Mô hình ứng dụng công nghệ cao vào trồng thanh long ruột đỏ ở xã Khánh Tiên, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Thùy Dung/TTXVN |
Những năm gần đây có nhiều chính sách liên quan tới vấn đề này được ban hành đã nhận được sự quan tâm chú ý của nhiều đối tượng, ngành nghề, tổ chức trong và ngoài nước.
Những thành quả bước đầu cũng đáng được ghi nhận và khích lệ với sự tham gia của một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Nhưng vì nhiều lí do mà số doanh nghiệp tham gia còn ít cho thấy vẫn còn những hạn chế cần khắc phục và cần có một cú “huých” đủ mạnh để tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Chính sách mở đường Theo Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhằm góp phần thúc đẩy việc phát triển và ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, thu hút các thành phần kinh tế trong xã hội tham gia, tạo cơ sở chuyển nhanh nền nông nghiệp của Việt Nam theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1895/QĐ-TTg ngày 17/12/2012 phê duyệt Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020.
Trên cơ sở này, ngành nông nghiệp xác định phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu hướng chủ đạo và tất yếu trong xu thế hội nhập, là giải pháp mạnh, hiệu quả trong cơ cấu lại nông nghiệp.
Mục tiêu của chương trình là thúc đẩy phát triển và ứng dụng có hiệu quả công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, đạt mức tăng trưởng hàng năm trên 3,5%; đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm quốc gia cả trước mắt và lâu dài.
Trong bối cảnh Việt Nam tham gia hội nhập kinh tế quốc tế và thực thi các Hiệp định mậu dịch tự do đã ký đối với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, nông nghiệp Việt Nam sẽ có điều kiện để tăng trưởng thương mại, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm xuất khẩu, tạo cơ hội việc làm, phát triển sản xuất và tăng thu nhập cho nông dân.
Trang trại chăn nuôi gà, vịt thịt của gia đình Trần Văn Lý, ấp Lễ Trang, xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương mỗi năm nuôi hơn 80.000 con, doanh thu hơn 6 tỷ đồng. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN |
Đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cấp giấy chứng nhận cho 35 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong các lĩnh vực như sản xuất trồng trọt (rau, hoa); chăn nuôi (bò sữa, lợn, gà) và nuôi trồng thủy sản.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp nhưng chưa làm thủ tục thẩm định, công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng dự thảo quyết định sửa đổi, thay thế Quyết định số 69/2010/QĐ-TTg quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng làm rõ các tiêu chí và giao UBND tỉnh thẩm quyền công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Doanh nghiệp lớn chuyển mình Trong thời gian gần đây, đã xuất hiện xu hướng nhiều doanh nghiệp tìm hiểu và đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đang khẳng định thế mạnh và khả năng cạnh tranh vượt trội về năng suất, chất lượng sản phẩm; đồng thời trở thành điểm sáng và là động lực tăng trưởng của nhiều vùng/địa phương.
Theo chuyên gia Võ Trí Thành, nhiều doanh nghiệp, kể cả những công ty lớn, các định chế tài chính, không chỉ ngân hàng mà cả các quỹ đầu tư đã và đang chuyển dịch vốn, đầu tư, kinh doanh sang khu vực nông nghiệp.
“Sự tham gia đồng hành của nhà nước, các nhà khoa học, các tổ chức xã hội… cũng là rất đáng trân trọng và khích lệ”, ông Võ Trí Thành nói.
Cùng với những thương hiệu như Vineco, HAGL, TH, Vinamilk, cũng đã xuất hiện những tên tuổi mới đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao như Công ty Ca cao Intercontinental Coporation (CIC) với hơn 1.000 ha trồng ca cao ứng dụng toàn bộ hệ thống tưới nhỏ giọt của Isarael vào vùng đất cằn cỗi Easup (Đắk Lắk), và Công ty sữa Nutifood đầu tư vào lĩnh vực cà phê, hay Pan Group đầu tư hoa tươi công nghệ cao xuất khẩu đi Nhật.
