Tại gói thầu XL02 do liên danh Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Tập đoàn Cienco 4 thi công, ông Lê Bá Trung, Chỉ huy trưởng gói thầu XL02 phân đoạn do Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đảm nhận, thông tin: Tiến độ công trình đang được kiểm soát tốt. Phần của Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn thi công gần 5 km đường đến nay đã hoàn thành thi công cấp phối đá dăm và các cống. Tính đến ngày 1/11, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đã hoàn thành tổng lượng bê tông nhựa 10.000 tấn trên tổng số 43.000 tấn bê tông nhựa cần thực hiện trong khối lượng của nhà thầu.
Cũng theo ông Lê Bá Trung, để đạt tiến độ về đích ngày 31/12 tới, nhà thầu đã tăng ca từ 10 giờ/ngày lên 18 giờ/ngày. Hiện trên công trường hàng ngày có hàng trăm đầu máy thiết bị cùng 200 kỹ sư, cán bộ kỹ thuật và công nhân làm việc.
Ông Nguyễn Thế Bằng, Chỉ huy trưởng gói thầu XL02 phân đoạn do Tập đoàn Cienco4 đảm nhận cho hay, hiện trên công trường, nhà thầu đang huy động tổng công 45 đầu máy, thiết bị cùng gần 100 nhân lực thi công “3 ca, 4 kíp”. Tính đến nay, nhà thầu đã thảm dược lớp bê tông nhựa C25 khoảng 150md trên tổng số 1,46 km đường mà Tập đoàn Cienco 4 đảm nhận. Về phần cầu, nhà thầu cũng đã hoàn thành 3 cầu tuyến chính và phấn đấu đến ngày 25/12 tới hoàn thành thảm bê tông nhựa lớp trên cùng với các hạng mục an toàn giao thông, hạng mục phụ trợ khác.
Đối với 2,2 km đường gom Cienco 4 đảm nhận, ông Nguyễn Thế Bằng cho biết sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình thi công bởi khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang vào mùa nước nổi. Tuy nhiên, nhà thầu sẽ cố gắng khắc phục khó khăn để hoàn thành kế hoạch đề ra.
Tại gói thầu XL-03, Tổng công ty 36 - CTCP tham gia xây dựng đoạn tuyến km126+700 – km130+337 với tổng giá trị hơn 436,4 tỷ đồng. Ông Đào Quốc Văn, Phó Ban điều hành gói thầu XL-03 phân đoạn do Tổng công ty 36 thi công cho hay, khối lượng công việc của gói thầu mà Tổng công ty 36 còn lại là khá nhiều do đoạn tuyến bị ảnh hưởng của việc chậm giải phóng mặt bằng, đặc biệt là phần nút giao cuối tuyến (nút giao Chà Và). Với quyết tâm hoàn thành khối lượng công việc mà đơn vị đảm nhân, nhà thầu đang huy động trên 111 đầu máy, thiết bị cùng gần 200 cán bộ, kỹ sư, công nhân thi công “3 ca, 4 kíp”, đảm bảo hoàn thành khối lượng công việc trước 31/12/2023.
Chia sẻ thêm về nút giao Chà Và, ông Đào Quốc Văn cho biết, đây là nút giao được xem nút giao phức tạp nhất Việt Nam với 6 nhánh rẽ chính cùng nhiều nhánh rẽ phụ khác. Trong quá trình thi công, nhà thầu gặp nhiều khó khăn về giải phóng mặt bằng, đặc biệt là điều kiện vừa thi công vừa bảo đảm an toàn giao thông tại điểm giao với Quốc lộ 1. Ngoài ra, mùa mưa kéo dài kết hợp với triều cường tại đây đã gây nhiều bất lợi cho nhà thầu thi công.
“Tuy nhiên, xác định đây là hạng mục quan trọng cuối tuyến quyết định đến việc khai thác của toàn dự án cao tốc nên nhà thầu Tổng công ty 36 đang rất quyết tâm để hoàn thành theo tiến độ đề ra”, ông Đào Quốc Văn nhấn mạnh.
Thông tin về tiến độ tổng thể của dự án, ông Phan Duy Lai, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư), tính đến hết ngày 31/12, sản lượng tổng thể của dự án đạt 78%; trong đó, cấp phối đá dăm đạt 65% và bê tông nhựa đạt 15%. Về hệ thống an toàn giao thông, các nhà thầu đã sản xuất đạt 80% khối lượng. Về phần cầu, hiện đã hoàn thành toàn bộ 15 cầu chính trên tuyến, trong khi đó phần cống đã hoàn thành 50/52 cống.
Cũng theo ông Phan Duy Lai, với thời gian thời gian còn lại 60 ngày, chủ đầu tư đang đặt quyết tâm cao là đến 15/11 sẽ xong toàn bộ cấp phối đá dăm của toàn dự án để đến 20/12 sẽ hoàn thành xong việc thảm toàn bộ bê tông nhựa lớp trên C12.5. Để cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ thông xe vào ngày 31/12, hiện tại lãnh đạo Ban quản lý dự án Mỹ Thuận đã thường trú luôn tại công trườngđể trực tiếp điều hành, đôn đốc, xử lý các thủ tục, gỡ khó cho nhà thầu thi công.
“Tại nhiều gói thầu, đơn vị thi công đang tăng cường kỹ sư, công nhân làm việc tăng ca, thi công cả ban đêm chắc chắn dự án sẽ về đích theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải ", ông Lai khẳng định.
Đại diện Cục Quản lý Đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, hiện lãnh đạo Cục cũng đang thường trú trực tiếp tại công trường để chỉ đạo chủ đầu tư và nhà thầu tập trung cao độ cho 60 ngày đếm ngược.
Cũng theo Cục Quản lý Đầu tư xây dựng, trong quá trình thi công dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt như việc xử lý lún của nền đất yếu kéo dài hơn, vật liệu khan hiếm, vận chuyển khó khăn. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải dự án chắc về đích đúng tiến độ vào ngày 31/12 tới.
Tiếp nối các công trình, dự án giao thông trọng điểm khác ở Đồng bằng sông Cửu Long đã đưa vào khai thác, theo các chuyên gia kinh tế, dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ được kỳ vọng sẽ tạo nên lực đẩy, tiếp thêm sức để vùng đất Chín Rồng cất cánh, phát triển mạnh, bền vững.
Chia sẻ về ý nghĩa của dự án khi đưa vào khai thác thời gian tới, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho hay, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ là khớp nối quan trọng cuối cùng của tuyến đường bộ cao tốc hơn 120 km từ TP Hồ Chí Minh đi Cần Thơ. Công trình khi đưa vào khai thác sẽ giảm áp lực lớn cho Quốc lộ 1, rút ngắn thời gian lưu thông từ TP Hồ Chí Minh về Tây Đô chỉ còn hơn 2 giờ, thay vì gần 4 giờ như hiện nay.
Là một người dân sống gần cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, ông Nguyễn Văn Tám (trú tại huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) chia sẻ: "Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sắp hoàn thành bà con chúng tôi vui mừng lắm. Bao năm qua cuộc sống còn khó khăn, kinh tế chậm phát triển cũng vì đường sá, giao thông cách trở. Giờ sắp có cao tốc hiện đại, xe chạy bon bon, rút ngắn thời gian đi TP Hồ Chí Minh gần phân nửa ai hy vọng cuộc sống sẽ thay đổi".
Trong khi đó, đại đại diện một doanh nghiệp chuyên vận chuyển hàng hóa tuyến Cần Thơ - TP Hồ Chí Minh cho biết: cộng đồng doanh nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long mong từng ngày cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ thông xe. Khi đó, lái xe chạy mạch là về tới TP Hồ Chí Minh vừa tiết kiệm thời gian, xăng dầu.
Ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long đánh giá: cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ hoàn thành sẽ có ý nghĩa lớn đến kết cấu hạ tầng vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Với trục cao tốc liên hoàn TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ, tạo động lực rất lớn cho sự phát triển nội lực và ngoại lực của các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Vĩnh Long là địa phương có chiều dài tuyến cao tốc này đi qua nhiều nhất, sẽ có nhiều lợi thế trực tiếp. Để khai thác tối đa hiệu quả tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, tỉnh đã quy hoạch 2 khu công nghiệp trên trục tuyến cao tốc này với tổng diện tích hơn 800 ha (hoạt động đa ngành nghề, lĩnh vực), dự kiến sẽ được khởi công vào cuối năm 2023.
Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ có tổng chiều dài là 22,97 km, đoạn qua tỉnh Vĩnh Long dài 12,5 km và đoạn qua Đồng Tháp dài khoảng 10,44 km. Tổng mức đầu tư công trình hơn 4.800 tỷ đồng, do Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Giao thông vận tải) làm chủ đầu tư. Tuyến được thiết kế với vận tốc 100 km/h cho giai đoạn xây dựng hoàn chỉnh 6 làn xe. Giai đoạn 1 phân kỳ đầu tư quy mô 4 làn xe, vận tốc 80 km/h. Dự án được khởi công đầu năm 2021.