Dù không phải là những cơ quan có thể quyết định chính sách tiền tệ hay tài khóa của thế giới, nhưng những nhận định về thách thức trong ngắn hạn, dài hạn và trung hạn đối với nền kinh tế mà WB và IMF đưa ra sẽ đóng vai trò như kim chỉ nam cho hành động toàn cầu.
Hội nghị lần này mở đầu với lời kêu gọi tăng cường hỗ trợ các quốc gia nghèo nhất ứng phó với những tác động khắc nghiệt của đại dịch COVID-19 để đảm bảo cả hệ thống kinh tế toàn cầu cùng tăng trưởng trở lại một cách vững chắc. Cùng với đó, cả hai tổ chức tài chính hàng đầu thế giới đều cảnh báo về những “vết sẹo lớn” mà đại dịch sẽ để lại trong nhiều năm tới, đồng thời kêu gọi thế giới đoàn kết với những biện pháp đồng bộ, đột phá nhưng cần cẩn trọng và ưu tiên mục tiêu hồi phục bền vững.
Như nhận định của Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva, hơn 9 tháng qua, thế giới vẫn đang nỗ lực không ngừng để xua đi bóng đen từ cuộc khủng hoảng đại dịch đã khiến hơn 1,1 triệu người tử vong, đảo ngược xu hướng tăng trưởng kinh tế, kéo các chỉ số thất nghiệp tăng vọt, đẩy thêm nhiều người vào tình trạng nghèo khó. Đó là chưa kể, đại dịch còn dẫn tới nguy cơ hình thành “một thế hệ mất phương hướng” ở những quốc gia thu nhập thấp.
Trong dự báo mới nhất, IMF cho rằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới sẽ giảm 4,4% trong năm nay, ít hơn dự báo giảm 5,2% đưa ra hồi tháng 6. Tuy nhiên, triển vọng kinh tế toàn cầu trong dự báo mới của IMF vẫn ở mức thấp hơn đáng kể so với thời kỳ trước dịch bệnh, và tổ chức này cũng nhận định tác động thậm chí còn tiếp tục kéo dài thêm vài năm nữa.
Báo cáo của IMF nhấn mạnh kể cả khi cuộc khủng hoảng trước mắt qua đi thì hầu hết các nền kinh tế sẽ đều hứng chịu những tổn thất lâu dài về năng lực cung ứng. Chuyên gia phân tích của Bloomberg Moohamed A. El-Erian lưu ý đại dịch không chỉ tạo nguy cơ ảnh hưởng tới các hoạt động kinh tế do những biện pháp hạn chế, mà điều đáng ngại và có tác động lâu dài hơn chính là nguy cơ gây ra tâm lý e ngại ở phần lớn các hộ gia đình, những người tiêu dùng đối với việc tiếp xúc trực tiếp, một phần quan trọng trong hoạt động kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ như giải trí, du lịch và lưu trú.
Trong khi đó, WB cũng cảnh báo khoảng 150 triệu người có thể bị đẩy vào tình trạng nghèo cùng cực vào năm 2021, đánh dấu lần đầu tiên trong 2 thập niên qua, tình trạng này gia tăng. Mặt khác, cuộc khủng hoảng này sẽ khiến tình trạng bất bình đẳng trở nên sâu sắc hơn, đặc biệt với phụ nữ. Chuyên gia Moohamed A. El-Erian cảnh báo tình trạng bất bình đẳng gia tăng một cách đáng lo ngại cả trong phạm vi mỗi quốc gia và trên toàn cầu, trong các lĩnh vực như thu nhập và tài sản, kéo theo đó chắc chắn là những bất công nghiêm trọng có thể cản trở cơ hội phát triển của mỗi cá nhân và quốc gia.
Cũng tại hội nghị lần này, IMF và WB đều đánh giá cao những phản ứng “quy mô lớn, nhanh chóng và chưa từng có tiền lệ” của các chính phủ và các ngân hàng trung ương đã giúp kiềm chế đà suy giảm kinh tế năm 2020, nhưng cũng cảnh báo các chính phủ tránh rút các biện pháp hỗ trợ quá sớm. Trong thời gian tới, IMF và WB nhận định tình hình dịch bệnh sẽ vẫn là yếu tố chủ chốt quyết định tương lai phục hồi kinh tế. Nếu cuộc khủng hoảng y tế còn kéo dài, sẽ có thêm hàng triệu người mất việc làm.
IMF dựng lên 2 kịch bản kinh tế thế giới dựa theo những chiều hướng trái ngược của cuộc chiến chống COVID-19. Theo kịch bản thứ nhất, nếu cuộc chiến chống COVID-19 tiếp tục khó khăn hơn dự kiến, buộc các chính phủ phải tăng cường các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan, thì hoạt động kinh tế sẽ tiếp tục bị kìm hãm, trong đó các nền kinh tế mới nổi chịu tác động mạnh gấp đôi so với các quốc gia phát triển. Và khi những nỗ lực tìm kiếm đột phá trong phát triển vaccine phòng bệnh và phương pháp điều trị COVID-19 vẫn "giậm chân tại chỗ", thì việc tiếp tục hạn chế tiếp xúc là điều không thể tránh khỏi, đẩy các hoạt động kinh tế trong những lĩnh vực cần tiếp xúc nhiều "lao dốc", kéo theo những tác động liên ứng sang những ngành nghề khác.
Kịch bản thứ hai là khi cuộc chiến với COVID-19 dần “dễ thở hơn” so với lo ngại, thì các chỉ số tăng trưởng kinh tế từ năm 2021-2023 đều sẽ cải thiện. Việc thế giới đạt những tiến triển nhanh chóng trong điều trị và phòng ngừa COVID-19 sẽ giúp cải thiện lòng tin tiêu dùng, đưa các lĩnh vực chịu tác động mạnh nhất bật tăng trở lại nhanh chóng hơn và kích thích chi tiêu trong toàn bộ các lĩnh vực kinh tế.
Khi dịch COVID-19 vẫn là vấn đề “ngoài tầm kiểm soát”, Tổng Giám đốc IMF cảnh báo tất cả các quốc gia hiện đang đối mặt với một “chặng lội ngược dòng dài hơi” tìm cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng, một chặng đường “khó khăn, nhiều bất trắc, và rất dễ tụt lùi”. Trong bối cảnh đó, nhà kinh tế trưởng của IMF Gita Gopinath khuyến cáo các chính phủ cần duy trì các biện pháp hỗ trợ tài khóa và tiền tệ, đặc biệt khi những “nguy cơ lớn bất thường” vẫn phủ bóng triển vọng kinh tế toàn cầu. Theo bà, đây là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái, vì vậy cần những đột phá quan trọng trong chính sách ở cả các cấp độ quốc gia và quốc tế, để kinh tế có thể phục hồi.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc IMF cho rằng "kinh tế chỉ có thể phục hồi bền vững khi dịch bệnh bị đẩy lùi ở tất cả mọi nơi”. Cả IMF và WB đều nhất trí rằng một trong những yếu tố quan trọng giúp quyết định phần thắng trong cuộc chiến này là hợp tác toàn cầu trong phát triển và phân phối vaccine phòng bệnh. Khi thế giới hợp tác tốt trong phát triển vaccine, tốc độ phục hồi kinh tế cũng sẽ được đẩy mạnh, tạo ra thêm 9.000 tỷ USD thu nhập toàn cầu vào năm 2025. Và chính việc phân bổ đồng đều và công bằng vaccine trên toàn thế giới, ở cả các quốc gia đang phát triển và các nước giàu, sẽ là yếu tố giúp củng cố lòng tin trong các lĩnh vực như du lịch, đầu tư thương mại và nhiều hoạt động khác.
Như lời Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, nếu thiếu đoàn kết và phối hợp hành động, thì “một con siêu virus" cũng có thể khiến hàng triệu người trên thế giới rơi vào cảnh nghèo đói và gây ra những tác hại kinh tế nghiêm trọng trong dài hạn. Trong bối cảnh đại dịch vẫn chưa được khống chế như hiện nay, hợp tác để đảm bảo tiếp cận vaccine và phương pháp điều trị COVID-19 đồng đều với giá cả phải chăng được xem là chìa khóa giúp nền kinh tế thế giới giảm thiểu “những vết sẹo lâu dài” mà đại dịch để lại.