Phát huy vai trò quản lý Nhà nước trong điều hành giá xăng dầu

Thời gian qua, việc giá xăng dầu liên tục tăng mạnh trên thị trường thế giới và nội địa, đã được dư luận đặc biệt quan tâm.

Nguyên nhân của tình hình, tác động và hệ lụy, xu thế và triển vọng, thái độ và cách ứng phó của Chính phủ, doanh nghiệp và xã hội đối với vấn đề này đang là những chủ đề nóng trên các diễn đàn và phương tiện thông tin đại chúng. Để làm rõ hơn về nội dung này, ngày 23/3, Báo Công Thương tổ chức tọa đàm Phát huy vai trò quản lý Nhà nước trong điều hành giá xăng dầu. 

Chú thích ảnh
Mua bán xăng dầu tại cửa hàng kinh doanh xăng dầu Petrolimex trên đường Trần Quang Khải, Hà Nội. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Chủ động dự báo

Ông Trần Duy Đông- Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết: Thời gian qua, Bộ Công Thương đã chủ động dự báo tình hình; trong đó đã có những nghiên cứu và dự báo rất sớm. 

Ngay từ khi chiến sự Nga-Ukraine xảy ra, Bộ Công Thương đã có báo cáo gửi Chính phủ rất rõ ràng và cụ thể về tình hình địa chính trị, cũng như nguồn cung xăng dầu trên thế giới có khả năng bị gián đoạn. 

Đặc biệt là khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) + nhóm họp nhiều lần, nhưng việc đưa ra sản lượng không như cam kết hay đàm phán Iran không tiến triển, dẫn tới nguồn cung không có khả năng đáp ứng đủ, trong khi nhu cầu phục hồi kinh tế, tổng cầu về xăng dầu tăng lên rất mạnh sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát.

Với sự dự báo sớm, phán đoán khả năng gián đoạn nguồn cung cục bộ của tình hình năng lượng thế giới, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các công ty xăng dầu đầu mối có kế hoạch nhập khẩu xăng dầu để đảm bảo nguồn cung, an ninh năng lượng trong mọi tình huống.

Chia sẻ về các biện pháp nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường, theo ông Trần Duy Đông, Bộ Công Thương đã chỉ đạo tăng nhập khẩu để bù đắp sự thiếu hụt của nguồn cung trong nước. 

Đồng thời với 2 nhà máy lọc dầu, như với Nghi Sơn, Bộ Công Thương đã bàn bạc kỹ với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nhằm khắc phục sự cố tài chính để làm sao tuy có gián đoạn nhưng không ảnh hưởng quá lớn. 

Còn trong điều kiện bình thường, Bộ Công Thương cũng có chỉ đạo tăng công suất các nhà máy lọc dầu lên 105% để bù đắp. 

Đáng lưu ý, trong các cuộc họp với các thương nhân đầu mối, Bộ Công Thương cũng xây dựng kịch bản và trước mắt giao cho 10 thương nhân đầu mối nhưng cũng có kịch bản giao hết cho các thương nhân đầu mối đảm bảo nguồn cung trong quý II với kịch bản không có nguồn cung từ Nghi Sơn. 

Tất nhiên, trong quá trình vận hành, vào cuối tháng 4,5, Bộ Công Thương sẽ làm việc với Nghi Sơn, PVN, các thương nhân đầu mối để tính toán điều chỉnh kế hoạch này nếu như Nghi Sơn khẳng định có sự cam kết sản lượng cung cấp cho thị trường trong nước.

Liên quan đến điều tiết cung cầu, Bộ Công Thương đã nắm được việc thiếu nguồn cung cục bộ do Nghi Sơn cung cấp cho một số thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối và hệ thống phụ thuộc vào Nghi Sơn nên bị ảnh hưởng. 

