Gỡ 'nút thắt' vốn cho nông nghiệp công nghệ cao

Ngân hàng Nhà nước đã ban hành chính sách khuyến khích doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao vay vốn để sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, sau gần nửa năm thực hiện chính sách này, vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn.

Hoàn thiện các tiêu chí

Tháng 3/2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết 30/NQ-CP trong đó đề cập đến gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao (CNC) vay vốn. Thực hiện chỉ đạo Chính phủ, ngày 24/4/2017, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Quyết định 813/QĐ-NHNN về chương trình khuyến khích phát triển nông nghiệp CNC, nông nghiệp sạch. Theo đó, các doanh nghiệp nông nghiệp CNC cao được vay vỗn với lãi suất ưu đãi hơn từ 0,5 – 1,5% so với lãi suất trên thị trường.

Tuy nhiên, theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN, số lượng doanh nghiệp (DN) được cấp giấy chứng nhận DN nông nghiệp CNC, ở khu, vùng ứng dụng nông nghiệp CNC còn hạn chế. Do đối tượng hạn chế nên dư nợ cho vay lĩnh vực này chưa thể đẩy nhanh.

"Hiện nay, DN đang tìm hiểu chương trình này nên họ chưa nộp hồ sơ vay vốn và cũng chưa phát sinh vay ngân hàng. Họ còn đối chiếu với tiêu chí nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30. Còn theo phản ánh của các ngân hàng thương mại (NHTM), đây là chương trình mới. Do đó, các NHTM cũng đang hoàn thiện văn bản hướng dẫn đối với chi nhánh trong hệ thống để triển khai chương trình này", bà Hồng cho biết thêm.

Theo ông Lê Văn Tam Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn, nông nghiệp CNC đòi hỏi về vốn và các thủ tục vay vốn cho sản xuất rất lớn. Mặc dù, Chính phủ đã có chủ trương cho vay hỗ trợ lãi suất ưu đãi nhưng việc tiếp cận của doanh nghiệp, nông dân vẫn còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó là tháo gỡ khó khăn lớn nhất hiện nay là vấn đề đất đai manh mún, nhỏ lẻ, phân tán.


Gỡ nút thắt vốn để nông nghiệp công nghệ cao phát triển. Ảnh: Đặng Tuấn-TTXVN

Còn theo bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH, chính quyền cần đơn giản hóa các thủ tục cấp chứng chỉ cho các doanh nghiệp ứng dụng CNC trong nông nghiệp và có các chính sách ưu đãi về thuế quan, các thủ tục pháp lý phù hợp hơn với thực tế.

Hiện nay, cả nước có 3 khu nông nghiệp ứng dụng CNC được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là Hậu Giang, Phú Yên, Bạc Liêu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cũng đã cấp giấy chứng nhận cho 26 DN ứng dụng CNC, trong đó có 9 DN ứng dụng CNC trong lĩnh vực trồng trọt.

Chứng nhận tài sản trên đất

Một vướng mắc trong việc cho vay vốn đối với DN nông nghiệp CNC là tài sản hình thành trên đất nông nghiệp như: nhà kính, nhà lưới, nhà xưởng, trang thiết bị… có giá trị lớn nhưng lại không được chứng nhận để thế chấp vay vốn ngân hàng.

Về vấn đề này, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, tại Nghị quyết 30, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) ban hành hướng dẫn. Đối với lĩnh vực cho vay nông nghiệp CNC và nông nghiệp sạch, xét về rủi ro thì giá trị đầu tư rất lớn. Bên cạnh đó, ở Việt Nam cũng chưa có công cụ phòng ngừa, chính sách bảo hiểm chưa rộng rãi, thị trường tiêu thụ chưa ổn định khiến DN và người dân còn e ngại trong việc đầu tư sản xuất vào lĩnh vực này.

Về vấn đề tài sản hình thành trên đất, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, Bộ cho rằng đầu tư nông nghiệp CNC thì các tài sản trên đất cũng phải đầu tư rất lớn. Bộ TN&MT đã dự thảo thông tư để khẳng định, ghi nhận tài sản đó. Hiện nay, Bộ đang lấy ý kiến của ngành Tư pháp và một số bộ, ngành. Trong thời gian tới sẽ ban hành thông tư hướng dẫn này. Bộ TN&MT đã tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chúng tôi hoàn toàn thống nhất về sự cần thiết này và sẽ trình, ban hành sớm.

Còn theo Bộ trưởng- Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Thủ tướng đã giao cho Bộ NN&PTNT xây dựng tiêu chí xác định DN nông nghiệp CNC, giao Bộ TN&MT đề xuất với Chính phủ sửa các thông tư liên quan đến tài sản đầu tư trên đất thuê, tạo điều kiện cho DN được thế chấp vay vốn, sửa cả vấn đề liên quan đến đất thuê của dân.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã nhận được báo cáo đề xuất của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Nam, của UBND tỉnh Thái Bình, cho các địa phương thí điểm thực hiện việc Nhà nước đứng ra thuê đất của dân, sau đó Nhà nước cho DN thuê lại. Sau đó, yêu cầu các bộ ngành báo cáo tập hợp để báo cáo Bộ Chính trị. Đây là một chủ trương lớn để tháo gỡ cho DN nông nghiệp CNC.
 
H.V/Báo Tin Tức
Lúng túng cho vay gói 100.000 tỷ đồng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao
Lúng túng cho vay gói 100.000 tỷ đồng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Sự ra đời của gói tín dụng 100.000 tỷ đồng từ nguồn vốn huy động của các ngân hàng thương mại để cho vay phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch được cho là một cú huých lớn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng đầu tư, sản xuất. Tuy nhiên, đến nay, việc triển khai nguồn tín dụng này vẫn đang còn nhiều rào cản khiến các ngân hàng chưa triển khai được nhiều.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN