Dẫn chứng cho giai đoạn trước, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ ra, giai đoạn 2011-2016 có tới 22.000 dự án đầu tư công, nhưng giai đoạn 2016-2020 đã giảm còn 11.000 dự án. Đây là cuộc cách mạng lớn của cả nhiệm kỳ vừa qua và sẽ được tiếp tục trong giai đoạn 2021-2026 với dự kiến chỉ còn khoảng 6.400 dự án.
Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn 2016-2020, triển khai các nghị quyết của Quốc hội, trên cơ sở tổng mức vốn 2 triệu tỷ đồng và các nguyên tắc, tiêu chí được Quốc hội thông qua, Chính phủ đã giao kế hoạch trung hạn cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương bằng 90,8% tổng mức vốn được Quốc hội thông qua.
Tổng số dự án được giao kế hoạch trung hạn là 11.100 dự án, giảm một nửa so với giai đoạn 2011-2015. Giải ngân bình quân hằng năm đạt khoảng 83,4% kế hoạch giao; trong đó, năm 2020 đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất, hơn 97,46%.
Thể chế pháp luật về đầu tư công cũng ngày càng được hoàn thiện, quy định rõ hơn về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm của các cấp, các ngành, người đứng đầu, tạo quyền chủ động và chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư công.
Giai đoạn vừa qua cũng đã cân đối đủ vốn để thanh toán toàn bộ nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn ngân sách Trung ương từ giai đoạn trước, không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản trong giai đoạn 2016-2020.
Hiệu quả đầu tư công từng bước được cải thiện, đầu tư dàn trải, phân tán dần được hạn chế và số lượng dự án mới giảm dần; tập trung đầu tư hoàn thiện các dự án dở dang, tỷ lệ dự án hoàn thành trong giai đoạn đạt 66,2%. Hiệu quả kinh tế - xã hội của đầu tư nói chung và đầu tư công nói riêng đã được cải thiện, góp phần huy động một lượng lớn vốn đầu tư toàn xã hội, đạt khoảng 9,2 triệu tỷ đồng, bằng 33,7% GDP, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra và cao hơn giai đoạn trước.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, giải ngân vốn đầu tư công đã từng bước được cải thiện, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là năm 2020, nền kinh tế tăng trưởng dương trong bối cảnh dịch COVID-19. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư, cải thiện thêm một bước, nhiều dự án hạ tầng đầu tư từ giai đoạn trước thuộc các ngành, lĩnh vực then chốt được hoàn thành trong giai đoạn này.
Tuy nhiên, đầu tư công trung hạn giai đoạn vừa qua vẫn có những tồn tại, hạn chế. Một số quy định vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phân cấp còn chưa triệt để. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền liên quan đến đầu tư công còn một số bất cập như kế hoạch cứng nhắc, thiếu linh hoạt, mất thời gian báo cáo cấp có thẩm quyền. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng xây dựng Kế hoạch đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ cũng vừa ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương rà soát, hoàn thiện phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, hướng dẫn, xử lý các tình huống phát sinh theo thẩm quyền, trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định; trong đó, khẩn trương tập trung hướng dẫn, đôn đốc, trao đổi trực tiếp về việc rà soát, cắt giảm các dự án, nhất là các dự án khởi công mới, các dự án chưa thực sự cần thiết, kém hiệu quả.
Trường hợp phương án phân bổ của bộ, cơ quan trung ương, địa phương sau rà soát còn dàn trải, không tập trung, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động rà soát, trao đổi với từng bộ, cơ quan, địa phương, tiếp tục cắt giảm, lựa chọn những dự án thực sự cần thiết, hiệu quả.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Thủ tướng Chính phủ khen thưởng, phê bình các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và người đứng đầu trong việc thực hiện các quy định, xây dựng và triển khai kế hoạch đầu tư công…