Chuyên gia đầu ngành ca cao Việt Nam, TS. Phạm Hồng Đức Phước hiện là cố vấn kỹ thuật Công ty Ca cao Intercontinental Coporation cho biết, CIC đã dành hơn một năm cùng các chuyên gia nghiên cứu tìm hiểu các hạn chế về thổ nhưỡng, điều kiện tự nhiên và giải pháp. Để vượt qua điều kiện bất lợi về thời tiết, đất đai, dự án quyết định lựa chọn công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel kết hợp với việc xây dựng hệ thống thoát nước đồng bộ. Tất cả các khâu từ khảo sát, thiết kế, thi công, lắp đặt đều được trực tiếp thực hiện bởi các chuyên gia Israel.
“Có thể khẳng định rằng đây là một trong số rất ít nông trại quy mô lớn trong ngành ca cao thế giới và là trang trại ca cao quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam được áp dụng 100% công nghệ, thiết bị tưới nhỏ giọt của Israel ngay từ giai đoạn kiến thiết cơ bản”, ông Phước chia sẻ.
Sản xuất trong nông nghiệp không đồng bộ
Mặc dù đã đạt được những thành quả nhất định trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhưng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng thừa nhận vẫn còn những hạn chế như tổ chức sản xuất trong nông nghiệp không đồng bộ, giá trị sản xuất nông nghiệp chưa cao, khoa học công nghệ chưa phát huy vai trò là động lực, là đòn bẩy trong sản xuất; các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp còn nhỏ lẻ, phân bố không đồng đều, chưa đảm bảo giảm thiểu được ảnh hưởng của các yếu tố khí hậu bất thuận đến sản xuất nông nghiệp…
Một trong những lý do khiến ngành nông nghiệp chưa tạo nên đột phá trong việc nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp là chưa có nhiều mô hình công nghệ cao trong nông nghiệp có thể áp dụng có hiệu quả cao tại Việt Nam. Số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp cũng còn thấp, đến tháng 9/2016 chỉ có 4.424 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, chiếm dưới 1% tổng số doanh nghiệp cả nước. Khả năng ứng dụng khoa học công nghệ của doanh nghiệp nông, lâm, ngư nghiệp còn thấp, 75% doanh nghiệp đang sử dụng máy móc hết khấu hao.
Vì vậy, tại hội thảo “Tham vấn cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và khuyến khích phát triển doanh nghiệp trong nông nghiệp” được tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, các đơn vị cần tập trung tháo gỡ về cơ chế với mục tiêu là tạo điều kiện hơn nữa để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Việt Nam đang tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất theo chuỗi, sản xuất hàng hóa tập trung. Trong tái cơ cấu, thành tố tổ chức sản xuất mà trụ cột là doanh nghiệp, hợp tác xã và các tổ chức của nông dân là hạt nhân trong chuỗi liên kết. Hội nhập chỉ thành công khi có những doanh nghiệp đầu tàu, có hệ thống tổ chức doanh nghiệp, hợp tác xã.
Theo chuyên gia Võ Trí Thành, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trước hết phải dựa trên tín hiệu thị trường, phản ánh cả nhu cầu và đòi hỏi mới. Sức hấp dẫn với nhà đầu tư, doanh nghiệp chính là ở đây. Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng đáp ứng đòi hỏi mới của người tiêu dùng: sản phẩm phải “xanh”, đảm bảo tiêu chuẩn và hữu ích. Không chỉ sản phẩm mà cả quá trình sản xuất cũng phải “xanh” và thỏa mãn những tiêu chí chất lượng và chuẩn mực được thừa nhận, cam kết.
“Đây là những yếu tố rất quan trọng trong khai thác thị trường nội địa và quốc tế”, ông Thành cho hay.
Ông Thành cũng cho rằng, để thay đổi được thực trạng sản xuất nông nghiệp hiện nay, đem lại lợi ích, giá trị gia tăng cao hơn đối với sản phẩm nông nghiệp thì vẫn cần một cú “huých” mạnh. Ở đây, một trong những điều kiện tiên quyết để hiện thực hóa cú “huých” đó là lấy doanh nghiệp cùng người nông dân giữ vai trò trung tâm và đi vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
“Chỉ có như vậy, sản xuất nông nghiệp mới có thể mang tính liên kết cao giữa các bên liên quan, giữa tất cả các khâu trong chuỗi giá trị, giữa lợi thế so sánh và lợi thế nhờ quy mô và thị trường, đảm bảo chất lượng sản phẩm, qua đó tạo giá trị gia tăng cao”, ông Thành nhấn mạnh.
Bài 2: Gỡ vướng trong cho vay