Thanh long- mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam được ưa chuộng ở nước ngoài. Ảnh: Minh Trí/TTXVN |
Chủ tịch Bernd Lange khẳng định, Nghị viện châu Âu có chức năng thông qua tất cả các hiệp ước hay thỏa thuận thương mại quốc tế mà EU thỏa thuận. Theo đó, Hiệp định Tự do Thương mại EU - Việt Nam sẽ được xem xét theo hai giai đoạn, gồm cấp Ủy ban Thương mại Quốc tế và cấp Nghị viện châu Âu.
Theo lộ trình, văn kiện Hiệp định Tự do Thương mại EU - Việt Nam sẽ được Ủy ban Thương mại Quốc tế xem xét, kiểm chứng vào mùa Xuân 2018, để đảm bảo tất cả những cam kết trong hiệp định này sẽ được thực hiện đầy đủ.
Nếu đạt được đồng thuận đa số tại Nghị viện châu Âu, Hiệp định Tự do Thương mại EU - Việt Nam sẽ được thông qua trong khoảng mùa hè năm 2018.
Chủ tịch Bernd Lange cho biết, đến nay, Ủy ban Thương mại Quốc tế và Chính phủ Việt Nam đã đạt được đồng thuận về việc hai bên phải nỗ lực rất nhiều cho việc thông qua Hiệp định Tự do Thương mại EU - Việt Nam trong 8 - 9 tháng tới. Ông Bernd Lange tin tưởng rằng hiệp định thương mại này sẽ mang lại tăng trưởng bền vững và đem lại lợi ích cho cả hai bên.
Để sớm kết thúc đàm phán Hiệp định Tự do Thương mại EU - Việt Nam đang trong giai đoạn cuối rà soát pháp lý này, ông Bernd Lange cho rằng, Việt Nam nghiên cứu sớm phê chuẩn 8 công ước cốt lõi của Tổ chức Lao động quốc tế để đảm bảo Hiệp định Tự do Thương mại EU - Việt Nam sẽ mang lại lợi ích bình đẳng cho tất cả mọi người. EU và Việt Nam cần cam kết sẽ không đạt được lợi ích kinh tế bằng mọi giá và cần đảm bảo an toàn cho môi trường.
Để đảm bảo lợi ích và mọi người đều được hưởng lợi từ Hiệp định Tự do Thương mại EU - Việt Nam, hai bên dự kiến sẽ thiết lập một cơ chế mới gọi là Các nhóm cố vấn nội địa để tư vấn cho Chính phủ của hai phía nhằm cải thiện nội dung của hiệp định này trong quá trình thực hiện và tạo cơ hội cho các tổ chức này của hai phía cơ hội giao lưu, trao đổi thông tin với nhau.