* Phát triển "logistics xanh"
Ở góc độ quản lý, ông Hà Văn Triều, Đại học Nguyễn Huệ cho biết, các cơ quan nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ cho hoạt động "logistics xanh" của vùng, tránh chồng chéo giữa các bộ, ngành, đặc biệt là các quy định về kiểm soát ô nhiễm không khí, điều chỉnh phát thải khí thải, hạn chế lượng khí CO2 từ các phương tiện vận tải nhằm hạn chế các loại phương tiện trên đường, thúc đẩy các doanh nghiệp lựa chọn các phương tiện đạt tiêu chuẩn về phát thải và tiếng ồn.
Bên cạnh đó, một loạt các quy định, chính sách khác như quy định về bằng cấp, chứng chỉ đào tạo bắt buộc cho người điều khiển phương tiện về tiết kiệm năng lượng, an toàn và xanh hóa môi trường; chính sách quy định về bao bì xanh, rác thải xanh đối với các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh kho hàng. Nếu không có các quy định về kiểm soát ô nhiễm môi trường, việc các doanh nghiệp tự giác triển khai "logistics xanh" sẽ khó thực hiện, vì các doanh nghiệp thường ưu tiên các biện pháp nhằm tối ưu nguồn doanh thu cho doanh nghiệp hơn các phương án thân thiện với môi trường.
Cũng theo ông Hà Văn Triều, nhà nước có chính sách ưu đãi và phù hợp nhằm khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp trong vùng hướng đến phát triển "logistics xanh", đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hỗ trợ nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp logistics về an toàn và tầm quan trọng của việc hoạt động kinh doanh giảm thiểu tác động đến môi trường; áp dụng cơ chế về thuế và luật để tạo động lực và giảm chi phí cho doanh nghiệp như khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng thay thế trong vận tải đường bộ; khuyến khích thay đổi phương thức vận tải theo mô hình vận tải đa phương thức, kiểm soát lượng khí thải nhà kính, kể cả nâng cao nhận thức trong dịch vụ logistics ngược đối với quản lý xử lý chất thải. Nhà nước nên có các chính sách tài chính và phi tài chính ràng buộc các doanh nghiệp kinh doanh, các ngành trong vùng phải thực hiện "logistics xanh".
Cùng quan điểm, bà Đỗ Thị Nga, Đại học Nguyễn Huệ cho rằng, bản thân các doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức về vai trò phát triển "logistics xanh" trong việc tối ưu hóa hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mình. Việc "xanh hóa" chuỗi cung ứng được xem như một phần trong chiến lược đầu tư xanh, giúp doanh nghiệp sử dụng hiệu quả nguồn lực sinh thái tự nhiên, thân thiện với môi trường, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh. Thực hiện tốt hoạt động "logistics xanh" không chỉ là trách nhiệm của doanh nghiệp mà còn giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, đảm bảo phát triển bền vững.
"Đối với các doanh nghiệp chưa có mục tiêu phát triển "logistics xanh", trong chiến lược kinh doanh chung, doanh nghiệp cần nhanh chóng xây dựng, bổ sung chiến lược để phù hợp với định hướng phát triển xanh và bền vững trong hoạt động sản xuất - kinh doanh hiện nay. Đối với các doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư phát triển "logistics xanh", thậm chí đã xác định mục tiêu phát triển "logistics xanh" trong chiến lược của doanh nghiệp, cần thường xuyên rà soát nội dung chiến lược và tình hình thực hiện phát triển để có điều chỉnh phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn", bà Đỗ Thị Nga nhấn mạnh.
* Liên kết vùng
Nghị quyết số 24-NQ/T.Ư của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ phát triển mạnh, đồng bộ hệ thống logistics cấp quốc gia, quốc tế gắn với cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, các trục hành lang kinh tế trọng điểm và tuyến thương mại liên vùng tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh. Cùng với đó, tập trung xây dựng trung tâm logistics hàng không gắn với cảng hàng không quốc tế Long Thành, đầu tư phát triển hệ thống logistics cảng và cảng trung chuyển quốc tế tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh.
Hình thành trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hình thành vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics dọc hành lang Vành đai 3, Vành đai 4 và các tuyến cao tốc của vùng. Phát triển chuỗi công nghiệp - đô thị Mộc Bài - Thành phố Hồ Chí Minh - Cảng Cái Mép - Thị Vải gắn với hành lang kinh tế Xuyên Á. Phát triển các tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp - dịch vụ - đô thị tại thành phố mới Phú Mỹ, thành phố sân bay cửa ngõ quốc tế Long Thành và Khu liên hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ Bình Dương.
Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành kế hoạch phát triển vận tải theo hướng hiện đại, đồng bộ, giảm chi phí và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, hệ thống logistics cấp quốc gia, quốc tế sẽ được phát triển gắn với cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, các trục hành lang kinh tế trọng điểm và tuyến thương mại liên vùng. Bộ sẽ phối hợp, hỗ trợ các địa phương liên quan đầu tư xây dựng trung tâm logistics hàng không gắn với sân bay quốc tế Long Thành, đầu tư phát triển hệ thống logistics cảng tại Bà Rịa - Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt là cảng biển trọng điểm nước sâu tại khu vực Cái Mép - Thị Vải.
Theo chuyên gia Dương Trường Phúc, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với những lợi thế tự nhiên đã nhanh chóng phát triển hoạt động logistics tại các địa phương trọng yếu như Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương… Do đó, liên kết vùng cần được các địa phương nhận diện rõ ràng trong các chính sách phát triển, nhất là tính bền vững. Chính sách liên kết vùng cần tôn trọng và phát huy tiềm năng và lợi thế so sánh của từng địa phương cũng như giải quyết những xung đột lợi ích, không chỉ vì lợi ích của mỗi địa phương mà còn vì lợi ích chung của vùng, của quốc gia.
"Liên kết vùng ngoài giải quyết trở lực lớn nhất của vùng về hạ tầng giao thông còn hỗ trợ chính sách, nguồn lực, cầu logistics và nhân lực. Cụ thể, liên kết vùng thúc đẩy phát triển các chính sách logistics đồng bộ và hợp lý; khai thác hiệu quả và tổng hợp các nguồn lực dành cho phát triển logistics; tăng cường cầu logistics nhờ liên tục mở rộng đối tác tiềm năng; dàn xếp cơ sở hạ tầng logistics giữa các địa phương thành một hệ thống đồng bộ; chuyển dịch nguồn lao động có chất lượng giữa các địa phương làm giảm các áp lực về đào tạo và việc làm", chuyên gia Dương Trường Phúc nhấn mạnh.
Với vai trò là trung tâm kinh tế trọng điểm phía Nam, Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp đạt 15% vào năm 2025 và đạt 20% vào năm 2030, tỷ trọng đóng góp của logistics vào GRDP thành phố đến năm 2025 đạt 10% và đến năm 2030 đạt 12%, góp phần kéo giảm chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia đến năm 2025 còn khoảng 10 - 15%. Để đạt mục tiêu này, thành phố thành lập hệ thống trung tâm dịch vụ logistics ở thành phố Thủ Đức và các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè.
Đồng thời, căn cứ vào nhu cầu của sản xuất, lưu thông hàng hóa trong khu vực và xuất nhập khẩu, trên cơ sở rà soát nguồn quỹ đất, xác định 7 vị trí thành lập các hệ thống trung tâm logistics gồm: Long Bình, Cát Lái, Linh Trung, khu công nghệ cao thuộc thành phố Thủ Đức, Tân Kiên (huyện Bình Chánh), cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) và huyện Củ Chi với tổng diện tích hơn 620 ha. Tổng nhu cầu vốn phát triển ngành logistics giai đoạn này gần 96.000 tỷ đồng. Từ đó, đưa logistics thành ngành dịch vụ mũi nhọn, giúp thành phố nâng cao vai trò đầu mối giao lưu hàng hóa trong nước và kết nối với thị trường quốc tế.
