Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành, địa phương cùng phối hợp, khẩn trương triển khai các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Đề án.
Bộ Xây dựng cho biết, theo số liệu báo cáo đã tập hợp chuyển về, hiện nay đã có 27 địa phương công bố danh mục 63 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng với nhu cầu vay vốn hơn 27.966 tỷ đồng.
Cụ thể, 27/63 địa phương đã công bố danh mục các dự án đủ điều kiện vay vốn theo gói tín dụng này gồm: Bà Rịa -Vũng Tàu, Trà Vinh, Bắc Giang, Tây Ninh, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, An Giang, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hậu Giang, Bình Dương, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Hà Nội, Thái Bình, Hải Phòng, Hải Dương, Kiên Giang, Bình Thuận, Đắc Lắk, Hòa Bình, Thanh Hóa, Bình Định, Nghệ An, Bình Phước, Hà Tĩnh, Đồng Tháp.
Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, cả nước mới chỉ có 5 dự án nhà ở xã hội tại 5 địa phương gồm Bình Dương, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Lạng Sơn, An Giang đã được giải ngân với số vốn khoảng 416 tỷ đồng.
Tại Nghị quyết 33/NQ-CP về giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, Chính phủ cũng đặt ra các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Điển hình là gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng tương đương khoảng 12% nhu cầu vốn để thúc đẩy thực hiện mục tiêu hoàn thành ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giai đoạn 2021-2030.
Nguồn vốn này để cho chủ đầu tư và người mua nhà các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp hơn khoảng từ 1,5 - 2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn VND bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước (bao gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) trên thị trường trong từng thời kỳ và các ngân hàng thương mại ngoài nhà nước có đủ điều kiện với từng gói tín dụng cụ thể.
Bộ Xây dựng nhận định, đối với gói hỗ trợ 120 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết 33/NQ-CP bước đầu đã có kết quả, tuy nhiên việc giải ngân vẫn còn chậm. Trong thời gian tới, với sự quyết liệt của các cấp chính quyền trong việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, việc giải ngân gói hỗ trợ 120 nghìn tỷ đồng kỳ vọng sẽ đạt kết quả tốt hơn.
Nhận xét chung về việc giải ngân các gói tín dụng ưu đãi liên quan đến nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cho rằng, nguồn vốn hỗ trợ cho phát triển dự án nhà ở xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình và Nghị quyết số 33/NQ-CP chưa được giải ngân hiệu quả do nhiều nguyên nhân.
Một số lý do điển hình thường gặp thời gian qua là nhiều doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội chưa đảm bảo tiêu chí, điều kiện được vay theo pháp luật về tín dụng; một số địa phương chưa công bố danh mục nhà ở xã hội đủ điều kiện vay; thời gian vay ngắn hạn (Nghị quyết số 11 chỉ hỗ trợ trong thời gian 2 năm từ 2022 - 2023) chưa thu hút được các nhà đầu tư vay vốn.
Để triển khai hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP, thời gian tới, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ Xây dựng lưu ý là các bộ, ngành sẽ tập trung xây dựng các Nghị định hướng dẫn Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 để tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật, triển khai hiệu quả, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội.
Đồng thời, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan để góp ý xây dựng Nghị định hướng dẫn Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), pháp luật về thuế... để đồng bộ với Luật Nhà ở (sửa đổi) về các cơ chế chính sách cho nhà ở xã hội.