Đánh dấu sự có mặt 20 năm tại Việt Nam, chiều ngày 21/5, oCông ty tư vấn bất động sản (BĐS) Savills đã công bố nghiên cứu về sự phát triển của thị trường BĐS Việt Nam trong toàn cảnh kinh tế xã hội suốt 2 thập kỷ vừa qua.
Vươn lên từ nước nghèo
Ông Neil Macgregor, Tổng Giám đốc điều hành Savills tại Việt Nam, phân tích tổng sản phẩm nội địa (GDP) 20 năm qua đã có sự tăng trưởng ấn tượng, từ 21 tỷ USD năm 1995 tăng 185 tỷ USD năm 2014. Với mức tăng trưởng này, Việt Nam đã đi lên từ một nước nghèo nhất thế giới trở thành một nước có thu nhập trung bình và có triển vọng; trong tương lai không xa dự đoán sẽ vượt qua hầu hết các nước Châu Á khác.
BĐS Việt Nam được đánh giá có tiềm lực phát triển mạnh mẽ của khu vực Đông Nam Á |
Đáng chú ý, doanh nghiệp (DN) nhà nước đóng góp khảng 40% tổng sản lượng quốc gia. Bên cạnh đó, DN Việt Nam cũng đạt thành tựu ấn tượng trên thị trường quốc tế. Năm 2014, các DN trong khối ngân hàng như Vietcombank, BIDV và Vietinbank nằm trong top 2.000 DN nhà nước quyền lực nhất trên thế giới (theo bảng xếp hạng hàng năm của The Fortbes Global 2.000 với các chỉ tiêu đánh giá dựa trên vốn, lợi nhuận, tài sản và thị phần).
Ngoài ra, vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài là nguồn xúc tác quan trọng đối với sự tăng trưởng trong nước khi Chính phủ có những chính sách tích cực cạnh tranh trong khu vực để thu hút nguồn vốn. Một trong những hỗ trợ từ phía Chính Phủ trong cuộc chạy đua này, bao gồm sự ưu đãi rất lớn về thuế DN.
Về kiều hối, Việt Nam là một trong 10 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất thế giới, đó cũng là yếu tố đóng góp chủ yếu vào GDP. Năm 2014, tổng số kiều hối tăng lên khoảng 12,5 tỷ đô la Mỹ với hơn 4 triệu lượt giao dịch. Đầu tư BĐS trực tiếp cũng có lợi khi nhận được khoảng 17% - 20% tổng số lượng kiều hối.
Ngành du lịch có sự thay đổi nhờ Việt Nam sở hữu những cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp. Gần đây, một số công trình sân bay trọng điểm được xây dựng mới và nâng cấp, tạo tiền đề cho ngành du lịch trong 20 năm phát triển mạnh mẽ. Từ năm 1995 đến năm 2014, tổng số du khách tăng đáng kể từ hơn 1.3 triệu đến xấp xỉ 7.9 triệu lượt du khách, tác động trực tiếp đến sự phát triển của thị trường nhà ở, đặc biệt là mảng thị trường BĐS nghỉ dưỡng.
Đáng chú ý, ngày 1/7 tới đây luật cho phép người nước ngoài được mua nhà bắt đầu có hiệu lực. Điều này làm cho thị trường BĐS thêm sôi động, ông Neil Macgregor cho biết hiện rất nhiều người nước ngoài đang làm việc và sinh sống tại Việt Nam đang mong chờ giờ G để được mua nhà. Theo đó, Việt Nam hứa hẹn sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và các nguồn vốn từ nước ngoài. Các sản phẩm nghỉ dưỡng theo tiêu chuẩn quốc tế, được thiết kế hướng tới người mua là người nước ngoài đã sẵn sàng tung ra thị trường.
Nhu cầu nhà ở tăng cao
Cũng theo ông Neil Macgregor, với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong 20 năm qua, thì nhu cầu nhà ở của người dân ngày càng tăng cao. Một trong những thay đổi này là tỷ lệ hộ gia đình đã giảm từ 4,7 người/hộ gia đình trong năm 1995 xuống còn 3,6 người/hộ trong năm 2014. Nguyên nhân do thế hệ trẻ trở nên độc lập hơn đã khiến cho hộ gia đình 3 thế hệ giảm đi đáng kể. Điều này đã tạo điều kiện cho thị trường căn hộ chung cư phát triển.
Biểu đồ phát triển nhà ở tại TP Hồ Chí Minh trong 20 năm qua |
Song song đó, thị trường văn phòng, thị trường bán lẻ cũng trở nên đắt đỏ hơn vì cơ chế thị trường. Tuy nhiên, vào cuối năm 2000 thị trường Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều bởi dòng vốn đầu tư nước ngoài suy giảm nên 2 thị trường này cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Hiện Việt Nam có sự bình thường trở lại, tuy nhiên nguồn cầu văn phòng chủ yếu từ các công ty nội địa như nhóm công ty tài chính, bảo hiểm, BĐS. So với các nước lân cận, Việt Nam phát triển chậm hơn trong lĩnh vực này. Nhưng với thị trường bán lẻ thì dòng vốn ngoại lại đầu tư khá mạnh. Nhiều thương hiệu lớn toàn cầu du nhập vào Việt Nam với hình thức nhượng quyền càng khiến cho thị trường này thêm sôi động. Trong tương lai, người tiêu dùng địa phương sẽ có xu hướng sử dụng những dịch vụ đắt đỏ hơn đến từ nước ngoài.
Xu hướng này cũng thể hiện, tầng lớp trunng lưu Việt Nam tăng chóng mặt. Theo Tập đoàn tư vấn Boston (BCG), Việt Nam có sự gia tăng tầng lớp trung lưu nhanh nhất Đông Nam Á, dự kiến tăng lên 33 triệu người cho tới năm 2020, gần gấp 3 lần con số 12 triệu người năm 2012. Với những yếu tố này, BĐS Việt Nam được đánh giá có tiềm lực phát triển mạnh mẽ của khu vực Đông Nam Á, và triển vọng phát triển từ các thị trường mới nổi sẽ thúc đẩy Việt Nam trở thành điểm đến kinh doanh hấp dẫn nhất trong tương lai.
Bài, ảnh: Hải Yên