Về kết nối với các địa phương khác, UBND Thành phố Hồ Chí Minh xác định hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối vùng, đặc biệt tập trung hoàn thành đường Vành đai 2 khép kín, khởi công hệ thống đường Vành đai 3 và 4, tuyến Metro số 1, số 2, cầu Cát Lái, cầu Thủ Thiêm để kết nối giao thông thông suốt trong nội đô cũng như giữa thành phố và các địa phương lân cận. Triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài (Tây Ninh), đẩy mạnh tiến độ khởi công tuyến cao tốc này để phát triển kinh tế biên mậu, phát triển du lịch nội địa. Mở rộng các tuyến Quốc lộ 13, Quốc lộ 22, Quốc lộ 50, các tuyến đường kết nối các tỉnh.
Đối với Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh có gần 70 bến cảng được quy hoạch, hiện nay đã có 50 dự án đang hoạt động với tổng công suất thiết kế hơn 150 triệu tấn/năm. Trong số đó có 8 cảng container với công suất trên 8 triệu TEU/năm. Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải là cụm cảng chính của cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu hiện đã có 24 dự án đi vào hoạt động với tổng công suất thiết kế gần 130 triệu tấn/năm, có tiềm năng là cửa ngõ quan trọng không chỉ của Việt Nam mà còn của khu vực Đông Nam Á. Dịch vụ Logistics trên địa bàn tỉnh khá đa dạng, từ vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ khác. Bà Rịa - Vũng Tàu đang tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho giao thông liên cảng và liên vùng.
Cụ thể, tỉnh tập trung triển khai các dự án như đường 991B, cầu Phúc An, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Long Sơn - Chài Mép, đường Phục Hòa - Cái Mép, đường cảng Mỹ Xuân sau Thị Vải; đẩy nhanh tiến độ khởi công xây dựng tuyến đường sắt nối cảng với trung tâm phân phối tại Cái Mép; đẩy mạnh phát triển các dự án cảng thủy nội địa… Tỉnh cũng sẽ xem xét có phương án sớm nạo vét, nâng cấp toàn bộ tuyến kênh theo quy hoạch để đảm bảo độ sâu an toàn cho tàu lớn ra vào cảng; đồng thời tăng cường cải cách thủ tục tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại cảng…
Tại Bình Dương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh cho biết, địa phương đang phát triển ga Sóng Thần thành trung tâm logistics của vùng Đông Nam Bộ. Hiện, năng lực tổng hợp vận chuyển liên vận quốc tế tại ga Sóng Thần đạt gần 1,3 triệu tấn/năm, dự kiến đạt 2,5 triệu tấn năm vào năm 2025. Bộ Giao thông vận tải đang xây dựng và trình Chính phủ "Phương án nâng cao năng lực vận tải liên vận quốc tế đường sắt" với 8 khu ga; quy hoạch ga Sóng Thần trở thành ga trọng điểm hàng hóa phía Nam. Cụ thể, sẽ hình thành 2 tuyến đường sắt: Sóng Thần - Đồng Đăng; Sóng Thần - Lào Cai. Từ đây, hàng hóa bằng đường sắt từ Bình Dương sẽ kết nối với Trung Quốc và các nước trên tuyến vận tải đường sắt Á - Âu.
Ga Sóng Thần có lợi thế đã được cấp mã liên vận, việc Bình Dương sớm hoàn thiện các yêu cầu về mặt bằng và an ninh sẽ phát huy hơn nữa hiệu quả liên vận quốc tế của ga. Đặc biệt, việc làm thủ tục xuất nhập khẩu tại ga sẽ tạo điều kiện thuận lợi rất lớn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.