Bên lề Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV:

Phân bố lại lao động để phục hồi sản xuất

Chiều 10/11, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội.

Bên lề Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV, phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) về nội dung liên quan đến giải pháp tháo gỡ những khó khăn của thị trường lao động theo diễn biến của dịch, cũng như chính sách thu hút lực lượng lao động trở lại làm việc và hỗ trợ giải quyết việc làm đối với lực lượng lao động bị mất việc.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Hoàng Văn Cường trả lời phỏng vấn báo chí bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Thời gian qua, chúng ta chứng kiến hàng nghìn người lao động rời TP Hồ Chí Minh và các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam trong nhiều đợt. Theo đại biểu, thực trạng này đặt ra thách thức gì cho doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi sản xuất hiện nay?

Việc lao động dịch chuyển về địa phương, quê hương đang tạo ra bài toán khó không chỉ với các các địa phương mà còn cho doanh nghiệp. Bởi, lao động trở về địa phương thì địa phương cũng chưa thể bố trí công ăn việc làm ngay lập tức, trong khi đó doanh nghiệp không thể sản xuất nếu thiếu lao động.

Về lâu dài, địa phương có thể có chính sách hỗ trợ người lao động trở về có điều kiện sống tối thiểu, tạo được việc làm trước mắt cho họ, song theo tôi, đây khó có thể là nền tảng ổn định. Nếu muốn người lao động ổn định việc làm ở địa phương thì thách thức chính là về phía các doanh nghiệp làm thế nào để dịch chuyển, phân bố lại lao động, đầu tư tại các địa phương.

Qua đại dịch cũng thấy rõ, các doanh nghiệp tập trung sản xuất quy mô lớn tại một điểm, một địa bàn thì gặp phải rủi ro cao hơn về lao động khi tái sản xuất. Với doanh nghiệp, việc tập trung khu vực gia công, lắp ráp có thể tiết kiệm tiền di chuyển, chuyên chở nguyên vật liệu, sản phẩm, song chi phí về hậu cần về lao động, chi phí rủi ro phòng, chống dịch cũng rất cao, đồng thời phải đối mặt với việc đứt gãy chuỗi cung ứng lao động.

Doanh nghiệp nên bắt đầu câu chuyện phân bố lại lao động, đầu tư tại các địa phương như thế nào, thưa đại biểu?

Theo tôi, các doanh nghiệp trong vùng tập trung sản xuất nên chuyển dịch lại cơ sở sản xuất kinh doanh, di chuyển nhà máy, máy móc về khu vực có nguồn lao động phong phú. Việc này giúp doanh nghiệp giảm rủi ro về chuỗi cung ứng lao động mỗi khi dịch bệnh xuất hiện, dù mất chi phí thêm chuyển dịch, vận chuyển nhưng về lâu dài là bền vững.

Tôi cho rằng, việc dịch chuyển này cũng không khó, bởi phần lớn doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động hiện không phải trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp sâu như luyện kim, chế tạo máy mà chủ yếu là lĩnh vực gia công dân dụng, lắp ráp nên rất dễ phân bố lại lao động.

Về phía địa phương, nếu tạo điều kiện tốt, mặt bằng tốt, chính sách đầu tư tốt thì các doanh nghiệp dịch chuyển rất nhanh, vì công xưởng, nhà xưởng của các doanh nghiệp, khu sản xuất tập trung chủ yếu là lắp ghép nên không khó khăn để xâp lắp tại địa điểm mới. Địa phương cũng cần có cái nhìn đổi mới về việc này trong việc thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn vào đầu tư, sử dụng lao động tại chỗ.

Theo ông, bên cạnh việc phân bố lại lao động, đầu tư của các doanh nghiệp, cần phải có chính sách gì để thu hút lực lượng lao động trở lại làm việc và giải pháp hỗ trợ giải quyết việc làm đối với lực lượng lao động bị mất việc trong thời gian tới?

Việc phân bố lại đầu tư, sản xuất của doanh nghiệp phải gắn với cơ cấu chuyển dịch nền kinh tế, phân bố nguồn lực phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là phải phân bố hết. Chúng ta vẫn phải thu hút lao động trở lại làm việc ở một số khu tập trung mang tính chất sản xuất dây chuyền, sản xuất theo chuỗi.

Để thu hút lực lượng lao động trở lại làm việc đối với những khu vực này, đơn cử khu kinh tế trọng điểm như Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh thì địa phương phải đứng ra giúp, hỗ trợ doanh nghiệp, các khu vực này về hạ tầng, hậu cần cho người lao động.

Nếu như trước đây, địa phương chưa quan tâm đến chuyện nhà ở cho công nhân, người lao động thì nay phải có, phải quy hoạch các khu nhà ở công nhân, dịch vụ hậu cần cho các gia đình công nhân, các dịch vụ xã hội bảo đảm cuộc sống của họ. Khi bảo đảm điều kiện như vậy thì công nhân sẽ yên tâm trở lại lao động sản xuất, không phải ở trong môi trường tạm bợ, tự phát.

Vừa qua, việc một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn như Nike, Adidas, Apple… đã chuyển đơn hàng tại Việt Nam sang quốc gia khác. Đại biểu đánh giá động thái này có ý nghĩa như thế nào trong xu hướng phân bố lại lao động, đầu tư của các doanh nghiệp trong nước?

Chúng ta phải nhìn nhận việc dịch chuyển của các tập đoàn, doanh nghiệp này trong thời gian qua không phải là dịch chuyển toàn bộ mà chỉ là dịch chuyển một phần. Việc này cho thấy việc phân bố lại địa bàn, không gian trong sản xuất kinh doanh là xu thế tất yếu.

Các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài có xu hướng quyết định lựa chọn đầu tư tại các địa bàn có điều kiện hoạt động từ môi trường đầu tư, logistics, nguồn nhân lực… mang lại hiệu quả qua nhất.

Việt Nam có lợi thế về thị trường mở với nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận thị trường thông qua các hiệp định thương mại tư do đã ký kết. Còn về lĩnh vực lao động, tôi cho rằng, để nâng cao năng lực cạnh tranh, chúng ta cần có chiến lược phân bố, thay đổi đầu tư sang hướng chọn lọc, công nghệ cao, có khả năng kết nối, tạo ra chuỗi ra giá trị mới trong nước.

Theo đó, về sử dụng lao động của các doanh nghiệp trong nước cần tính toán theo hai mặt, một là phân tán để sử dụng lao động tại chỗ, hai là thu hút người lao động quay trở lại với các điều kiện. Theo tôi, mặt nào cũng phải đầu tư thêm nhưng việc phân tán được lao động về địa phương thì hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp còn cao hơn.

Theo cách này, chi phí đầu tư nhà xưởng, hậu cần ở nơi này thấp hơn ở khu lao động tập trung và bền vững hơn, hiệu quả xã hội cao hơn, vì dịch vụ và điều kiện xã hội phân tán khiến cho chi phí sống của công nhân, người lao động ở địa phương rẻ hơn nhiều ở nơi tập trung công nghiệp.

Bên cạnh các giải pháp kể trên, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp và ảnh hưởng có thể kéo dài, đâu là giải pháp căn cơ để tháo gỡ những khó khăn của thị trường lao động của Việt Nam, thưa đại biểu?

Theo tôi, dịch bệnh COVID-19 đang thúc đẩy thay đổi tư duy về thị trường lao động của Việt Nam hiện nay. Nếu trước kia, doanh nghiệp đầu tư theo hướng lấy số lượng lao động làm lợi thế thì nay phải nhìn vào giá trị lao động. Chính dịch bệnh vừa qua đã chứng minh, việc sử dụng nhiều lao động, tập trung lao động gây khó khăn trong chi phí phòng, chống dịch cũng như giữ chân người lao động.  

Thời điểm này, việc thay đổi tư duy về thị trường lao động cũng phù hợp với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là không chạy theo con đường sử dụng lao động phổ thông. Lao động lúc này phải được đào tạo chất lượng cao, đầu tư liên quan đến thực hiện chuỗi giá trị; tức là không phải đào tạo để đáp ứng công việc gia công, lắp rắp mà phải nghĩ đến việc tạo ra chuỗi giá trị mới, khi đó không cần nhiều lao động trực tiếp, tập trung mà giá trị sản xuất vẫn cao.

Để làm được điều này không chỉ trông đợi vào việc tái cơ cấu nguồn lực nền kinh tế mà chính các doanh nghiệp cần phải đổi mới chiến lược sử dụng lao động có trình độ, đưa công nghệ mới vào chuỗi sản xuất để tạo ra giá trị mới, thay vì sử dụng nhiều lao động hay lao động tập trung hiện nay.

Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!

Thuý Hiền - Diệp Anh (Thực hiện)
Bên lề Quốc hội: Những mong muốn của đại biểu trong phiên chất vấn
Bên lề Quốc hội: Những mong muốn của đại biểu trong phiên chất vấn

Chiều 10/11, tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá XV, phiên chất vấn tiếp tục diễn ra dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Nhóm vấn đề chất vấn sẽ xoay quanh việc thực hiện các gói hỗ trợ cho đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, giải quyết việc làm cho người lao động… Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, một số đại biểu mong đợi phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung về các vấn đề liên quan.  

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN