Ngoài tập trung đầu tư về hạ tầng kỹ thuật, tỉnh còn thực thi các cơ chế chính sách ưu đãi thu hút các doanh nghiệp lớn để xây dựng nền sản xuất nông nghiệp hiện đại.
Khuyến khích sản xuất theo công nghệ cao
Đầu năm 2018, tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Đồng Văn Lâm đã khẳng định, việc tiếp tục và đề cao vai trò trách nhiệm của từng địa phương và cán bộ, đảng viên thực hiện Nghị quyết 26 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 7 (khóa X) và là vị trí chiến lược quan trọng, chủ yếu để phát triển kinh – tế xã hội của tỉnh bền vững, ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc phòng.
Tỉnh đã đề ra các mục tiêu quan trọng để phấn đấu tạo bước đột phá từ nay đến năm 2025 như: tốc độ tăng trưởng nông, lâm thủy sản đạt 2,5 – 3 %/năm, phát triển nông nghiệp đi đôi với công nghiệp nông thôn; nâng cao thu nhập cư dân nông thôn cao 1,5 – lần so năm 2018; lao động nông nghiệp còn dưới 35 % lao động xã hội; có 65 % lao động nông thôn được đào tạo nghề,…
Để đạt được các mục tiêu về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đề ra, tỉnh đang tập trung thực thi nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho các thành phần kinh tế tham gia để tạo nguồn lực mạnh mẽ trong thực hiện. Giải pháp được xem là “chìa khóa” để mở rộng cửa cho nông nghiệp đi đến trình độ cao hơn là sự gắn kết nông nghiệp - công nghiệp - khoa học công nghệ.
Cụ thể, tỉnh Trà Vinh đang đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án về công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ chế biến, gồm có: dự án nuôi tôm nước lợ công nghệ cao, quy mô 100 – 200 ha; dự án hợp tác liên kết nuôi tôm sinh thái (tôm – rừng, tôm – lúa) xuất khẩu, quy mô 800 – 1.000 ha; dự án liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ dừa, quy mô 20.000 – 30.000 ha...
Các dự án trọng điểm được kêu gọi đầu tư, ngoài chính sách chung của Trung ương, tỉnh thực hiện ưu đãi và hỗ trợ ở nhiều lĩnh vực như chính sách đất đai; bồi thường, giải phóng mặt bằng; kinh phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật; đầu tư sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp có trong quy hoạch được duyệt nhưng chưa được đầu tư hạ tầng; xây dựng hệ thống xử lý môi trường...
Với những động thái tích cực, bước đầu tỉnh Trà Vinh đã thay đổi về cách nghĩ, cách làm của đại bộ phận nông dân, nâng cao nhận thức về ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, sản xuất sạch để nâng cao giá trị sản phẩm trên thị thị trường.
Cụ thể, tính đến cuối năm 2018, trên địa bàn tỉnh đã có gần 200 hộ nông dân sản xuất gần 200 ha lúa hữu cơ, với mức lợi nhuận hơn 1,5 lần so trồng lúa thường; có 25 tổ hợp tác và 1 hợp tác xã trồng rau an toàn được chứng nhận đủ điều kiện; có 1 tổ hợp tác trồng rau, với 500 tổ viên được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP; có 3 hợp tác xã trồng thanh long ruột đỏ, xoài cát Hòa Lộc, cam sành được chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP; có gần 150 ha nuôi tôm nước lợ siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao cho sản lượng 50 - 55 tấn/ha, lợi nhuận khoảng 2 tỷ đồng/ha.
Động thái tích cực
Cuối tháng 4, với quyết tâm cùng những động thái tích cực, tỉnh Trà Vinh cũng đã thu về được thành quả, với nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp công nghệ cao định hướng thị trường trên nền tảng logistics.
Với sự hỗ trợ kết nối của Viện Kinh tế Nông nghiệp hữu cơ, nhiều doanh nghiệp đã ký hợp tác với tỉnh Trà Vinh thực hiện các dự án sản xuất, chế biến chuyên ngành rau - cũ - quả và đào tạo nông dân trở thành công nhân nông nghiệp,…. Đây được xem là “nền móng” đầu tiên của tỉnh trên con đường xây dựng ngành nông nghiệp hiện đại của tỉnh.
