Người đứng đầu nhóm vận động hành lang Paris Europlace Arnaud de Bresson. Ảnh: leadersleague.com
|
Đây là nhận định của Arnaud de Bresson, người đứng đầu nhóm vận động hành lang Paris Europlace.
Quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) của nước Anh đã mở ra một cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các trung tâm tài chính của các quốc gia thành viên EU, trong đó có Paris, Frankfurt và Dublin, trong việc thu hút các ngân hàng và công ty tài chính đang tìm cách duy trì quyền tiếp cận đối với thị trường chung châu Âu thời hậu Brexit.
Song một số lãnh đạo ngân hàng đã tỏ ra hoài nghi về khả năng Pháp có thể chớp được cơ hội trên, do nước này còn "sở hữu" những chướng ngại vật lớn như các quy định lao động cứng nhắc và hệ thống thuế thường xuyên thay đổi.
Tuy nhiên, Chính phủ của ông Macron đã công bố kế hoạch cải cách luật lao động của Pháp, trong đó tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng lao động trong việc sa thải và tuyển dụng nhân công, cùng những quy định mới về các mức trần bồi thường trong trường hợp chủ lao động sa thải người lao động mà không có lý do chính đáng.
Trong nhiều thập niên qua, các chính phủ thuộc cánh tả và cánh hữu tại Pháp đã cố gắng cải cách luật lao động cứng nhắc của nước này. Nhưng họ luôn phải “chùn bước” trước những cuộc biểu tình đường phố.
Cải cách thị trường lao động là một trong những điểm then chốt trong cương lĩnh tranh cử của ông Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Với gần 3,5 triệu người thất nghiệp tại Pháp, ông Macron đã đưa vấn đề tạo việc làm lên hàng ưu tiên và cam kết giảm tỷ lệ thất nghiệp từ 9,4% được dự đoán cho năm nay xuống 7% vào năm 2022. Theo Chính phủ Pháp, chương trình cải cách lao động sẽ đem lại lợi ích cho cả giới chủ lẫn người lao động.