Kinh tế càng phát triển, nhu cầu năng lượng càng cao. Đối với vùng đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), mục tiêu phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 là xây dựng vùng ĐBSCL trở thành “Trung tâm công nghiệp chế biến nông, thủy sản, công nghiệp điện năng, công nghiệp phụ trợ nông nghiệp” và là “Trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái cảnh quan đặc trưng vùng hạ lưu sông Mê Kông. Để thực hiện mục tiêu này, một loạt các nhà máy nhiệt điện sử sụng than đã đang và sẽ được xây dựng. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, vùng ĐBSCL có tiềm năng lớn nhất cả nước về năng lượng mặt trời, gió... đặc biệt là tiềm năng điện sinh khối.
Bãi thải tro xỉ của nhà máy nhiệt điệt Duyên Hải (Trà Vinh). Nguồn ảnh QĐND |
Ông Steven VonEife, Quản lý chương trình tái tạo năng lượng tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam có nhiều tiềm năng cho năng lượng tái tạo… nhưng chưa phát triển mạnh mẽ do giá năng lượng tái tạo hiện vẫn còn thấp trong khi giá thành đầu tư cho năng lượng tái tạo lại cao hơn so với giá năng lượng khác hiện nay. Hiện Bộ Công Thương đã trình Chính phủ chiến lược phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam; trong đó, có đặt ra các mục tiêu cụ thể là trong điều chỉnh Quy hoạch điện VII cũng tăng tỷ trọng nguồn điện từ năng lượng tái tạo.
Đại diện Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) cho hay, Bộ đã xây dựng cơ chế giá khuyến khích để tạo tín hiệu cho doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này. Hiện nay, Bộ đang hoàn thiện các báo cáo. Thời gian qua, cũng có nhiều văn bản tập trung phát triển năng lượng tái tạo như chiến lược phát triển năng lượng quốc gia. Bộ sẽ phải xây dựng lộ trình và cơ chế để thúc đẩy chương trình này. Hi vọng thời gian tới, cơ chế giá về năng lượng mặt trời được thông qua thì sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch và phát thải khí nhà kính.
Theo ông Phạm Trọng Thực, Vụ trưởng Vụ Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), sự tham gia của năng lượng tái tạo ngoài đáp ứng nhu cầu an ninh năng lượng, còn giúp khai thác nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo rất dồi dào ở Việt Nam. Việt Nam có thể thành lập Quỹ phát triển năng lượng bền vững sử dụng các nguồn từ ngân sách, phí môi trường đối với nhiên liệu hóa thạch. Thứ hai là có chính sách giá điện tốt và đảm bảo hấp dẫn các nhà đầu tư, hoặc chú trọng phát triển cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, ban hành hợp đồng mua bán điện mẫu và có điều khoản Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mua hết sản phẩm từ năng lượng tái tạo…
Cơ chế chính sách giá điện và đảm bảo đầu tư, là điểm nghẽn khi phát triển năng lượng tái tạo hiện nay. Nhiều nhà đầu tư vẫn đang cảm thấy gặp rủi ro cao về tài chính trong đầu tư hay những hạn chế về năng lực chế tạo, lắp đặt và vận hành nên chi phí đầu tư điện mặt trời cao hơn so với đầu tư vào điện đốt than và khí.
Do vậy, các chuyên gia cho rằng, cần có sự ưu tiên trong hình thành, phát triển thị trường, trong quy hoạch và các chính sách ưu đãi và hỗ trợ tài chính để phát triển năng lượng tái tạo. Qua đó, góp phần bảo tồn năng lượng và giảm thiểu ô nhiễm, giảm thiểu biến đổi khí hậu, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế bền vững.