Phân bón đóng vai trò rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Trung bình mỗi năm, nhu cầu phân bón của cả nước lên tới 10 triệu tấn. Tuy nhiên, nhiều đối tượng đã sản xuất phân bón giả, kém chất lượng, giả nhãn mác các công ty có thương hiệu nổi tiếng để bán ra thị trường, gây thiệt hại cho nông dân.
Khó kiểm soát phân bón giả, kém chất lượng
Ông Nguyễn Hạc Thúy – Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết: Điều bất cập hiện nay, do phân bón nước ta còn nhập khẩu nhiều nên vẫn phải lệ thuộc một phần vào giá quốc tế. Theo đó, mỗi khi giá phân bón thế giới tăng cao thì giá trong nước cũng phải tăng lên. Chính hiện tượng phụ thuộc giá đã khiến tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng, ngày càng tràn lan và khó kiểm soát.
Để đầu tư dây chuyền sản xuất phân bón, nhiều doanh nghiệp phải đầu tư 50 – 60 tỷ đồng công nghệ. |
Cũng theo ông Thúy, việc sản xuất phân bón giả hiện nay rất tinh vi, các đối tượng sản xuất phân giả không còn sản xuất tập trung quy mô lớn như trước mà chuyển sang hình thức sản xuất theo cụm, trại nhỏ để dễ dàng đối phó. Vấn nạn này đã gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất nông nghiệp, làm rối thị trường và ảnh hưởng đến uy tín của một số doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Thống kê của Cục Quản lý thị trường của Bộ Công Thương cho thấy, trung bình mỗi năm có khoảng 300 vụ vi phạm về chất lượng, giả nhãn hiệu liên quan đến mặt hàng phân bón. Trong đó, các loại phân bón làm giả, kém chất lượng đang lưu thông trên thị trường chủ yếu là phân NPK, hữu cơ sinh học, hữu cơ vi sinh… Đây là các loại phân bón có nhu cầu tiêu thụ lớn, dễ pha trộn nên dễ làm giả hoặc giảm chất lượng và bán với giá rẻ hơn. Đặc biệt, phân kali bị làm giả nhiều nhất, chỉ cần mua gạch non về nghiền trộn với muối và bột màu là có hàng bán ra thị trường. Mới đây ngày 28/3/2012, cơ quan chức năng tỉnh Bạc Liêu đã tịch thu 1,15 tấn phân kali giả tại một cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp huyện Hòa Bình. Mẫu phân giả được gửi đi kiểm định chất lượng tại hai cơ sở cho kết quả hàm lượng kali chỉ đạt 0,1 – 0,3% (trong khi trên bao bì ghi hàm lượng kali đến 60%). Tại Bình Thuận, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, cơ quan chức năng cũng phát hiện 5 cơ sở làm phân bón kém chất lượng và nhái nhãn hiệu của Tập đoàn Quốc tế Năm Sao. Còn tại khu vực Tây Nguyên, lợi dụng tình hình hạn hán, người nông dân ít hiểu biết về phân bón, một số thương nhân đã lấy nước lã hòa vào một ít phân urê, đóng thùng 5 lít và “quảng cáo” là urê nước rồi bán cho nông dân với giá 50.000 đồng/bình.
TS Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đất - Phân bón và Môi trường phía Nam - Viện Nông học Thổ nhưỡng cho biết thêm, không chỉ làm giả phân bón, nhiều nơi còn tuồn phân bón nhập lậu từ phía Bắc vào đồng bằng sông Cửu Long, với giá rẻ hơn 1 – 2 triệu đồng/tấn so với giá nhập khẩu chính ngạch. Mặc dù chất lượng phân bón không ổn định, nhưng do người nông dân ít tiền nên cứ lựa phân bón rẻ để mua. Chỉ tính riêng khu vực ĐBSCL, bình quân mỗi ngày có từ 1.000 – 3.000 tấn phân bón lậu được tiêu thụ. Đáng lo ngại, phân bón kém chất lượng thì làm giảm năng suất cây trồng, nhưng phân bón giả sẽ làm chết cây và gây thiệt hại nặng nề. Thế nhưng, do bà con nông dân không phân biệt đâu là phân bón giả, kém chất lượng nên khi cây trồng bị thiệt hại, mất mùa, năng suất thấp chỉ biết đổ lỗi cho thời tiết.
Thiếu chế tài xử lý
Mặc dù đã có Nghị định 15 của Chính phủ về kiểm soát phân bón, nhưng tình trạng trên cũng không giảm. Thực tế cho thấy, từ 31 đơn vị vi phạm làm giả phân bón năm 2008, đến cuối năm 2011 vẫn còn 27 – 28 đơn vị. Ông Nguyễn Hạc Thúy cho rằng, so với tình hình năm 2012, Nghị định 15 không còn phù hợp, đồng thời không đủ sức răn đe. Trong khi đó, việc cấp giấy phép sản xuất kinh doanh phân bón khá đơn giản: cơ sở sản xuất tự công bố và đăng ký tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Khi đưa vào sản xuất, lưu thông rồi cơ quan chức năng mới tiến hành hậu kiểm.
Lợi dụng điều đó, nhiều cơ sở đã in khống hàm lượng, vi lượng trên bao bì, thậm chí làm nhái bao bì của các doanh nghiệp phân bón lớn, có thương hiệu uy tín để dễ dàng tiêu thụ. Đến khi bị phát hiện thì đối phó bằng cách thay đổi địa điểm, mẫu mã và vi phạm tiếp. Chính vì khâu quản lý quá lỏng lẻo nên có quá nhiều doanh nghiệp phân bón nhỏ mọc lên, sản xuất hàng chất lượng thấp để đưa vào vùng sâu, vùng xa tiêu thụ.
Ông Trần Văn Mười, Tổng Giám đốc Tập đoàn phân bón Năm Sao bức xúc: Mức xử phạt trong sản xuất kinh doanh phân bón hiện nay quá thấp, chỉ 40-50 triệu đồng/vụ vi phạm, khiến cho đối tượng thường xuyên tái phạm. Muốn răn đe được thì cần có các chế tài xử phạt thật nghiêm, thật nặng đối với những hành vi sản xuất kinh doanh phân bón kém chất lượng, ví dụ như thu hồi giấy phép đăng kí kinh doanh, xử phạt bằng tiền…
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Đăng Nghĩa cho hay, tới đây Cục Trồng trọt (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) sẽ chỉ cho phép những doanh nghiệp nào đủ tiêu chuẩn mới được sản xuất phân bón, nghĩa là quản lý từ gốc (có tiêu chuẩn, công nghệ, phòng thử nghiệm và vốn đầu tư nhất định...). Bởi hiện nay, nhiều cơ sở chỉ có vài cái cuốc, cái xẻng cũng được cấp giấy phép sản xuất phân bón… bằng 1 đơn vị có vốn đầu tư 50 – 60 tỉ đồng về công nghệ. Ngay cả Bộ Công Thương cũng chưa thật sự vào cuộc để giải quyết, xử lý vấn nạn này. Nên chăng thống nhất một cơ quan cấp giấy phép, đồng thời tăng những điều kiện cụ thể về tiêu chuẩn cấp giấy phép. Cụ thể, giao cho Bộ Công Thương cấp giấy phép sản xuất phân bón, thay vì đưa cho Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp phép như hiện nay. Bởi chỉ có Bộ Công Thương mới hiểu rõ tiêu chí và chất lượng sản phẩm phân bón.
Cũng theo ông Nguyễn Hạc Thúy, sẽ có Nghị định mới về Quản lý kinh doanh phân bón, thay thế Nghị định 15. Điểm mấu chốt của nghị định này là quy định sản xuất kinh doanh phân bón là một mặt hàng sản xuất kinh doanh có điều kiện. Mặt hàng này phải được quản lý theo nhóm 2 (tức là nhóm phải quản lý theo tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia). Bên cạnh đó, Bộ cũng kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoàn thiện Nghị định 15 về xử phạt hành chính trong sản xuất kinh doanh phân bón. Nghị định mới được kỳ vọng sẽ giúp lập lại trật tự cho ngành phân bón, từ đó kiểm soát giá cả và chất lượng phân bón tốt hơn.
Tuy nhiên, dự kiến đến quý IV Nghị định trên mới hoàn thành. Trước mắt, Bộ NN&PTNT xác định rõ những điều kiện, quy định để quản lý các đơn vị sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp nói chung, phân bón nói riêng tại Thông tư 14/2001/TT-BNNPTNT. Từ đó, giúp các lực lượng chức năng có cơ sở kiểm tra, giám sát các đơn vị từ sản xuất đến kinh doanh phân bón. Hiện, Bộ đang làm tập trung thí điểm tại 2 địa bàn là Thanh Hóa và Tiền Giang. Trên cơ sở tập trung làm thí điểm ở 2 tỉnh này, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, đồng thời tìm phương thức quản lý để hạn chế việc phân bón kém chất lượng tồn tại trên thị trường.
Hải Yên