Tuy nhiên, đến nay tỉnh Trà Vinh vẫn chưa tổ chức được sản xuất hàng hóa, đạt chuỗi giá trị cao. Đó là lý do để Trà Vinh đang quyết tâm xây dựng và phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao và đẩy mạnh vào các thị trường xuất khẩu.
Lợi thế từ thiên nhiên
Với điều kiện địa lý ven biển, Trà Vinh là một trong những tỉnh ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có tiềm năng đất đai dồi dào ở cả 2 vùng ngọt và lợ để phát triển trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, nông nghiệp của tỉnh vẫn còn sản xuất nhỏ lẻ, lạc hậu, hiệu quả kinh tế mang lại chưa tương xứng với tiềm năng.
Một trong những lợi thế lớn trong phát triển nông nghiệp của tỉnh Trà Vinh là lúa gạo và các loại cây ăn trái, rau màu. Hiện tỉnh có hơn 180.000 ha đất sản xuất nông nghiệp; trong đó, có 74.000 ha đất sản xuất 3 vụ lúa trong năm, hơn 26.000 ha trồng màu, cây công nghiệp và hơn 35.000 ha nuôi trồng thủy sản.
Theo báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, năm 2018, tổng sản lượng các loại cây trồng đạt hơn 2,8 triệu tấn; trong đó, diện tích lúa trên 223.000 ha, đạt sản lượng 1,26 triệu tấn, với năng suất bình quân đạt 5,6 tấn/ha. Vùng trồng lúa lớn nhất của tỉnh nằm ở các huyện Châu Thành, Trà Cú, Càng Long, Tiểu Cần, Cầu Ngang, Cầu Kè.
Ngoài ra, Trà Vinh còn có khoảng trên 10.000 ha đất giồng cát nằm dọc theo các xã ven biển thuộc các huyện Cầu Ngang, Trà Cú Duyên Hải, thị xã Duyên Hải. Đây là diện tích được bố trí trồng các loại cây cho hiệu quả kinh tế khá cao như: lạc, dưa hấu , bí đỏ,…
Về cây ăn quả, toàn tỉnh Trà Vinh hiện có gần 18.000 ha, sản lượng đạt trên 254.000 tấn, với các loại cây ăn quả chủ lực như: măng cụt, cam, xoài, nhãn, thanh long, bưởi. Đặc biệt, Trà Vinh là tỉnh đứng thứ 2 (sau Bến Tre) ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích trồng dừa nhiều nhất với khoảng 20.650 ha, sản lượng khoảng 250.000 tấn/năm, chiếm khoảng 7% giá trị sản xuất ngành trồng trọt của tỉnh, tập trung nhiều ở các huyện Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Châu Thành, Trà Cú.
Không chỉ cây trồng, Trà Vinh còn có lợi thế lớn về khai thác, nuôi trồng thủy sản nhờ có bờ biển dài hơn 65 km và diện tích đất rừng ngập mặn, vùng nước lợ. Tổng sản lượng thủy sản trong 5 năm gần đây của tỉnh đạt bình quân hơn 200.600 tấn; trong đó sản lượng nuôi trồng chiếm hơn 122.000 tấn.
Bên cạnh đó, những nỗ lực đầu tư cho phát triển sản xuất trong nhiều năm qua đã giúp cho giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp của tỉnh Trà Vinh không ngừng tăng trong 10 năm qua.
Cụ thể, năm 2010 giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp của tỉnh đạt hơn 8.100 tỷ đồng, đến năm 2015, đạt gần 9.200 tỷ đồng. Đến năm 2018 (theo giá so sánh 2010) giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp của tỉnh Trà Vinh đạt trên 27.300 tỷ đồng, tăng 8,44% so với năm 2017.
Cần có cuộc “cách mạng” toàn diện
Dù đã có nhiều nỗ lực tập trung đầu tư để phát nông nghiệp, nhưng tỉnh Trà Vinh vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức như kinh tế nông nghiệp, nông thôn chuyển dịch còn chậm và chưa có sự đột phá toàn điện.
Ông Phạm Minh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh trong giai đoạn 2010 – 2015 chỉ đạt mức tăng trưởng bình quân 2,46 %/năm. Riêng trong 3 năm gần đây, giá trị sản xuất nông nghiệp có sự tăng trưởng khá, đạt mức tăng bình quân trên 6,4 %/năm.
Tuy kinh tế nông nghiệp của Trà Vinh đạt được sự tăng trưởng qua từng năm, nhưng theo nhiều nhà khoa học, chuyên gia đánh giá là chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có của tỉnh. Thị trường tiêu thụ một số sản phẩm nông sản chủ lực còn gặp nhiều khó khăn.
Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, Trường Đại học Nam Cần Thơ, có nhiều nguyên nhân đang là “vật cản” sự phát triển của nông nghiệp Trà Vinh. Trước hết thói quen sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, tính tự phát của nông dân rất cao, thiếu đồng bộ. Việc làm này đưa đến hệ lụy là khó tổ chức sản xuất vùng chuyên canh tập trung, không thuận lợi đưa khoa học công nghệ vào đồng ruộng để tạo ra hàng hóa lớn, đạt năng suất và chất lượng cao để thu hút và nâng tính cạnh tranh trên thị trường.
Tỉnh Trà Vinh quyết tâm xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, nhưng thực trạng quy hoạch cho từng vùng sản xuất cây gì, con gì và đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho sản xuất thiếu kịp thời, không đồng bộ.
Hơn nữa, việc sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa đòi hỏi cần có diện tích đủ lớn, nhưng việc dồn điền đổi thửa lại có không ít nông dân không đồng tình. Từ đó, gây khó tổ chức sản xuất kinh tế tập thể đúng tính chất quy mô của nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất hàng hóa.
Viện trưởng Viện Kinh tế Nông nghiệp hữu cơ Lê Thành cho rằng, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã bộc lộ những bất cập, hạn chế. Đó là, việc chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nhất là ứng dụng công nghệ cao, các kỹ thuật canh tác bền vững, sản xuất gắn kết với thị trường và xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm hàng hóa.
Nhiều mô hình sản xuất của tỉnh có hiệu quả cao, nhưng chậm được đánh giá, nhân rộng. Chuỗi giá trị nông nghiệp theo định hướng thị trường đòi hỏi có những doanh nghiệp lớn dẫn dắt nhưng đây lại điểm hạn chế lớn nhất của tỉnh hiện tại.
Vì thế, tỉnh Trà Vinh cần làm cuộc “cách mạng” toàn diện về từ qui hoạch, phát triển mạnh kinh tế tập thể, ứng dụng khoa học công nghệ, thực thi các chính sách ưu đãi để đón các nhà đầu tư lớn,.. Chỉ có như vậy, tỉnh Trà Vinh mới xóa bỏ không còn dấu vết của phương thức sản xuất lạc hậu, vươn tới nền sản xuất nông nghiệp hiện đại xứng với tiềm năng lợi thế của tỉnh.
Bài 2: Xây dựng nền sản xuất hiện đại