Do là loại hình bất động sản mới, chưa được quy định cụ thể trong các Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở... nên việc quản lý condotel còn tồn tại nhiều vướng mắc.
Theo ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, việc triển khai thực hiện các dự án condotel thời gian qua chưa thật thuận lợi cho cả địa phương và các nhà đầu tư. Trở lực lớn với condotel là các quy định liên quan đến kinh doanh mua bán chuyển nhượng chưa rõ ràng, điều kiện bán sản phẩm hình thành trong tương lai, bảo lãnh cho thuê mua, quy định bán căn hộ cho người nước ngoài...
Đầu tư vào condotel nhiều tiềm năng song cũng tiềm ẩn rủi ro do tính pháp lý còn chưa rõ ràng. |
Quan điểm của cơ quan quản lý về việc cấp sổ đỏ cho condotel hiện còn khác nhau. Theo ông Mai Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục đăng ký đất đai (thuộc Tổng cục Đất đai), bản chất condotel chỉ là căn hộ khách sạn hay khách sạn chung cư. Vậy mục đích của nó là đầu tư để kinh doanh.
Do vậy theo điều 126, Luật Đất đai, thời gian giao đất 50 năm hoặc tới 70 năm. Cũng Điều 126 có hướng mở là khi hết thời hạn giao đất có quyền gia hạn nếu có nhu cầu.
Còn theo quan điểm của ông Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cần xem xét mục đích sử dụng đất của dự án. Condotel thì chắc chắn là sử dụng vào mục đích kinh doanh. Như vậy quyền sử dụng đất 50 năm hay 70 năm nhưng thực tế là cần phải làm dài hơn.
"Nếu chúng ta nới thời hạn sử dụng condotel vô thời hạn thì chúng ta có thể sử dụng lâu dài”, ông Võ nêu quan điểm.
Theo ý kiến của một số chuyên gia và đại diện các doanh nghiệp, Chính phủ nên ban hành một nghị định hoặc thông tư xác định rõ hơn thuật ngữ condotel và cùng với đó là các điều kiện của loại hình này. Cần hoàn thiện khung pháp lý để ngân hàng cho vay đối với loại hình condotel. 2 năm qua, ngân hàng không dám cho vay đối với condotel vì tính pháp lý còn lỏng lẻo.
Thừa nhận chờ luật về condotel thì còn khá lâu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho rằng, cần những giải pháp trước mắt và lâu dài. Theo đó, trước mắt, Bộ Tài nguyên - Môi trường cần phối hợp với các bộ nghiên cứu kỹ, sớm ban thành thông tư về cấp giấy chứng nhận cho loại hình nhà ở này để người mua bán yên tâm giao dịch.
Về lâu dài, trong dự thảo Luật về các đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt có nhắc đến condotel. Nếu được Quốc hội thông qua vào tháng 5 tới, condotel sẽ chính thức được thừa nhận và đó sẽ là căn cứ pháp lý.
Có thể thấy, thời gian qua, không chỉ đua nhau xây dựng condotel, các chủ đầu tư còn tung ra những chính sách ưu đãi hấp dẫn, như đảm bảo mức lợi nhuận cho thuê lại căn hộ condotel từ 8 - 12%, thậm chí 15%/năm.
Theo đại diện của JLL Việt Nam, chính sách đảm bảo lợi nhuận là một yếu tố quan trọng khiến condotel trở nên hấp dẫn và khác biệt với các loại hình bất động sản khác. Việc cạnh tranh về mức lợi nhuận giữa các dự án là điều đương nhiên.
"Mức lợi nhuận 8 - 12% có khả thi hay không tùy thuộc vào tốc độ phát triển của ngành du lịch cũng như khả năng vận hành dự án hiệu quả của chủ đầu tư. Điều này không chỉ đòi hỏi chủ đầu tư phải có nhiều kinh nghiêm trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng mà còn phải có cái nhìn dài hạn, có phương án kinh doanh linh hoạt, phù hợp trong từng giai đoạn thị trường", ông Stephen Wyatt, GĐ JLL Việt Nam nhận định.
Trong khi chờ đợi những quy định rõ ràng, chi tiết về condotel, các chủ đầu tư vẫn tiếp tục đổ tiền vào các dự án condotel thì người mua nhà cần hết sức thận trọng trước khi xuống tiền mua condotel để tránh rủi ro. Cần căn cứ vào các yếu tố như vị trí dự án, uy tín của chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành... Đồng thời, nên thuê luật sư nghiên cứu kĩ hợp đồng mua bán condotel.