Ổ dịch xuất hiện tại hộ chăn nuôi của gia đình bà Nguyễn Thị Thành (thôn Tân An, xã EaBar, huyện Sông Hinh). Tổng đàn lợn có 31 con gồm 3 lợn nái; 14 lợn thịt khoảng 30kg/con còn lại là lợn con từ 1 ngày tuổi đến hơn 1 tháng tuổi.
Lợn phát bệnh từ ngày 11/6/2019. Lợn mắc bệnh có biểu hiện: bỏ ăn, sốt cao, táo bón, nước tiểu màu đỏ, đi đứng xiêu vẹo, trên da có tím tái… Từ những biểu hiện nêu trên cán bộ thú y đã lấy 5 mẫu máu lợn bệnh gửi Chi cục Chăn nuôi và Thú y vùng IV xét nghiệm. Kết quả, dương tính với vi rút gây bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Sau khi có biểu hiện lợn bị bệnh, hộ gia đình đã tự tiêu hủy 21 con. Số còn lại được cán bộ thú y tổ chức tiêu hủy ngay sau khi có kết luận lợn mắc bệnh. Toàn bộ khu vực chuồng nuôi có bệnh tả lợn châu Phi đã được rắc vôi bột và tiêu độc, khử trùng mỗi ngày 01 lần bằng thuốc sát trùng Iodine. Bắt đầu từ ngày 16/6/2019, các hộ chăn nuôi ở lân cận và toàn xã EaBar đã được tiến hành tiêu độc, khử trùng.
Ông Đào Lý Nhĩ cho biết thêm, đàn lợn nhiễm bệnh có nguồn gốc tại chỗ, sử dụng thức ăn tổng hợp, tuyến đường có ít phương tiện giao thông qua lại. Do đó, đến nay chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh. Khả năng dịch có thể lây lan ra khu vực xung quanh là thấp vì xã EaBar có tổng đàn lợn với số lượng thấp. Đối với công tác phòng, chống bệnh, ngay sau khi có dịch, đã tiến hành lập thêm 02 chốt kiểm dịch tạm thời kiểm soát đường ra, đường vào.
Đàn lợn của huyện Sông Hinh hiện có trên 24 nghìn con. Trước tình hình trên, UBND huyện đã có công văn khẩn chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi tại địa bàn.
Ông Đinh Ngọc Dạn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh cho biết, UBND huyện đã rất quyết liệt trong công tác phòng chống dịch bệnh; trách nhiệm các địa phương là xây dựng các kế hoạch phòng, chống dịch ở từng địa bàn của mình; tăng cường vận động người dân tham gia phòng chống dịch. Ví dụ như: không sử dụng các thức ăn thừa từ các nhà hàng để cho chăn nuôi; không giết mổ những động vật bệnh để rồi lây lan dịch bệnh; không để nhập nguồn lợn không rõ nguồn gốc.
Các cơ quan chức năng của tỉnh Phú Yên cũng khuyến cáo người chăn nuôi nên thận trọng trong công tác phòng bệnh; không dấu dịch để tránh tình trạng lây lan ra diện rộng. Đối việc tái đàn chăn nuôi lợn trong thời điểm hiện nay là không nên mà cần chuyển sang chăn nuôi gà hoặc trâu bò…
Như vậy, Phú Yên là tỉnh thứ 58 trong cả nước xuất xuất hiện dịch tả lợn châu Phi.