Phó Tổng Giám đốc PV Power Nguyễn Duy Giang cho biết, nguồn vốn đầu tư sẽ được giải ngân trong 5 năm từ 2019-2024.
Trong tổng vốn đầu tư này, PV Power có khoảng 30% là vốn chủ sở hữu được lấy từ quỹ đầu tư phát triển tập trung, lợi nhuận sau thuế và một số nguồn khác của PV Power.
Còn lại 1,1 tỷ USD, PV Power định hướng thu xếp vốn theo 2 hướng là vay của các ngân hàng thương mại trong nước và vay của các tổ chức tín dụng và định chế tài chính quốc tế.
Theo ông Giang, với định hướng thu xếp vốn như vậy, PV Power thời gian qua đã làm việc với các ngân hàng thương mại trong nước và đã nhận được cam kết cho vay vốn từ 7 ngân hàng với 25.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, PV Power cũng đã tiếp xúc với các định chế tài chính của châu Âu, Nhật Bản, WB, ADB và một số nước trong khu vực. Các cuộc tiếp xúc này đã nhận được tín hiệu tích cực ngay cả trong điều kiện Chính phủ và Bộ Tài chính không đứng ra bảo lãnh vay vốn thì PV Power vẫn có thể thu xếp được khoảng 400 triệu USD (tương đương 9.000 tỷ đồng). Điều này đồng nghĩa với việc PV Power có thể cân đối đủ vốn cho 2 dự án nhiệt điện Nhơn Trạch 3&4, ông Giang cho biết.
Trước đó, ngày 27/2/2019, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 234/QĐ-TTg về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Dự án Nhiệt điện khí Nhơn Trạch 3&4.
Đây là mốc quan trọng để PV Power có thể triển khai các bước tiếp theo như lập Báo cáo nghiên cứu khả thi (FS), lập hồ sơ mời thầu EPC và tiến tới khởi công vào năm 2020 nhằm kịp tiến độ phát điện vào cuối năm 2022, góp phần chống thiếu điện cho khu vực miền Nam.
Dự án Nhiệt điện khí Nhơn Trạch 3&4 được đầu tư theo công nghệ tuabin khí chu trình hỗn hợp, sử dụng nhiên liệu khí thiên nhiên hoá lỏng LNG nhập khẩu đầu tiên tại Việt Nam
Dự án có tổng công suất lắp đặt 2 nhà máy dự kiến 1.500 MW được xây dựng tại Khu công nghiệp Ông Kèo (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) nhằm đảm bảo điện cho 3 khu vực phụ tải lớn là Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu trong bối cảnh nhu cầu phụ tải tăng cao nhưng lại thiếu hụt công suất tại khu vực miền Nam.