Cụ thể, các doanh nghiệp đã ký kết với tỉnh Trà Vinh 10 bản hợp tác đầu tư về các dự án cung ứng vật tư nông nghiệp, máy móc, giống, phân bón, phát triển vùng trồng theo hợp tác xã, chợ đầu mối, nhà máy chế biến, bán lẻ và xuất khẩu; chuyển giao kỹ thuật, truyền thông…
Đối với dự án nhà máy chế biến rau, củ, quả có quy mô 50 ha được bố trí xây dựng tại Khu Công nghiệp Cổ Chiên, xã Đại Phước, huyện Càng Long, do Công ty Cổ phần Lavifood làm chủ đầu tư. Quy trình sản xuất xử lý trái cây tươi của nhà máy này từ xử lý sản phẩm tươi, đông lạnh, sấy trái cây, cô đặc sản phẩm trái cây, đóng chai, thanh trùng, chần và trụng rau củ đều bằng công nghệ tiên tiến của các nước Nhật Bản, Mỹ, Italy.
Ngoài ra, dự án trang trại nông nghiệp hữu cơ quy mô 17ha tại xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú, do Công ty Cổ phần đầu tư Green Farm làm chủ đầu tư. Dự án xây dựng Trung tâm hỗ trợ nông dân quy mô 16,7ha, tại xã Bình Phú, huyện Càng Long và dự kiến đầu tư thêm 2 trung tâm tại huyện Tiểu Cần, Trà Cú, do Công ty Cổ phần Lavifarm làm chủ đầu tư.
Riêng với dự án Trung tâm hỗ trợ nông dân đã được Công ty cổ phần Lavifood làm lễ động thổ xây dựng vào ngày 26/4. Trung tâm này có các hạng mục chính, như: vườn trồng thực nghiệm 10 ha, tổng sản lượng ước tính khoảng 250 tấn rau củ quả; khu vực siêu thị, khu vực dịch vụ; khu vực sơ chế đóng gói và khu vực kho. Trung tâm hỗ trợ nông dân Lavifarm Trà Vinh còn là nơi tập kết và bao tiêu nông sản cho bà con nông dân trong tỉnh Trà Vinh cả các tỉnh trong khu vực Đồng bằng Cửu Long, dự kiến xây dựng hoàn thành đưa vào hoạt động vào tháng 6/2020.
Ông Đinh Hùng Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Lavifarm cho biết, mục tiêu hàng đầu của trung tâm là đào tạo nông dân trong tỉnh Trà Vinh nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung thành công nhân nông nghiệp.
Viện trưởng Viện Kinh tế Nông nghiệp hữu cơ Lê Thành cho biết, với chuỗi giá trị nông nghiệp công nghệ cao ngành rau – củ - quả định hướng thị trường trên nền tảng logistics, doanh nghiệp sẽ đầu tư, cung ứng vật tư nông nghiệp, máy móc, giống, phân bón, phát triển vùng trồng theo hợp tác xã, chợ đầu mối, nhà máy chế biến, bán lẻ và xuất khẩu, chuyển giao kỹ thuật,… Tham gia chuỗi giá trị nông nghiệp, nông dân được đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu phát triển và chuyển giao khoa học - công nghệ, tri thức mới trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Đặc biệt, mô hình chuỗi giá trị nông nghiệp sẽ mang lại cho tỉnh Trà Vinh ít nhất 1 nhà máy, 5 trung tâm hỗ trợ nông dân. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn hỗ trợ cho tỉnh 100 hợp tác xã; chuyển giao kỹ thuật cho 10.000 nông dân, tạo việc làm 1.000 lao động, giúp nông dân tăng thu nhập ít nhất 35 triệu đồng/người/năm; tăng thu ngân sách địa phương 20 tỷ đồng/năm. Không chỉ vậy, mô hình này còn giải quyết hiệu quả bài toán đầu ra nông sản, phát triển nông nghiệp đồng bộ dựa trên chuỗi giá trị.