Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương cho biết, báo cáo của các địa phương và doanh nghiệp cho thấy việc lưu thông, vận chuyển hàng hàng hóa, nhất là các mặt hàng nông sản và lương thực thực phẩm trong 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam cơ bản thuận lợi. Giao thông hàng hóa liên tỉnh tại miền Tây và miền Đông Nam bộ tương đối thông thoáng.
Theo đó, thành viên Tổ công tác Bộ Công Thương đề xuất tăng cường lực lượng lái xe phản ứng nhanh phục vụ vận chuyển hàng thiết yếu liên tỉnh, nhân rộng các mô hình bán hàng lưu động sử dụng taxi, xe tải nhẹ, xe buýt tới các khu vực có nhu cầu.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ nhấn mạnh: Bộ Giao thông vận tải luôn quan tâm đến khâu vận chuyển hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu.
Cùng với đó, Bộ Giao thông vận tải tạo thuận lợi bằng cách không yêu cầu dừng kiểm soát những xe được nhận diện phương tiện ưu tiên vận chuyển hàng hóa thiết yếu trong 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam mà chỉ kiểm soát ở điểm cuối và điểm đầu xuất phát. Vì vậy, ở điểm đầu thì trước khi lên xe phải xem giấy xét nghiệm, còn ở điểm cuối phải kiểm tra vào khu vực cảng, bến xe chặt chẽ.
Ngoài ra, tại khu vực nội đô của TP Hồ Chí Minh, Bộ Giao thông vận tải cũng đã chỉ đạo sử dụng lực lượng taxi để vận chuyển hàng hóa thiết yếu, mang lại hiệu quả tốt. Đây cũng là kinh nghiệm cần nhân rộng để áp dụng trong thực tiễn vì số lượng xe tải nhẹ trong thành phố tại thời điểm này hạn chế.
Kết thúc buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải và Thứ trưởng Lê Đình Thọ thống nhất đầu mối liên lạc, phương thức phối kết hợp giữa hai Tổ công tác nhằm giải quyết nhanh các vấn đề ách tắc, khó khăn liên quan đến phân phối hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu để đáp ứng tối đa nhu cầu của người dân trong vùng dịch.
Cùng ngày, Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương đã làm việc với Hệ thống Bách Hóa Xanh về vấn đề cung ứng hàng hóa và việc tuân thủ các quy định trong kinh doanh.
Báo cáo với Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương, ông Trần Kinh Doanh - Tổng giám đốc Hệ thống Bách Hóa Xanh cho biết: Bách Hóa Xanh là một hệ thống siêu thị mini, hiện có gần 2.000 điểm bán hàng trải dài trên 24 tỉnh phía Nam với lực lượng lao động 20 nghìn người và 560 cửa hàng tại TP Hồ Chí Minh.
Đáng lưu ý, lượng hàng hóa luân chuyển qua hệ thống của Bách Hóa Xanh từ 1.300 - 1.500 tấn/ngày, gồm thực phẩm tươi sống và những hàng hóa thiết yếu khác. Gần đây, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và một số kênh phân phối khác bị hạn chế, lưu lượng hàng hóa qua hệ thống Bách Hóa Xanh tăng lên gấp đôi, từ 2.000 - 3.000 tấn/ngày.
Liên quan đến việc giá các mặt hàng tại hệ thống Bách Hóa Xanh tăng, ông Trần Kinh Doanh cho biết, mỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh có từ 3.000 - 5.000 mã sản phẩm khác nhau, phần lớn trong số hàng hóa này giá không tăng lên.
Trong những ngày đầu áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, do áp lực giá cả đầu vào, cung ứng, vận chuyển hàng hóa… nên một số mặt hàng có tăng so với bình thường, nhưng gần đây giá cả đã dần ổn định trở lại.
Trong lúc áp lực cầu thị trường tăng cao, khối lượng công việc lớn thì sai sót khó tránh khỏi và Bách hoá Xanh đã khắc phục, đưa ra thông điệp là hoàn trả mọi chênh lệch về thiệt hại, đền khách hàng thêm 100.000 đồng/lần mua hàng.
Ngoài ra, Bách Hóa Xanh cam kết trong thời gian tới hệ thống sẽ tuân thủ nghiêm theo các quy định và cố gắng ở mức cao nhất để cung ứng hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân.
Tại buổi làm việc, Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương đã chỉ ra một số vi phạm của hệ thống Bách Hóa Xanh như niêm yết giá, tính giá nhầm… và phải khắc phục ngay vì theo quy định có sai phạm sẽ xử lý.
Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo Bách Hóa Xanh và ý kiến của thành viên Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải ghi nhận những đóng góp của hệ thống Bách Hóa Xanh trong việc tham gia vào các chương trình bình ổn, kết nối thị trường.
Hơn nữa, doanh nghiệp cũng rất tích cực đảm bảo cung ứng hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa thiết yếu trong bối cảnh các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam áp dụng Chỉ thị 16. Tuy nhiên, gần đây hệ thống Bách Hóa Xanh đã có những vi phạm trong hoạt động kinh doanh và với trách nhiệm quyền hạn được giao, Bộ Công Thương đã nhắc nhở, xử lý doanh nghiệp này theo đúng các quy định hiện hành.
Nhận định thị trường cung ứng hàng hóa trong giai đoạn tới sẽ có những diễn biến phức tạp do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải yêu cầu hệ thống Bách Hóa Xanh tăng cường nguồn hàng, tăng việc bán hàng lưu động, nhất là những hàng hóa thiết yếu để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Mặt khác, doanh nghiệp quan tâm đến vấn đề tiêu thụ nông sản, đặc biệt nông sản đến thời vụ để hỗ trợ nông dân, nhà sản xuất.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng đề nghị hệ thống Bách Hóa Xanh hài hòa lợi ích giữa kinh doanh với việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản, cung ứng hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân.
Trong quá trình kinh doanh, cung ứng hàng hóa nếu phát sinh vướng mắc, doanh nghiệp thông báo cho địa phương và Bộ Công Thương để có sự phối hợp, tháo gỡ kịp thời.