Thương mại biên giới (TMBG) đang đứng trước những cơ hội phát triển thuận lợi. Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Trưởng Ban Chỉ đạo TMBG Trung ương, mới đây Ban chỉ đạo đã xây dựng và đề xuất một loạt kế hoạch, nhiệm vụ trong quản lý, thúc đẩy TMBG để đón đầu các cơ hội. Trong đó, sớm trình Chính phủ ban hành các cơ chế mới theo hướng phát huy được ưu thế đặc thù, linh hoạt và hiệu quả của thương mại biên giới; xây dựng Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; đẩy mạnh xây dựng các khu hợp tác kinh tế qua biên giới.
Khởi sắc kinh tế vùng biên
Theo Ban chỉ đạo TMBG Trung ương, Việt Nam có chung đường biên giới đất liền với ba nước Trung Quốc, Lào và Campuchia với chiều dài khoảng 4.600 km. Ðến nay, toàn tuyến có 23 cửa khẩu quốc tế, 27 cửa khẩu chính, 65 cửa khẩu phụ, 21 lối mở và nhiều đường qua lại đang có hoạt động thương mại, đầu tư. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tính từ năm 2008 đến năm 2013 đạt trên 72 tỷ USD và duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định trên 10%/năm. Kim ngạch xuất nhập khẩu, trao đổi hàng hóa qua biên giới luôn chiếm tỷ trọng lớn so với tổng kim ngạch song phương giữa Việt Nam và 3 nước có chung biên giới. Điển hình như tuyến biên giới Việt Nam-Trung Quốc, tỷ trọng này là 30% mỗi năm.
Cửa khẩu Thanh Thủy (Hà Giang) được quy hoạch thành vùng kinh tế động lực của tỉnh. Ảnh: Minh Tâm- TTXVN |
Một trong những cửa khẩu được đánh giá là sôi động là Móng Cái-Quảng Ninh. Tính từ năm 2006 đến giữa năm 2013, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu này đạt 28,17 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 45,3% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu, cảng biển qua địa bàn tỉnh. Kết quả này cho thấy hoạt động thương mại biên giới giữa Quảng Ninh và Trung Quốc đóng vai trò hết sức quan trọng trong chiến lược xuất nhập khẩu nói riêng và phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh nói chung.
Vụ trưởng Vụ Thương mại biên giới và miền núi (Bộ Công Thương), Hoàng Minh Tuấn cho hay: Đến nay, trên cả ba tuyến biên giới có 285 chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu. Hoạt động của mạng lưới chợ biên giới nhìn chung dần đi vào nền nếp, ổn định, tăng trưởng; về cơ bản đáp ứng nhu cầu cư dân biên giới. Bên cạnh đó, có 28 khu kinh tế cửa khẩu (KTCK) do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập. Những năm qua, nhờ nguồn vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương, hạ tầng ở đây có chuyển biến rõ rệt. Các địa phương có khu KTCK trước đây là vùng sâu, vùng xa, kinh tế chậm phát triển đã trở thành trung tâm kinh tế thương mại năng động và là động lực phát triển của vùng biên giới, bảo đảm an ninh quốc phòng biên giới.
Chỉ ra một số tồn tại đặc thù trong công tác quản lý TMBG hiện nay, ông Hoàng Minh Tuấn cho rằng việc quản lý, điều hành chủ yếu vẫn thực hiện theo cơ chế chính sách chung về xuất nhập khẩu nên chưa phát huy được những tiềm năng, lợi thế riêng của loại hình TMBG. Chính sách thương mại các nước có nhiều lúc thay đổi nên hoạt động xuất nhập khẩu, trao đổi hàng hóa bị ảnh hưởng. Tại các cửa khẩu, lối mở, nhìn chung hạ tầng còn hạn chế…. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng TMBG chưa thực sự khởi sắc.
Xây dựng chính sách linh hoạt
Sau gần 5 năm thành lập Ban chỉ đạo TMBG trung ương, đến nay hầu hết các địa phương có biên giới đất liền đều có Ban chỉ đạo cấp tỉnh, về cơ bản đã thống nhất công tác, điều hành hoạt động TMBG toàn quốc cũng như xử lý kịp thời, hiệu quả những vấn đề đặc thù từng tuyến, từng địa phương; bước đầu tổng hợp, đánh giá tình hình thời gian qua và đề xuất, định hướng hoạt động giai đoạn tới. Trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều biến động, cần có những quyết sách điều hành TMBG đủ mạnh, mang tính chủ động, phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội đất nước và chủ trương chủ động hội nhập của Ðảng và Nhà nước.
