Nông sản Việt ra thị trường thế giới - Bài 1: Gia tăng hàng rào phi thuế quan

Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã mở cửa rộng hơn cho các sản phẩm nông sản bằng cách cắt giảm thuế quan. Tuy nhiên, đây vẫn là một trong những nhóm hàng đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật (các biện pháp SPS và TBT)…

Việc đưa nông sản Việt Nam vượt rào, tiến sâu vào thị trường thế giới đang là bài toán mà ngành nông nghiệp, doanh nghiệp và cả nông dân phải hợp sức cùng giải quyết. 

Chú thích ảnh
Chuẩn bị nguồn hàng gạo xuất khẩu tại Công ty Lương thực sông Hậu (Tổng công ty Lương thực miền Nam). Ảnh: TTXVN

Nhiều hàng rào kỹ thuật được dựng lên

Bên cạnh cam kết mở cửa thị trường thông qua việc cắt giảm thuế, nhiều nước nhập khẩu nông sản đang siết chặt hơn nữa hàng rào kỹ thuật và những yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, cấp chứng thư xuất khẩu, đẩy mạnh chính ngạch, thanh kiểm tra chất lượng tại nước xuất khẩu… Điều này gây không ít khó khăn cho hoạt động xuất khẩu nông sản.

Thống kê của Văn phòng thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (Văn phòng SPS Việt Nam), từ năm 2015 đến nay, đã có hơn 2.200 thông báo thay đổi quy định SPS từ 18 thị trường là đối tác thương mại chính của Việt Nam.

Số lượng thông báo tăng đều qua các năm, từ 219 thông báo năm 2015 lên 579 vào năm 2019. Từ đầu năm 2020 đến nay, đã có 498 thông báo mới, nhiều nhất là từ Liên minh châu Âu - EU với 84 thông báo, Nhật Bản (82), Canada (59), Mỹ (51), Hàn Quốc (30).

Tiến sĩ Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam thông tin, chỉ tính tháng 9/2020, Văn phòng SPS Việt Nam đã tổng hợp được 69 thông báo dự thảo và văn bản qui phạm pháp luật có hiệu lực quy định về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật của các nước thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), có thể ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Riêng về EU, Tiến sĩ Ngô Xuân Nam đánh giá, đây là thị trường xuất khẩu tiềm năng cho nhiều loại nông lâm thủy sản Việt Nam thời gian tới nhờ quy mô thị trường hơn 500 triệu dân và nhu cầu tiêu dùng nông sản, thực phẩm ngày càng tăng cùng với cam kết cắt giảm hầu hết thuế quan trong lộ trình ngắn theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Tuy nhiên, đây cũng là một trong những thị trường khó tính nhất với những quy định về kiểm dịch động thực vật rất cao và kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt với hàng nông lâm thủy sản.

Nhiều chuyên gia cũng nhận định, xu hướng của thị trường EU là tăng rào cản kỹ thuật khi giảm hàng rào thuế quan. Minh chứng là ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, EU đã có thêm 3 thông báo liên quan đến các quy tắc đối với các cơ sở nuôi trồng và vận chuyển động vật thủy sản; quy định về yêu cầu sức khỏe động vật đối với các hoạt động di chuyển đối với động vật trên cạn và trứng ấp; quy tắc giám sát, chương trình loại trừ và tình trạng sạch bệnh đối với một số bệnh đã được liệt kê và bệnh mới nổi.

Ngoài các quy định của chính quyền, thị trường EU còn đưa ra nhiều tiêu chuẩn, chứng nhận của các hiệp hội người tiêu dùng, tổ chức phi chính phủ, nhà bán lẻ mà doanh nghiệp muốn xuất khẩu phải tuân theo như tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm do Hiệp hội Bán lẻ Anh thiết lập (BRC), nuôi trồng thủy sản bền vững (ASC), thực hành sản xuất nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGAP).

Trong khi đó, thị trường tiêu thụ nông sản lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc cũng liên tục thay đổi chính sách nhập khẩu. Chỉ trong tháng 9/2020, Trung Quốc có tới 9 thông báo liên quan đến điều chỉnh tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, ghi nhãn hàng hóa của các mặt hàng khác nhau.

Ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông Cục Bảo vệ Thực vật cho biết, Trung Quốc đang ngày càng siết chặt thương mại nông sản theo hình thức trao đổi biên mậu và nâng cao hàng rào về kiểm dịch thực vật, quy định ngày càng khắt khe hơn đối với nông sản nhập khẩu.

Trước đây, hàng hóa nông sản Việt Nam xuất khẩu qua Trung Quốc khá dễ dàng, nhưng từ ngày 1/1/2019, Cục Giám sát kiểm dịch động thực vật thuộc Tổng cục Hải quan Trung Quốc chính thức áp dụng tiêu chuẩn quản lý chất lượng và nguồn gốc hàng hóa nông sản xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Chú thích ảnh
Chế biến sản phẩm cá ngừ đông lạnh xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Cổ phần Thủy sản Bình Định. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Đối với thủy sản, Trung Quốc không chỉ áp dụng cơ chế đàm phán mở cửa cho sản phẩm mà còn thực hiện cấp phép cho từng doanh nghiệp xuất khẩu. Theo thỏa thuận, nếu có thêm doanh nghiệp muốn xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc thì hằng quý, phía Việt Nam gửi văn bản đề nghị bổ sung để Trung Quốc xem xét đưa vào danh sách doanh nghiệp được phép xuất khẩu thủy sản vào thị trường này.

Trong khi đó, với các loại trái cây xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc phải được cấp chứng thư xuất khẩu và chứng chỉ vùng trồng cùng nhiều quy định về cơ sở đóng gói, nhãn mác…

Ông Đặng Phúc Nguyên, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, trái cây Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc hiện có 9 loại, gồm: thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm, măng cụt tất cả đều đã qua quy trình đánh giá, cấp chứng thư xuất khẩu của phái Trung Quốc. Tuy nhiên, mới đây Trung Quốc đã yêu cầu rà soát, ký lại chứng thư xuất khẩu đối với 8 loại trái cây, trừ trái măng cụt với các yêu cầu về kỹ thuật cao hơn  với trước đây.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, chia sẻ, Trung Quốc lâu nay vốn được đánh giá là thị trường dễ tính nhưng hiện đang ngày càng khắt khe hơn. Từ chỗ nhập khẩu biên mậu khá dễ dàng, hiện nay Trung Quốc đã yêu cầu mã số vùng trồng, cơ sở nhà máy đóng gói đối với trái cây tươi nhập khẩu.

Thêm vào đó, từ đầu năm 2020 đến nay, Trung Quốc đã chuyển hình thức từ kiểm dịch tại kho sang kiểm dịch tại cảng đã làm tăng khả năng hư hỏng các loại trái cây tươi thêm 5-7%, đặc biệt là quả chuối do mất nhiệt, trầy xước. Việc thay đổi địa điểm kiểm dịch còn khiến doanh nghiệp phải tốn thêm thời gian, chi phí bốc xếp.

Không ít nông sản Việt vướng rào

Chú thích ảnh
Đóng hộp quả vải thiều tươi xuất khẩu. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Với việc gia tăng hàng rào kỹ thuật ở nhiều thị trường xuất khẩu quan trọng, không ít hàng hóa nông sản Việt Nam đã “vướng” rào, bị cảnh báo, trả hàng thậm chí bị ngừng xuất khẩu để đánh giá lại.

Tiến sĩ Ngô Xuân Nam thông tin, trong năm 2019, có 77 lô hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam bị hệ thống cảnh báo RASFF Window của EU đưa ra cảnh báo hoặc trả về do vi phạm các điều kiện an toàn thực phẩm, chứa các chất cấm, hóa chất, thuốc kháng sinh, kim loại nặng vượt quá giới hạn cho phép. Mức độ vi phạm càng nhiều thì EU sẽ càng siết chặt hơn việc kiểm soát, điển hình là tăng tần suất lấy mẫu kiểm tra, việc này sẽ làm tốn thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, do đó giảm năng lực cạnh tranh.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Hiếu cho biết, đến tháng 6/2020, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã thông báo cho cơ quan kiểm dịch thực vật Việt Nam về 220 lô xoài xuất khẩu sang Trung Quốc vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật với nhiều nguyên nhân khác nhau. Phía Trung Quốc yêu cầu tạm ngưng xuất khẩu xoài từ các vùng trồng và cơ sở đóng gói có liên quan để phối hợp tiến hành điều tra nguyên nhân, đề xuất biện pháp khắc phục và nâng cao trong việc quản lý.

Theo ông Hiếu, dù diện tích vùng trồng trái cây được cấp mã số cho xuất khẩu vào Trung Quốc mới đạt là 185.196 ha, chiếm 17,3% tổng diện tích cây ăn quả cả nước. Tuy nhiên việc quản lý các mã số tại địa phương còn lỏng lẻo, chưa có kế hoạch và chương trình kiểm tra giám sát đối với các mã số đã cấp; chưa có sự liên kết giữa đơn vị được cấp mã với các cơ quan quản lý ở địa phương, trung ương để kiểm soát chặt chẽ hàng hóa xuất khẩu.

"Chính vì vậy, đã xuất hiện tình trạng các doanh nghiệp sử dụng không đúng mã số, “mượn” mã số của nhau để xuất khẩu. Điều này không những gây ảnh hưởng đến uy tín của xoài Việt Nam xuất khẩu mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến các đơn vị chủ sở hữu mã số.", ông Nguyễn Quang Hiếu lý giải.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Anh Thu, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội phân tích, xuất khẩu các mặt hàng nông lâm và thủy sản đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất mà nông sản Việt Nam gặp phải là các hàng rào phi thuế quan, đặc biệt là các quy định về kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thực tế trong những năm gần đây, số trường hợp hàng hóa nông sản thực phẩm Việt Nam bị từ chối nhập khẩu luôn ở mức tương đối cao. Cụ thể, trong năm 2019 có 101 trường hợp bị từ chối nhập khẩu vào Nhật Bản và 65 trường hợp bị từ chối nhập khẩu vào EU, 226 trường hợp nông sản thực phẩm Việt Nam bị từ chối nhập khẩu vào Mỹ.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Thu, so với các quốc gia xuất khẩu nông sản khác thì số trường hợp bị từ chối của hàng hóa nông sản thực phẩm của Việt Nam ở mức khá cao, đặc biệt là tại thị trường Mỹ. Điều này cùng dễ hiểu khi Mỹ được coi là một trong những quốc gia có mức độ bảo hộ sản xuất nông nghiệp cao hàng đầu thế giới.

Hầu hết hàng nông sản nhập khẩu vào Mỹ đều chịu sự điều chỉnh bởi các biện pháp phi thuế quan, cụ thể là những quy định khắt khe về chất lượng, quy trình và phương pháp trồng, thu hoạch, bảo quản, sơ chế, chế biến, đóng gói. Tính bình quân, một mặt hàng nông sản nhập khẩu vào thị trường này chịu ảnh hưởng của 15 biện pháp phi thuế.

Đối với các thị trường khác, nguyên nhân bị từ chối chủ yếu là do hàng hóa nông sản Việt Nam không đáp ứng được các tiêu chuẩn về thành phần, dư lượng các chất cấm vượt mức cho phép hoặc quá trình đóng gói, vận chuyển không đảm bảo ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa.

Bài cuối: Nâng cao năng lực thích ứng

Xuân Anh (TTXVN)
Nông sản an toàn được người tiêu dùng Hà Nội tin dùng
Nông sản an toàn được người tiêu dùng Hà Nội tin dùng

Thời gian qua, Hà Nội đã đẩy mạnh việc xây dựng chuỗi nông sản an toàn và hỗ trợ các cơ sở trong khâu tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Hàng nông sản an toàn trên địa bàn đã nhận được sự tin cậy của người tiêu dùng Thủ đô.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN