Mặc dù chiếm hơn 600 nghìn ha diện tích đất và đã “ngốn” gần 4.000 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương nhưng đến nay, chỉ có vài ba khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) trên tổng số 28 KKTCK trong cả nước thể hiện được vai trò động lực, đóng góp vào phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và vùng. Vì vậy, “trông giỏ bỏ thóc” phải là giải pháp tiên quyết để nâng cao hiệu quả đầu tư, đồng thời giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Vẫn theo cách dàn trải
Nằm ở vị trí đắc địa trên Hành lang Kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (Việt Nam), KKTCK Lào Cai - cửa ngõ quan trọng kết nối ngắn nhất Việt Nam với thị trường Tây Nam Trung Quốc và các nước ASEAN vẫn chờ “cất cánh” bởi hệ thống giao thông kết nối vẫn chưa hoàn chỉnh và tương thích cả đường bộ và đường sắt.
Vận chuyển nông sản xuất khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai. Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Theo ông Nguyễn Thanh Dương, Phó Chủ tịch UBND Lào Cai, hiện tỉnh đang gặp khó khăn trong việc thu xếp vốn đầu tư hoàn thành 19 km đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai (đoạn do Lào Cai làm chủ đầu tư) để đồng bộ với 55 km đường cao tốc do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam; từ đó kết nối thành công với tuyến vận tải đường bộ quan trọng Côn Minh - Hà Khẩu của Trung Quốc. Cùng đó, tuyến đường sắt lồng dài 5 km để kết nối mạng lưới đường sắt liên vận quốc tế Lào Cai (Việt Nam) - Hà Khẩu (Trung Quốc) cũng đang chờ được đầu tư.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ hạ tầng KKTCK từ năm 2004 đến nay là 3.926 tỷ đồng; trong đó, tỷ trọng phân bổ cho 11 KKTCK giáp Trung Quốc chiếm 55%, 8 KKTCK giáp Lào và 8 KKTCK giáp Campuchia ở mức tương đồng trên 20%. Với việc đầu tư này, các tỉnh đã tập trung cho các công trình xây dựng đường giao thông, công trình thoát nước, điện chiếu sáng, bãi kiểm hóa, trạm kiểm soát liên hợp... và xây dựng hạ tầng khu thương mại - công nghiệp phục vụ sản xuất và kinh doanh tại KKTCK.
Phân loại nông sản nhập khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai. Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Tuy nhiên, tại Hội nghị tổng kết 20 năm phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế mới đây, Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung đã thừa nhận: Với tinh thần các địa phương có KKTCK đều có quyền tiếp cận với nguồn vốn ngân sách còn hạn hẹp trong khi hạng mục đầu tư của các KKTCK lại rất nhiều dẫn tới tình trạng đầu tư có phần dàn trải. Bên cạnh đó, các địa phương có KKTCK phần vì điều kiện kinh tế còn khó khăn, phần hiểu sai về tính chất của nguồn vốn nên coi đây là nguồn vốn chủ yếu, duy nhất để phát triển hạ tầng KKTCK nên có tâm lý ỷ lại không chủ động huy động các nguồn khác.
Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cuối năm 2011 cũng chỉ rõ: Chủ trương xây dựng các khu kinh tế là đúng đắn, song việc thành lập nhanh các khu kinh tế đã khiến nhu cầu vốn đầu tư đang vượt quá khả năng cân đối của ngân sách quốc gia. Trong khi đó, phần lớn các khu kinh tế đều áp dụng cơ chế, chính sách phát triển cơ bản giống nhau, không phát huy được thế mạnh mang tính đặc thù của từng khu hoặc vùng kinh tế.
Phải “trông giỏ bỏ thóc”
Cũng Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc đầu tư thời gian tới cần lựa chọn để tập trung đầu tư cho các KKTCK có nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, hạ tầng xã hội làm đối trọng với các đô thị của quốc gia láng giềng; những KKTCK còn lại có hiệu quả hoạt động không cao cần chuyển thành các khu công nghiệp hay các trung tâm thương mại cửa khẩu.
Đồng quan điểm này, Bộ Tài chính khẳng định: KKTCK có nhiều thay đổi nhưng chưa tương xứng với yêu cầu phát triển, hàng hóa xuất khẩu chủ yếu là nguyên liệu thô, sức cạnh tranh kém và sức hút các doanh nghiệp vào hoạt động tại cửa khẩu còn hạn chế do không đáp ứng được nguồn lực và hạ tầng kỹ thuật kém. Để đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư rất lớn cho hạ tầng KKTCK, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần có sự phân loại cụ thể các KKTCK; xác định rõ vị trí, lợi thế của từng khu, xác định trục kinh tế của từng vùng và tác động lan tỏa vùng miền… để có chính sách ưu đãi phù hợp. Trên cơ sở rà soát và phân loại này, phương án cân đối thu chi từ ngân sách nhà nước sẽ phù hợp hơn nhằm đầu tư trọng điểm, dứt điểm một số khu nhất định, sau đó mới có kế hoạch đầu tư các khu tiếp theo, tránh được tình trạng đầu tư dàn trải, thiếu hiệu quả như thời gian vừa qua.
Theo Vụ trưởng Vụ Kinh tế dịch vụ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Lưu Quang Khánh, hiện chỉ có các KKTCK ở Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai là đang hoạt động nhộn nhịp cả về thương mại dịch vụ, công nghiệp, xuất nhập khẩu; còn các KKTCK còn lại vẫn chậm phát triển, không thu hút được đầu tư.
Minh họa rõ nét nhất là trong tổng số 700 triệu USD vốn FDI đầu tư vào KKTCK, các KKTCK giáp biên giới Trung Quốc thể hiện khả năng hút vốn mạnh nhất, chiếm 64,1% trong khi các KKTCK giáp Campuchia chỉ chiếm 32%.
Tương tự như vậy, các KKTCK như: Móng Cái, Lạng Sơn, An Giang, Xa Mát, Lào Cai, Lao Bảo, Đồng Tháp, Hà Giang, Tà Lùng, Hoành Mô - Đồng Văn đang có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất; trong khi các KKTCK như: Long An, Ma Lù Thàng, Hà Tiên, Sóc Giang, Tây Trang, A Đớt, Lóong Sập, Chiềng Khương lại có kim ngạch xuất nhập khẩu nhỏ nhất. Và trong tổng thu ngân sách nhà nước 4.800 tỷ đồng qua các KKTCK năm 2010, các KKT cửa khẩu giáp với Trung Quốc chiếm tới 87,4%, giáp Lào chiếm 11,7%, giáp Campuchia chỉ là 0,9%.
Vì vậy, bên cạnh đề xuất phân loại KKTCK đã thành lập để tập trung đầu tư như khuyến nghị của Bộ Tài chính, với các khu đã nằm trong quy hoạch phát triển KKTCK đến năm 2020 nhưng chưa được thành lập, Chính phủ cần xác định thời điểm phát triển thích hợp căn cứ vào nguồn lực và khả năng, điều kiện phát triển của từng địa phương. “Nếu điều kiện chưa chín muồi có thể giãn tiến độ bởi phát triển KKTCK phải lấy hiệu quả kinh tế, xã hội làm tiêu chuẩn cao nhất và phải bảo đảm phát triển bền vững, kết hợp phát triển kinh tế với bảo đảm an ninh quốc phòng”, ông Lưu Chung Khánh nhấn mạnh.
Nguyễn Kim Anh