Theo Đài Khí tượng Thủy văn thành phố Cần Thơ, độ mặn đo được trên sông Hậu tại khu vực cảng Cái Cui (thuộc phường Tân Phú, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ, giáp với tỉnh Hậu Giang) ngày 10/2 lên đến 3,5‰; ngày 11/2 là 3,2‰. Nước mặn tràn vào các kênh nội đồng ven sông Hậu ở quận Cái Răng. Trong đợt hạn, mặn lịch sử cách đây 4 năm, độ mặn cao nhất được ghi nhận tại Cần Thơ là 2,057‰, xuất hiện vào ngày 5/3/2016.
Nguyên nhân được các cơ quan chuyên môn xác định do những ngày đầu tháng 2, lượng nước sông Mê Kông về Đồng bằng sông Cửu Long luôn ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,4 m và 0,2 m so cùng kỳ năm 2016. Kết hợp với triều cường rằm tháng Giêng âm lịch và hoạt động gió mùa Đông Bắc liên tục tăng cường làm cho độ mặn trên các sông miền Tây Nam Bộ lên cao và xâm nhập sâu sẽ còn diễn biến gay gắt trong thời gian tới. Trên sông Hậu, ranh mặn 4g/l trong tuần qua đã vào sâu 65 km, sâu hơn 13 km so với năm 2016.
Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ cho biết: Đến thời điểm này chưa ghi nhận thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra cho sản xuất nông nghiệp, nhưng dự báo, đến ngày 16/2, tình hình xâm nhập mặn trên sông Hậu vẫn duy trì ở mức cao.
Để chủ động ứng phó, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ đề nghị chính quyền các quận huyện cùng các ngành chức năng tổ chức đo đạc, giám sát, cảnh báo xâm nhập mặn để hướng dẫn người dân lấy nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt phù hợp nhất; tổ chức kiểm kê, đánh giá thực trạng, dự báo nguồn nước tại các hệ thống thủy lợi trên địa bàn.
Đồng thời, tính toán cân bằng nước để điều chỉnh, bổ sung phương án ứng phó phù hợp thực tiễn, tiết kiệm và hiệu quả; vận hành hệ thống thủy lợi hợp lý, đảm bảo nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh; tiếp tục điều chỉnh mùa vụ, cơ cấu cây trồng, chuyển đổi từ trồng lúa sang cây trồng cạn đối với những vùng thường xuyên bị thiếu nước, hạn hán; mở rộng mạng lưới cấp nước cho khu vực nông thôn, đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân sử dụng.
Thành phố Cần Thơ hiện có 6 nhà máy cấp nước sinh hoạt trên địa bàn các quận Cái Răng, Ninh Kiều, Bình Thuỷ, Ô Môn, Thốt Nốt và huyện Phong Điền với tổng công suất hơn 160.000 m3/ngày đêm. Ông Huỳnh Thiện Đỉnh, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Cấp thoát nước Cần Thơ cho biết: Đơn vị đang theo dõi sát tình hình và đã có phương án ứng phó, đảm bảo nguồn nước phục vụ nhu cầu của người dân.
Hiện nước thô lấy vào tại Nhà máy nước Hưng Phú với công suất 10.000 m3/ngày đêm (cách cảng Cái Cui khoảng 10 km) có độ mặn hơn 0,1 g/l (hơn 0,1‰), gấp hai lần so với bình thường nhưng vẫn thấp hơn mức quy định tối đa là 0,25 g/l. Hai nhà máy khác trên sông Cần Thơ ở quận Ninh Kiều và huyện Phong Điền (lần lượt cách Cái Cui khoảng 15 - 20 km) khả năng bị nước mặn xâm nhập vượt mức cho phép là khá thấp, nếu có cũng xảy ra vài tiếng trong ngày. Khi đó, đơn vị sẽ sử dụng nguồn nước dự phòng để xử lý, cung cấp cho người dân.
Được biết, ba nhà máy trên đang cung cấp 75.000 m3 nước sinh hoạt/ngày đêm cho thành phố Cần Thơ. Nếu như bị mặn tấn công hết khi triều cường cao điểm trong mùa hạn thì các nhà máy ở thượng nguồn sông Hậu (cách cảng Cái Cui 25-50 km) sẽ hoạt động tối đa để bù vào.
Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh, nguyên Chánh Văn phòng công tác Biến đổi khí hậu thành phố Cần Thơ nhận định, nếu nước mặn tràn lên tới khu vực các nhà máy nước trên sông Hậu thì có thể gây khó khăn đến nguồn nước sinh hoạt. Bên cạnh đó, nước cho tưới tiêu, sản xuất công nghiệp cũng có thể bị ảnh hưởng. Ông cũng lưu ý, dù trong đợt hạn, mặn hồi 2016, nước mặn hơn 2‰ chỉ lên tới Cần Thơ trong vòng vài tiếng vào thời điểm triều cường rồi rút dần và hết hẳn. Tuy nhiên, năm 2020, mới đầu tháng Giêng âm lịch độ mặn đã lên tới 3,5‰, trong khi sắp tới sẽ còn một hoặc hai đợt triều cường nữa.