Liên quan đến vấn đề này, ngày 2/10, Bộ Xây dựng ban hành văn bản gửi Bộ Công Thương, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tập đoàn Điện lực Việt Nam về việc tăng cường quản lý chất lượng cột điện bê tông cốt thép ly tâm sử dụng trong các công trình đường dây truyền tải điện trên không.
Theo Bộ Xây dựng, căn cứ kết quả kiểm tra phòng chống thiên tai của Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai (Bộ Xây dựng) và báo cáo về hậu quả các cơn bão trong những năm vừa qua của một số địa phương, từ năm 2018, Bộ Xây dựng đã giao Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Cục Giám định) – cơ quan thường trực phòng chống thiên tai của Bộ, phối hợp với các đơn vị chức năng trong và ngoài Bộ tổ chức nghiên cứu, đánh giá nguyên nhân hư hỏng cột điện bê tông cốt thép ly tâm do gió bão trong thời gian qua và đề xuất các biện pháp khắc phục.
Từ ngày 25/9/2020, Bộ Xây dựng đã tổ chức cuộc họp với đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, lãnh đạo Tổng công ty Điện lực miền Trung và các đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng như Cục Giám định, Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Viện Khoa học công nghệ xây dựng, Viện Vật liệu xây dựng, Hội Bê tông Việt Nam và một số chuyên gia về xây dựng.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, đại diện các đơn vị, chuyên gia đã báo cáo và trao đổi kết quả nghiên cứu, khảo sát, đánh giá về nguyên nhân sự cố gãy đổ cột điện trong thời gian vừa qua. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, hệ thống lưới điện trung và hạ áp trên toàn quốc có sử dụng cột điện bê tông cốt thép; trong đó có cột điện bê tông cốt thép ly tâm được đầu tư xây dựng bởi nhiều chủ thể khác nhau, diễn ra trong nhiều giai đoạn.
Các tiêu chuẩn thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật hiện hành về cơ bản là khá đầy đủ. Tình trạng gãy đổ các cột điện bê tông cốt thép, trong số đó có cả các cột điện bê tông cốt thép ly tâm dự ứng lực được sản xuất trong thời gian gần đây có nhiều nguyên nhân.
Bộ Xây dựng cũng chỉ rõ, nguyên nhân khách quan là do số lượng cột điện bê tông cốt thép là rất lớn, có nhiều nguồn gốc khác nhau, được xây dựng bởi nhiều chủ thể trong nhiều giai đoạn và do các tác động bất lợi như cây đổ, sạt lở đất.
Nguyên nhân chủ quan là do việc thiết kế, sản xuất, thi công lắp dựng, bảo trì còn những tồn tại, chưa đáp ứng quy định; thiếu tính toán, kiểm tra khả năng chịu lực cột điện BTCT theo quy định của tiêu chuẩn thiết kế kết cấu BTCT hiện hành.
Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng đề nghị Bộ Công Thương là Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam là đơn vị điều hành hệ thống sản xuất, truyền tải, phân phối và phân bổ điện năng trong hệ thống điện quốc gia xem xét tổ chức thực hiện một số nội dung.
Cụ thể là tổ chức rà soát, đánh giá, phân loại các loại cột điện bê tông cốt thép hiện hữu đang khai thác trong hệ thống; có các biện pháp, kế hoạch và lộ trình phù hợp để gia cường, sửa chữa, thay thế các cột có nguy cơ không đảm bảo an toàn chịu lực trước mùa mưa bão.
Các bên được yêu cầu rà soát, hoàn thiện quy định liên quan đến việc khảo sát, thiết kế, chế tạo, lắp dựng, nghiệm thu và khai thác cột điện bê tông cốt thép tại Quyết định số 1299/QĐ-EVN ngày 03/11/2017 quy định về công tác thiết kế dự án lưới điện phân phối cấp điện áp đến 35 kV trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Quy trình vận hành, kiểm tra và bảo dưỡng sửa chữa đường dây trung áp ban hành kèm theo Quyết định số 275/QĐ-EVN-KTLĐ-KTAT ngày 31/01/2005 của Tổng công ty Điện lực Việt Nam (nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam).
Trong nội dung này cần lưu ý quy định các đơn vị thiết kế, sản xuất, thi công lắp dựng cột bê tông cốt thép; trong đó có cột bê tông cốt thép ly tâm khi chế tạo, lựa chọn và thi công lắp dựng phải tuân thủ quy định của tiêu chuẩn quốc gia hiện hành về thiết kế kết cấu, nền móng (bao gồm TCVN 5574: 2018 - Kết cấu bê tông và bê tông cốt thép, TCVN 2737: 1995 - Tải trọng và tác động…).
Cùng đó, Bộ Xây dựng cho rằng, cần xem xét giao đơn vị tư vấn có kinh nghiệm và năng lực phù hợp thực hiện tính toán kết cấu, lập bản vẽ thiết kế điển hình đối với các loại cột điện bê tông cốt thép để đảm bảo an toàn và đồng bộ.