Theo kế hoạch, Gia Lai sẽ phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng danh mục hạ tầng thương mại biên giới; ưu tiên các dự án sử dụng nguồn ngân sách nhà nước, các dự án cần mời gọi đầu tư và các dự án khuyến khích xã hội hóa; ưu đãi đối với các thương nhân tham gia hoạt động kinh doanh hạ tầng thương mại biên giới.
Gia Lai cũng sẽ rà soát, điều chỉnh quy hoạch, đầu tư nâng cấp xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, xã hội tại Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Đồng thời, thúc đẩy các chương trình, dự án phát triển chợ biên giới nhằm tạo điều kiện cho người và phương tiện, hàng hóa qua lại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh mua bán tại chợ biên giới.
Trong số đó, ưu tiên, bố trí nguồn kinh phí ngân sách nhà nước để xây dựng những dự án hạ tầng biên giới mà tư nhân không thể tham gia; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện xã hội hóa trong việc thực hiện xây dựng chợ thương mại biên giới.
Theo kế hoạch, thời gian tới, tỉnh Gia Lai sẽ hỗ trợ các hoạt động trao đổi, lưu thông hàng hóa, các thỏa thuận hợp tác giữa khu vực biên giới của tỉnh Gia Lai (Việt Nam) và tỉnh Ratanakiri (Campuchia). Đồng thời, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý, phát triển đội ngũ thương nhân qua việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách về xuất xứ hàng hóa; phương thức thanh toán, ký kết hợp đồng, trao đổi kinh nghiệm với thương nhân và cư dân biên giới.
Qua đó, UBND tỉnh Gia Lai giao cho Sở Công Thương là đầu mối phối hợp với các cơ quan, ban, ngành Trung ương và địa phương xúc tiến đầu tư, nhằm thu hút doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia phát triển hạ tầng thương mại biên giới.
Chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của tỉnh Gia Lai được triển khai với mục tiêu thúc đẩy hợp tác phát triển và kết nối hạ tầng thương mại giữa Gia Lai với các tỉnh biên giới Campuchia. Từ đó, khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương hai bên; thu hút các nhà đầu tư, khuyến khích xã hội hóa đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng thương mại biên giới.
Đồng thời, tăng cường mối quan hệ hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực kinh tế-thương mại, văn hóa-xã hội giữa tỉnh Gia Lai (Việt Nam) và tỉnh Ratanakiri (Campuchia). Điều này góp phần nâng cao đời sống cư dân hai bên biên giới, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự xã hội khu vực biên giới.