Từ thực tế đó, Bộ Công Thương đã có sự điều tiết từ địa bàn này sang địa bàn lhác, từ thị trường có dự trữ dư giả hơn, từ đầu mối, phân phối có hàng sang các thương nhân đầu mối, phân phối thiếu hàng để hàng cung cấp ra thị trường luôn đủ, đảm bảo nhu cầu, phục vụ sản xuất, tiêu dùng.

Mặt khác, liên Bộ Công Thương-Tài chính luôn điều hành bám sát giá xăng dầu thế giới, sử dụng hài hòa, hiệu quả Quỹ bình ổn giá làm sao hài hòa lợi ích nhà nước của doanh nghiệp, người dân.

Ông Trần Hữu Linh-Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho hay, thời gian qua, Tổng cục Quản lý thị trường đã nhanh chóng chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường các tỉnh thành phố tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường xăng dầu do dự kiến khi giá xăng dầu tăng sẽ xảy ra các tình trạng gian lận thương mại.

Đặc biệt, lực lượng quản lý thị trường đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng tăng cường các biện pháp giám sát, kiểm soát kinh doanh xăng dầu; xác minh, làm rõ các cửa hàng kinh doanh xăng dầu, nhà bán lẻ (các cây xăng) có hiện tượng tạm ngưng, tạm bán, tạm kinh doanh mà không có lý do. 

Theo đó, từ ngày 28/1 đến nay, lực lượng đã tập trung vào hoạt động kiểm tra, kiểm soát 16.800/17.000 cửa hàng xăng dầu trên địa bàn cả nước. 

Đặc biệt, lực lượng quản lý thị trường cũng tiến hành rút giấy phép hoạt động nhiều cửa hàng xăng dầu ở khu vực miền Tây Nam Bộ. Đáng lưu ý, qua kiểm tra giám sát, hiện nay trong tổng số 16.800 cây xăng được kiểm tra, có 241 cây xăng đang tạm dừng hoạt động với rất nhiều lý do.

Mặt khác, lực lượng quản lý thị trường cũng xử lý rất nghiêm các hiện tượng bán giãn, bán không bán đủ thời gian 24/24 hay trước thời gian cao điểm điều chỉnh giá xăng dầu có cây xăng tạm ngưng không bán. 

Theo ông Trần Hữu Linh, tất cả những vấn đề này, khi đi kiểm tra, quản lý thị trường đều làm nghiêm, có xem xét những lý do chính đáng, nếu chưa đến mức xử phạt sẽ vận động, tuyên truyền, thậm chí dán liên hệ đường dây nóng của lực lượng quản lý thị trường để người dân địa phương chủ động liên hệ.

Hiện nay việc pha chế xăng dầu trong thị trường nội địa dẫn đến xăng dầu chất lượng kém là có và tương đối phổ biến. Trước tình hình này, cần có cả một hệ thống phối hợp kiểm tra quản lý do việc ngăn chặn xăng dầu nhập lậu vào trong nội địa.

Thêm công cụ hỗ trợ

Để điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu, ông Trần Duy Đông cho rằng cần có dư địa, công cụ để can thiệp để hài hòa lợi ích của các bên, đó là nhà nước, người dân, doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, về lâu dài phải tính tới công cụ thuế linh hoạt hơn, tính tới bàn toán giảm thuế môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu và phải có chiến lược tiết kiệm, chuyển đổi dần trong cơ cấu sử dụng năng lượng thân thiện hơi với môi trường. 

Thậm chí trong cơ cấu về xăng, có đề xuất giảm thuế nhập khẩu bã ngô, nhiên liệu Ethanol, khi giá các loại nhiên liệu sinh học đang thấp so với nhiên liệu hóa thạch, qua đó khuyến khích sử dụng xăng sinh học. 

Ngoài ra, có các gói an sinh xã hội, hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng kinh doanh trực tiếp xăng dầu, hay người sử dụng xăng dầu; cần tính tới cơ chế để tăng dự trữ quốc gia, tách bạch dự trữ quốc gia ra khỏi dự trữ lưu thông phân phối làm sao trong quy hoạch sản xuất để tăng dự trữ từ sản xuất đến lọc dầu, dự trữ về lọc dầu và thành phẩm. 

Ông Trịnh Quang Khanh- Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam khẳng định: Dự báo giá xăng dầu rất khó vì phụ thuộc vào yếu tố địa chính trị, nguồn cung, thời tiết... 

Đơn cử trong tháng 3, thời cao điểm, giá xăng đã tăng lên đến 130 USD/thùng. Khi có thông tin Nga – Ukraine có thể ký được hiệp định hoà bình, giá dầu đã ngay lập tức giảm còn 99 USD/thùng. Tuy nhiên, hôm qua, giá dầu lại lên đến 116 USD/thùng. Do đó, diễn biến của giá xăng dầu phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. 

Trước thực tế trên, ông Trịnh Quang Khanh đề xuất việc đáp ứng đầy đủ nguồn cho phát triển kinh tế, tiêu dùng của người dân dựa trên dự báo nhu cầu của cơ quan quản lý. Để đảm bảo nguồn cung, các thương nhân đầu mối nên đa dạng hoá thị trường nhập khẩu. 

Mặt khác, Hiệp hội kiến nghị với Bộ Tài chính trên cơ sở sắc thuế hiện nay là 8% với xăng, 10% thuế tiêu thụ đặc biệt, cũng nên có thể thu theo thuế tuyệt đối như thuế bảo vệ môi trường. 

Ngoài ra, Hiệp hội đề nghị tăng cường kiểm tra, kiểm soát không chỉ với các đại lý xăng dầu mà còn với thương nhân phân phối, thương nhân đầu mối... xem việc chấp hành quy định pháp luật, dự trữ theo đúng quy định hay không. 

Bên cạnh đó, trung tuần tháng 4 này, Hiệp hội sẽ triển khai nhiệm vụ đánh giá 3 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ các tháng cuối năm. Giá tăng đột biến như trong thời gian vừa rồi thì việc có bảo hiểm giá sẽ rất tốt. Các đơn vị được lựa chọn các hợp đồng tương lai.

Hơn nữa, Hiệp hội cũng đề xuất việc tuyên truyền để sử dụng tiết kiệm nhiên liệu, chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, năng lượng thân thiện với môi trường.

Để giá xăng dầu không ảnh hưởng tới tăng trưởng và lạm phát năm 2022, TS Vũ Đình Ánh cho rằng: Trước hết, thuế hay còn gọi là khoản thu ngân sách chỉ là một trong những công cụ để can thiệp vào biến động của giá xăng dầu đến đời sống kinh tế xã hội. 

Vì vậy, phải sử dụng đồng bộ một hệ thống các công cụ, không nên đặt vấn đề hôm nay thuế bảo vệ môi trường trừ một nửa không đủ, ngày mai trừ thêm một nửa không đủ lại trừ cả và nếu tiếp tục không đủ thì lại trừ tiếp thuế tiêu thụ đặc biệt… 

Một hệ thống công cụ nữa cần nhấn mạnh là nhập xăng dầu cần ngoại tệ, sản xuất xăng dầu trong nước cũng cần ngoại tệ. Vì Việt Nam nhập khẩu ròng dầu thô, bán 1 triệu tấn thì nhập 2 triệu tấn, như vậy tỷ giá hối đoái cực kỳ quan trọng.

Do đó, cần đánh giá tất cả các khoản thu hiện tại, công cụ thuế, công cụ thu ngân sách đó sẽ sử dụng ra sao và đặt vấn đề căn cơ đối với thuế, thu ngân sách xăng dầu để sử dụng hữu hiệu công cụ này.

Uyên Hương (TTXVN)
Nhiều chuyên gia đề nghị rút ngắn hơn chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu
Nhiều chuyên gia đề nghị rút ngắn hơn chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu

Nhiều chuyên gia cho rằng, cần có những điều chỉnh tại Nghị định số 95 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83 về kinh doanh xăng dầu khi bộc lộ nhiều hạn chế dù mới có hiệu lực hơn 2 tháng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN