Hàng ngoại tràn ngậpĐược mệnh danh là khu vực trọng điểm về trái cây của cả nước, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chuyên cung cấp nhiều loại trái cây đặc sản phục vụ nhu cầu xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Thế nhưng, tại những điểm bán trái cây sỉ và lẻ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, trái cây từ vùng ĐBSCL lại chật vật cạnh tranh với trái cây nhập ngoại.
Nông sản Việt đang yếu thế trên sân nhà. |
Chị Nga - chủ một cửa hàng trái cây ở chợ Tân Định (quận 1), cho biết thời gian gần đây trái cây nội địa bán không “chạy” vì chất lượng kém hơn nhưng giá gần như tương đương trái cây nhập ngoại. “Giới kinh doanh đã giảm thu mua lượng trái cây trong nước, tăng lượng trái cây nhập từ Thái Lan, Trung Quốc… Ví dụ như quả bòn bon Thái Lan có giá cao hơn của Việt Nam khoảng 10.000 đồng/kg nhưng khách hàng vẫn lựa chọn vì quả to và ngọt hơn. Tương tự măng cụt Thái do ưu thế về kỹ thuật canh tác nên ít bị sâu, quả đồng đều, lượng múi dày nên dù giá đắt hơn một chút cũng vẫn được người tiêu dùng ưa chuộng hơn”, chị Nga cho biết.
Không chỉ trái cây, quan điểm thịt ngoại chỉ dành cho các thượng đế lắm tiền hiện nay cũng dần xóa bỏ, bởi hiện nhiều loại thịt gia súc, gia cầm như thịt bò Úc, bò Ko bê, lợn Phần Lan, đùi gà Mỹ… đang là sự lựa chọn của người tiêu dùng Việt có thu nhập thấp hoặc trung bình. Khảo sát của phóng viên tại các chợ truyền thống và kênh bán lẻ hiện đại, cho thấy thịt “ngoại” được bày bán nhiều và đặt ở những vị trí bắt mắt nhất. Điều đáng ngạc nhiên, dù phải chịu thuế nhập khẩu nhưng nhiều loại thịt ngoại lại có giá xấp xỉ hoặc rẻ hơn cả thịt nội. Cụ thể, chân gà Mỹ chỉ còn mức giá 30.000 – 40.000 đồng/kg, rẻ gần một nửa so với chân gà công nghiệp trong nước; sườn bò “ngoại” được bán với giá 550.000 đồng/kg, cao hơn sườn bò “nội” khoảng 120.000 đồng/kg; thịt bò ba rọi nhập khẩu cũng được bán với giá cao hơn khoảng 50.000 đồng/kg so với thịt bò trong nước…
Điều đáng lo khác, theo TS Võ Mai, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo đứng hàng thứ 2, thứ 3 trên thế giới nhưng không ít người tiêu dùng vẫn ưa chuộng sử dụng gạo Thái Lan hơn và hiện gạo Thái Lan vẫn tràn ngập trên thị trường. “Nguyên nhân chính vẫn như các loại nông sản khác, chất lượng gạo Thái vượt trội hơn, hình thức đồng đều và bắt mắt hơn. Trong khi đó, nông sản Việt do chạy theo thành tích về số lượng mà ít quan tâm đến những vấn đề khác như: hình thức, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm nên đang mất dần thị phần tại thị trường trong nước”, TS Võ Mai phân tích.
Nâng cao khả năng cạnh tranhĐể giúp nông sản “nội” có thể trụ được trên thị trường trong nước, tại hội thảo “Phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Việt Nam” do ĐH Quốc tế tổ chức mới đây tại TP Hồ Chí Minh, nhiều đại biểu cho rằng đã đến lúc bằng những biện pháp hỗ trợ của ngành chức năng, ý thức tự giác của chính nhà nông và doanh nghiệp, chất lượng nông sản trong nước phải được ưu tiên chú trọng hướng đến đẩy mạnh xuất khẩu và đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa. Tư duy trong sản xuất cần nhanh chóng thay đổi theo hướng chú ý về giá trị, từng bước thay đổi tâm lý chỉ chú trọng chạy theo thành tích về số lượng như thời gian dài trước. Cần phải có cơ chế giúp doanh nghiệp liên kết chặt chẽ với nông dân theo chuỗi giá trị, bán sản phẩm trực tiếp đến tay người tiêu dùng, giảm các khâu trung gian làm tăng giá thành…
“Để nâng cao chất lượng nông sản Việt, theo tôi, Nhà nước nên áp dụng chính sách sử dụng đất đai dài hạn, xây dựng chuỗi ngành hàng cũng như tích cực hỗ trợ việc đổi mới công nghệ bằng cách đưa công nghệ cao vào nông nghiệp, đặc biệt khâu sau thu hoạch và chế biến... Xu thế tiêu dùng hiện nay ngày càng quan tâm đến chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Trong khi đó, thời gian tới, khi các hiệp định thương mại kinh tế có hiệu lực, hàng hóa nước ngoài, đặc biệt là nông sản sẽ tràn vào Việt Nam với giá cả cạnh tranh và lúc ấy nông sản trong nước sẽ càng khó khăn hơn”, GS Nguyễn Quốc Vọng, Đại học RMIT (Úc) cho biết.
Theo ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, thời gian tới Bộ sẽ ưu tiên quan tâm xây dựng chính sách dựa trên công tác nghiên cứu thị trường, năng lực sản xuất để cùng bộ, ngành xây dựng định hướng quy hoạch sản xuất, quy hoạch tiêu thụ hợp lý hơn. Nghiên cứu về thị trường không chỉ ở phạm vi quốc gia mà còn toàn cầu và phải nắm bắt được khả năng cung - cầu thế giới để phối hợp với các quốc gia khác để điều tiết thị trường hàng hóa nông sản trong nước.