"Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) không đầu tư trực tiếp vào các dự án đầu tư kinh doanh bất động sản, không dùng vốn dành cho các hoạt động dầu khí để đầu tư kinh doanh bất động sản trong ngành". Lãnh đạo PVN đã khẳng định như trên trong công văn gửi Văn phòng Chính phủ sau khi ngày 7/4/2011 có báo đã đăng bài cho rằng vốn của PVN đang "chảy vào bất động sản".
PVN cho biết: Theo quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn PVN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì ngoài nhiệm vụ sản xuất kinh doanh chính, tập đoàn được đầu tư, kinh doanh bất động sản (ngành nghề có liên quan). Tuy nhiên, hiện nay Công ty mẹ - Tập đoàn PVN - không trực tiếp đầu tư và kinh doanh bất động sản. Trong PVN hiện nay chỉ có một đơn vị thành viên duy nhất thực hiện chức năng đầu tư và kinh doanh bất động sản là Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC). PVN hiện đang nắm giữ 41,21% vốn điều lệ của PVC và PVN đã có chủ trương tiếp tục thực hiện giảm tỷ lệ nắm vốn trong PVC xuống còn dưới 30%.
Theo PVN, trong khoảng thời gian năm 2006, 2007 thực hiện chiến lược phát triển các tập đoàn kinh tế kinh doanh đa ngành, trong bối cảnh nền kinh tế đang phát triển, đồng thời thực hiện một số cam kết hợp tác của PVN với các địa phương về phát triển kinh tế địa phương, hoặc với mục đích đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, nhà ở CB, CNV, một số đơn vị thành viên của PVN đã đầu tư vào một số dự án bất động sản hoặc doanh nghiệp thuộc lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên việc đầu tư này của các đơn vị phần lớn không làm ảnh hưởng đến lĩnh vực kinh doanh chính của mình và không dùng nguồn vốn của Nhà nước dành cho hoạt động dầu khí cũng như phát triển công nghiệp dầu khí để đầu tư.
Trước những khó khăn của nền kinh tế trong nước, quốc tế trong giai đoạn khủng hoảng vừa qua, để tập trung nguồn lực và phát huy thế mạnh của ngành dầu khí và nâng cao tính chuyên nghiệp, chuyên môn hoá của từng đơn vị thành viên, bắt đầu từ năm 2008, PVN đã triển khai công tác tái cấu trúc doanh nghiệp theo hướng sắp xếp các đơn vị tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính và lĩnh vực sản xuất, kinh doanh liên quan vào một đầu mối. Thực hiện chủ trương đó, những đơn vị hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc có dự án bất động sản hoặc vốn góp vào doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đã và đang thực hiện chuyển nhượng lại các dự án hoặc các khoản đầu tư tài chính cho Tổng công ty PVC.
Hiện nay, theo số liệu thống kê, trong Tập đoàn Dầu khí VN chỉ có PVC là có chức năng kinh doanh bất động sản. PVC hiện có 16 công ty con, trong đó có 5 công ty thực hiện kinh doanh bất động sản. Việc PVC đầu tư vào các các công ty còn lại (với tỷ lệ vốn góp dưới 20% và không chi phối) có dự án bất động sản do bài báo nêu chỉ là các khoản đầu tư tài chính của PVC vào các doanh nghịêp có ngành nghề tương tự. Các đơn vị này không phải là đơn vị thành viên của PVN.
Lãnh đạo PVN cho biết: Để tập trung mọi nguồn lực vào nhiệm vụ sản xuất kinh doanh chính của các đơn vị thành viên, trong thời gian qua, PVN đã chỉ đạo các đơn vị thành viên không được cùng tham gia góp vốn vào một doanh nghiệp và vào lĩnh vực không phải nhiệm vụ chính, tuy nhiên cho đến nay vẫn còn tồn tại một số đơn vị có vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong ngành. Đó là một số công ty thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội, quản lý và vận hành khu nhà ở cho CB, CNV đang làm việc tại khu công nghiệp, nơi có các dự án của các đơn vị thành viên như Công ty CP Quản lý và phát triển nhà dầu khí (PVBuilding), Công ty CP Quản lý và phát triển nhà dầu khí miền Nam, Công ty Quản lý và khai thác tài sản dầu khí (PVA). Các công ty này thực chất là công ty dịch vụ quản lý và vận hành các tòa nhà, không phải là các công ty đầu tư kinh doanh bất động sản.
PVN cũng khẳng định rằng chi tiết mà có báo đã nêu là các công ty con thuộc Tổng công ty CP Dịch vụ tổng hợp dầu khí (Petrosetco) đang kinh doanh bất động sản, là không đúng với thực tế. Ngoài ra, Công ty CP Đầu tư và tư vấn tài chính dầu khí Việt Nam (PVFC Invest) là một công ty cung cấp dịch vụ tư vấn và đầu tư, vì vậy việc mở sàn giao dịch bất động sản là một trong những hoạt động của PVFC Invest nhằm thu phí tư vấn, không phải là thực hiện đầu tư bất động sản.
PVN cho biết: Việc chuyển giao một số công ty cho PVC đã hoàn tất và PVN đã yêu cầu các đơn vị phải thay đổi tên gọi hoặc chấm dứt sử dụng thương hiệu (sau khi tái cấu trúc) nếu không còn vốn góp hoặc còn rất nhỏ của PVN để tránh sự hiểu nhầm và tránh làm ảnh hưởng đến thương hiệu và uy tín của PVN.
Mai Hương