Tỉnh Phú Yên kiến nghị các cơ quan Trung ương cho phép thực hiện các thủ tục chấm dứt hình thức BOT; thanh toán chi phí cho nhà đầu tư bằng ngân sách địa phương.
Cầu An Hải có điểm đầu (km15+00) - điểm cuối (km16+00), tổng chiều dài 1km. Phần cầu gồm 5 nhịp bê tông cốt thép dự ứng lực, mỗi nhịp dài 33m, khổ cầu 9m; phần đường dẫn là đường cấp 4, nền đường rộng 9m, mặt đường rộng 6m, kết cấu mặt đường bằng bê tông nhựa. Dự án cầu An Hải được thực hiện đầu tư theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT). Nhà đầu tư Công ty cổ phần Xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình; doanh nghiệp dự án Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Hòa Yên.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho dự án cầu An Hải với tổng vốn đầu tư: 33,039 tỷ đồng. Phương án hoàn vốn cho nhà đầu tư là thu phí với thời gian 30 năm và phần còn thiếu sẽ trả cho nhà đầu tư bằng việc khấu trừ tiến thuê đất tại một dự án khác. Dự án được triển khai thực hiện từ tháng 3/2008, hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 9/2013.
Cầu An Hải nằm trên trục giao thông ven biển cũng là tuyến đường “độc đạo” nối liền các xã thuộc vùng kinh tế khó khăn, khu vực bãi ngang ven biển (các xã An Ninh Đông, An Ninh Tây, An Hòa Hải của huyện Tuy An). Đời sống nhân dân khu vực này còn nhiều khó khăn, nếu thu phí sẽ gây sự phản ứng trong nhân dân. Sau khi công trình hoàn thành, lưu lượng phương tiện qua cầu An Hải thấp nên vần đề đảm bảo doanh thu cho nhà đầu tư khó khả thi.
Từ những khó khăn trên, nhà đầu tư đã không xây dựng trạm thu phí, không thực hiện thu phí mà bàn giao công trình cho tỉnh Phú Yên quản lý, khai thác, sử dụng cho đến nay. Theo báo cáo của nhà đầu tư qua kiểm toán nội bộ tạm xác định giá trị công trình khoảng 40 tỷ đồng. Tuy nhiên, do việc thực hiện các thủ tục theo hướng chấm dứt hợp đồng, thanh toán cho nhà đầu tư còn vướng mắc nên đến nay chưa thực hiện quyết toán.
Theo ông Võ Đình Tiến, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Yên, đây là công trình đầu tiên mà tỉnh thực hiện theo hình thức BOT. Các cơ quan chuyên môn của tỉnh và nhà đầu tư chưa lường hết, đánh giá hết những vướng mắc bất cập, nhất là tác động đối với người dân, người sử dụng dịch vụ. Sau khi công trình hoàn thành, nhà đầu tư gặp khó khăn, chưa có điều kiện thực hiện dự án khác để khấu trừ một phần tiền thuê đất vào dự án BOT. Chính vì thế đến nay không thể thực hiện thu hồi vốn theo phương án đã ký kết.
Tỉnh Phú Yên kiến nghị cấp có thẩm quyền thống nhất cho phép chấm dứt hoạt động dự án và thanh toán cho nhà đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh. Giá trị thanh toán, quyết toán công trình được thực hiện theo quy định; không tính lợi nhuận nhà đầu tư, chi phí lãi vay. Bên cạnh đó, các cơ quan Trung ương cần có hướng dẫn tỉnh Phú Yên về trình tự, thủ tục vì việc chấm dứt hoạt động dự án và thanh toán cho nhà đầu tư bằng vốn nhà nước chưa có quy định chi tiết.