Hiện cua biển đã được hàng chục nghìn hộ nông dân thả nuôi hơn 37 triệu con giống, diện tích trên 7.330 ha.
Ông Nguyễn Văn Vững, ở ấp Rạch Sâu, xã đảo Long Hòa, huyện Châu Thành cho biết, năm nay nước mặn trên sông Tiền xuất hiện sớm và tăng cao nên hầu hết hộ chuyên nuôi cua biển tranh thủ môi trường nước thuận lợi về độ mặn nên thả cua giống sớm để có thể nuôi được 3 vụ cua biển trong năm.
Ông Vững cho biết thêm, nhiều năm nay nhờ giá cua biển thương phẩm ổn định với mức giá thấp nhất của cua thịt loại 4 – 5 con/kg từ 130.000 – 140.000 đồng/kg, nông dân nuôi 3 vụ cua/ năm thu được lợi nhuận từ 130 – 150 triệu đồng/ha mặt nước. Nếu so sánh với nuôi tôm sú, tôm thẻ bán thâm canh, lợi nhuận từ nuôi cua biển đem lại tương đương, nhưng có ưu thế về tính an toàn hơn so với với nuôi tôm không có đủ điều kiện an toàn kỹ thuật dễ gặp nhiều rủi ro dịch bệnh.
Theo ông Nguyễn Văn Quốc, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản Trà Vinh cho biết, những năm gần đây có rất nhiều hộ nông dân ở các vùng ven biển trong tỉnh không có đủ điều kiện để bố trí quy trình kỹ thuật an toàn hệ thống ao nuôi tôm theo hình thức thâm canh mật độ cao nên đã chọn cua biển làm con nuôi thay thế cho 1 hoặc 2 vụ nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng. Cụ thể năm 2020, diện tích nuôi cua biển của tỉnh tăng lên 23.000 ha, cao hơn những năm trước 5.000 – 7.000 ha. Tổng sản lượng cua biển nuôi trong tỉnh thu hoạch được trên 71.000 tấn.
Theo ông Nguyễn Văn Quốc, cua biển là loài thủy sản dễ nuôi, chi phí đầu tư thấp, rất ít xảy ra dịch bệnh, mỗi năm có thể nuôi từ 2 – 3 vụ, tùy theo điều kiện vùng nuôi. Vì vậy, ngành nông nghiệp tỉnh luôn khuyến khích nông dân chọn cua biển làm con nuôi để thay thay thế 1 – 2 vụ nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng theo hình thức bán thâm canh, thâm canh nhưng không an toàn về quy trình kỹ thuật ao nuôi, nhằm đảm bảo tính hiệu quả bền vững.