Trung tâm thương mại Mộc Bài, Tây Ninh là nơi thu hút nhiều du khách mua sắm. Ảnh: Kim Phương - TTXVN |
Không ít ý kiến cho rằng đã đến lúc cần có sự phân định rạch ròi hoạt động TMBG với hoạt động chính thống, từ đó tách bạch cơ chế quản lý, điều hành để vừa quản lý chặt chẽ hoạt động xuất nhập khẩu vừa đảm bảo sự linh hoạt, đặc thù của hoạt động thương mại biên giới. Đồng thời, rà soát, bổ sung kịp thời các chính sách, cơ chế phù hợp như nâng định mức miễn thuế nhập khẩu hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới phù hợp với từng tuyến. Bên cạnh đó, cần có chính sách thanh toán đảm bảo an toàn, hiệu quả, hạn chế rủi ro theo hướng khuyến khích thanh toán qua ngân hàng và ưu đãi thanh toán bằng VND; nghiên cứu áp dụng chính sách quản lý đối với hoạt động mua gom hàng hóa của cư dân biên giới với các quy định về điều kiện thương nhân mua gom, thu thuế và các biện pháp quản lý khác.
Nhằm phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động TMBG, ông Nguyễn Văn Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đề xuất, nên sớm có cơ chế chính sách điều hành linh hoạt hơn đối với hoạt động TMBG cho phù hợp với thực tiễn quản lý của địa phương, như mở rộng thêm danh mục hàng hóa được tạm nhập xuất, chuyển khẩu, tăng thêm thời gian gửi hàng tại cửa khẩu ngoại quan. Ông Bình cũng kiến nghị phân cấp thẩm quyền quản lý trong công tác điều hành xuất nhập khẩu mạnh hơn nữa cho địa phương, nhằm ứng phó linh hoạt đối với những thay đổi chính sách biên mậu của nước láng giềng, thúc đẩy tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng nguồn thu ngân sách. Mặt khác, cần phải có cơ chế chính sách đặc thù riêng với chợ trong khu vực biên giới.
Theo đại diện Bộ Quốc phòng, với nhu cầu hàng hóa, nhu cầu thị trường và yêu cầu phát triển của doanh nghiệp cấp thiết như hiện nay thì rất cần có cơ chế điều hành chỉ đạo thống nhất. Do đó, Ban Chỉ đạo hoạt động TMBG cần tập trung chỉ đạo việc thu thập thông tin nhanh, chính xác về nhu cầu thị trường, gồm danh mục hàng hóa, giá cả, những khó khăn, vướng mắc của thị trường và đồng thời tổng hợp, đánh giá, dự báo thị trường. Cơ chế, chính sách điều hành hoạt động TMBG phải chặt chẽ, thống nhất từ trung ương đến cơ sở và phát huy tốt nguồn ngân sách địa phương để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại khu vực biên giới.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định: Tới đây Ban chỉ đạo TMBG trung ương sẽ chủ động rà soát, đàm phán với các nước chung biên giới xây dựng, ký kết các hiệp định về thương mại, thương mại hàng hóa và dịch vụ qua biên giới và các hiệp định khác liên quan đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Đồng thời xây dựng chiến lược quy hoạch, kế hoạch hợp tác phát triển TMBG giữa nước ta với các nước chung biên giới và các hiệp định khác liên quan đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Cùng với đó là thể chế hóa các nội dung quản lý nhà nước về TMBG bằng các văn bản pháp quy thích hợp với trình độ phát triển kinh tế đất nước và phù hợp luật pháp, thông lệ quốc tế.
Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, trước mắt Ban chỉ đạo TMBG Trung ương kiến nghị Chính phủ cho phép sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước nâng cấp chợ biên giới thí điểm Ðim Ðăm (tỉnh Xiêng Khoảng, Lào) và khẩn trương triển khai xây dựng thí điểm chợ biên giới Việt Nam - Campuchia (tỉnh Kampong Cham, Campuchia) theo thỏa thuận với Chính phủ hai nước. Ngoài ra, Ban chỉ đạo sẽ chủ động phối hợp với phía bạn nghiên cứu xây dựng Quy chế quản lý chợ biên giới thí điểm chung nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của đồng bào hai bên biên giới.
Uyên Hương