp cho Cầu Ngang có hơn 5.000 ha đất giồng cát và đồi cát cao chạy dọc theo các xã: Mỹ Long Bắc, Mỹ Hòa, Thuận Hòa, Hiệp Hòa, Long Sơn, Nhị Trường, Trường Thọ.
Điều đáng nói là sự ban phát của thiên nhiên lại thiếu đi sự ưu đãi. Toàn bộ đất giồng cát, đồi cát ở Cầu Ngang đều nằm trong điều kiện khắc nghiệt. Mùa nắng đất nóng đến cây trơ cành, cỏ dại tàn lụi. Người dân vùng cát muốn trồng màu thì phải đợi đến mưa già hạt. Thường thì bà con ở đây chỉ trồng khoai lang, một số ít người trồng vụ dưa hấu tháng 7 hoặc tháng 9 âm lịch. Nhưng cây dưa hấu không phải năm nào trồng cũng đều thuận lợi, gặp lúc mưa nhiều xem như là mất trắng.
Không chịu thua những con giồng cát, đồi cát, bà con nơi đây dựa vào kinh nghiệm làm nông mấy mươi năm đã đưa cây đậu phộng trồng trên đồi cát, giồng cát. Đậu phộng phát triển tốt, nhưng niềm vui chưa kịp nở nụ cười vì đến kỳ thu hoạch đậu có hạt nhưng ruột thì nhỏ bằng chân nhang, hoặc có hạt nhưng không có ruột. Nhọc nhằn đi khai thác đất giồng cát bằng những cây màu có giá trị kinh tế nhưng không mang lại hiệu quả, người dân nản lòng mỗi năm chỉ trồng khoai lang rồi phó mặc cho đất, cho trời.
Vậy là năm này qua năm khác, những người dân vùng đất cát cứ xong vụ mùa gieo cấy lúa là quảy nóp đi làm mướn, làm thuê để kiếm thêm thu nhập. Tính đến năm 2000, trong số 7.722 hộ nghèo (chiếm 28% dân số chung) của huyện Cầu Ngang thì hai phần ba là số hộ dân ở vùng đất cát.
Thu hoạch đậu phộng trên đất giồng cát ở Long Sơn. |
Thực trạng khó khăn sản xuất và đời sống của người dân vùng cát đã trở thành nỗi bức xúc và sự thách thức lớn đối với Cầu Ngang trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Làm gì, tìm cây gì để vắt đất đồi cát, giồng cát ra tiền là bài toán được lãnh đạo huyện Cầu Ngang đặt lời giải từ vùng đất xã Long Sơn của huyện.
Đầu năm 2000, huyện Cầu Ngang đã đề ra mục tiêu là chuyển đổi cho bằng được cơ cấu sản xuất toàn bộ diện tích đất vuông giồng cát, đồi cát. Theo đó, xã Long Sơn được chọn làm điểm để chỉ đạo thực hiện. Long Sơn được xem là huyện Cầu Ngang thu nhỏ với nửa phần đất nhiễm mặn, nửa phần còn lại là đất giồng cát, đồi cát. Toàn xã Long Sơn có hơn 7 ha đất giồng cát và trên 450 ha đất đồi cát.
Chuyện đi tìm cây trồng thích hợp cho đất là việc không chỉ một sớm, một chiều, riêng đối với Long Sơn còn có thêm sự khó khăn là phải làm chuyển đổi luôn nếp nghĩ, thói quen của người dân trong việc phó mặc đất đai cho trời.
Giữa năm 2000, hầu như người dân Long Sơn nói riêng và người dân ở vùng cát của Cầu Ngang nói chung đã quá quen thuộc hình ảnh những cán bộ khoa học kỹ thuật của huyện, của tỉnh và đặc biệt là của Trường Đại học Cần Thơ đến với Long Sơn để nghiên cứu về thổ nhưỡng, tìm cây trồng mới tạo mô hình thực nghiệm…
Kết quả, 12 mô hình: Trồng tre lấy măng, trồng cây ăn trái, trồng cỏ nuôi bò, trồng màu sử dụng màng phủ… trên đất giồng cát, đồi cát lần lượt được hình thành. Vậy là mô hình cây trồng thực nghiệm đã có. Chuyện còn lại chỉ là vấn đề thời gian đợi thành quả để tiếp tục cuộc vận động và chuyển giao khoa học kỹ thuật.
Vụ dưa hấu màng phủ và đậu phộng màng phủ đầu tiên trên đồi cát Long Sơn đã thực sự mang lại kết quả lớn. Đặc biệt là cây đậu phộng sử dụng màng phủ kết hợp thêm việc bón vôi trong đất đã “trị được” tình trạng đậu không ruột, lép ruột mà còn cho năng suất đến 35 - 45 giạ/công. Đất giồng cát, đồi cát cũng bắt đầu trở mình.
Đến Long Sơn vào những ngày này, thời điểm mà người dân Long Sơn đã thu hoạch gần như dứt điểm vụ dưa hấu trên đồi cát, Bí thư Đảng ủy xã Long Sơn Ngô Ràng cho biết, nhiều năm nay người dân Long Sơn luôn được những vụ màu trên đất giồng cát, đồi cát cho thu nhập khá cao. Những vùng đất cát chạy dọc theo cát ấp: Ô Răng, Bàu Mốt, Sóc Mới, Huyền Đức bây giờ luôn phủ màu xanh của dưa hấu, bí đỏ, đậu phộng.
Đất cát được người dân bố trí trồng một vụ dưa hấu - một vụ đậu phộng hoặc một vụ dưa - một vụ bí đỏ. Dưa hấu trồng mùa mưa được coi như là mùa nghịch nên ít gặp tình trạng dội hàng, rớt giá. Đậu phộng trồng mùa mưa được xem là nguồn giống để cung cấp cho cả huyện và các nơi khác trong vụ đậu phộng xuân hè dưới chân ruộng.
Theo tính toán của nhiều nông dân ở Long Sơn thì hai vụ màu trên đất cát luôn đạt thu nhập từ 80 – 100 triệu đồng/ha. Nhờ cây trồng trong mùa mưa nên nông dân nhẹ công chăm sóc, giá cả cũng ít gặp chuyện rớt giá nên mức lợi nhuận thu được ít nhất là 50 - 60%. Năm 2011, diện tích cây màu được người dân Long Sơn trồng trên đồi cát đã lên đến 320 ha, lợi nhận thu về trên 10 tỷ đồng. Một con số mà trước đây người dân Long Sơn có nằm mơ cũng không nghĩ tới.
Anh Thạch Sư, nông dân ở ấp Huyền Đức, cho biết: “Trước kia đất giồng cát bán chục công một chỉ vàng cũng không thèm ngó, nhưng bây giờ có cây vàng chưa chắc mua được 2 công” .
Hơn 10 năm của cuộc hành trình đi chinh phục đất đồi cát, giồng cát ở Cầu Ngang có thể nói đã được định hình. Từ đáp án của xã Long Sơn, đến nay hầu hết đất giồng cát, đồi cát ở Cầu Ngang đã trở mình, không còn là vùng đất khó mà quanh năm phủ xanh cây màu giúp hàng ngàn hộ dân có cuộc sống ổn định, no ấm.
Bài và ảnh: Phúc Sơn