Thực tế cho thấy, nhiều cán bộ nguyên là lãnh đạo thành phố đã bị bắt, điều tra và xét xử trong các vụ vụ án kinh tế liên quan đến quản lý và sử dụng nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước.
Trước tình hình đó, cuối năm 2019, Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh đã ban hành Chỉ thị 24-CT/TU về kiểm kê, rà soát quỹ đất, nhà, công trình và các tài sản khác gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước và tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nhà, đất và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố.
Ban Thường vụ Thành ủy thành phố nhận định, thời gian qua việc quản lý, sử dụng nhà, đất và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước còn buông lỏng, thiếu sót, sai phạm như sử dụng không đúng mục đích, bị chiếm dụng, cho thuê, bán không đúng đối tượng, không đúng quy định. Việc xác định giá thuê, giá trị bán để tham gia liên doanh, liên kết, cổ phần hóa, thoái vốn, chuyển nhượng dự án không sát với giá thị trường, gây thất thoát lớn cho ngân sách nhà nước và có nơi tạo ra nhóm lợi ích để trục lợi.
Do khối lượng nhà đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố rất lớn, từ nhiều nguồn khác nhau, công tác quản lý, sử dụng được giao cho nhiều đầu mối, trong khi các quy định pháp luật về quản lý sử dụng nhà, đất và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước còn chồng chéo, chưa phù hợp với thực tiễn khiến phát sinh nhiều sai phạm.
Ban Thường vụ Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh đã yêu cầu các cơ quan thành phố tiến hành kiểm kê, rà soát quỹ đất, nhà thuộc sở hữu nhà nước, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng. Ban Thường vụ Thành ủy giao Ban Nội chính và Ủy ban Kiểm tra Thành ủy phối hợp với Thanh tra thành phố và các cơ quan liên quan theo dõi, kiểm tra, giám sát và xử lý các trường hợp có biểu hiện tham nhũng trong quản lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước.
Thực hiện Chỉ thị 24-CT/TU của Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cũng đã ký ban hành kế hoạch thực hiện nhằm tổ chức kiểm kê, rà soát quỹ đất, nhà, công trình và các tài sản khác gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nhà, đất và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố.
Theo đó, trong năm 2020, thành phố sẽ hoàn tất việc kiểm kê, rà soát quỹ nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, xác định số lượng, loại hình, diện tích, vị trí, hồ sơ pháp lý, chủ thể quản lý, mục đích và hiện trạng sử dụng của từng cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn thành phố.
Mục tiêu là đảm bảo các cơ sở nhà, đất được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm; kịp thời sắp xếp, xử lý đối với các cơ sở nhà, đất dôi dư, sử dụng không có hiệu quả; thu hồi, xác lập sở hữu nhà nước các mặt bằng bỏ trống, nhà, đất có nguồn gốc sở hữu nhà nước đang bị chiếm dụng, chưa xác lập sở hữu để xác lập sở hữu, đưa vào diện quản lý.
Với chức năng, nhiệm vụ quản lý của từng sở, ngành, UBND Tp. Hồ Chí Minh yêu cầu lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát sau cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đặc biệt là các dự án đầu tư có sử dụng đất; rà soát các trường hợp thuê đất công giá thấp, không hợp lý, qua đó xây dựng giá cho thuê mới phù hợp quy định.
Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm ra việc thu hồi, đấu giá các khu đất; rà soát, chuẩn bị quỹ đất thanh toán cho các dự án theo quy định tại Nghị định số 69/2014/QĐ-CP ngày 15/8/2019 của Chính phủ về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án theo hợp đồng xây dựng - chuyển giao (dự án BT).
Đối với Sở Tài chính, UBND Tp. Hồ Chí Minh yêu cầu tổ chức đấu giá trường hợp cụ thể, phê duyệt dự toán và bố trí kinh phí thực hiện công tác đấu giá quyền sử dụng đất đối với 4 lô đất thuộc khu chức năng số 3 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm và 3.790 căn hộ tại phường Bình Khánh, quận 2. Sở Tài chính thành phố chịu trách nhiệm kiến nghị Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể cơ sở pháp lý đối với nhà, đất thu hồi do sắp xếp lại, xử lý tài sản công theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ là thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất nào theo Luật Đất đai 2013 để cơ quan nhà nước lập phương án hỗ trợ tái định cư cho hộ dân di dời.
UBND thành phố yêu cầu Sở Xây dựng đánh giá tổng thể thực trạng, hiệu quả mô hình quản lý nhà nước trong công tác quản lý nhà, đất thuộc thẩm quyền, từ đó đề xuất mô hình quản lý thống nhất và sử dụng hiệu quả quỹ nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố. Sở Xây dựng phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND thành phố ban hành giá biểu cho thuê nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước sử dụng vào mục đích làm việc, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố, đảm bảo sát với giá thị trường và theo quy định hiện hành.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tp. Hồ Chí Minh, trong năm 2020, Sở sẽ lập thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất 19 khu đất (quy mô gần 34 ha) và dự kiến đưa ra đấu giá 10 khu đất (hơn 11 ha). Sở cũng sẽ trình UBND thành phố chấp thuận chủ trương đấu giá 37 nền đất công hoán đổi tại quận 9.
Đồng thời, phối hợp với các cơ quan liên quan lập thủ tục thu hồi và thông báo thu hồi 8,6 ha tại phường Phú Hữu, quận 9 và giải quyết hồ sơ bồi thường có vướng mắc, khiếu nại tại dự án có quy mô 97 ha, phường Long Bình, quận 9. Đối với công tác thu hồi đất, thành phố sẽ tiếp nhận 16 khu đất, lập thủ tục đo đạc 12 khu đất, tiếp tục thực hiện thủ tục thu hồi các khu đất thanh toán hợp đồng BT đối với các dự án trên địa bàn thành phố.
Theo kế hoạch, trong năm 2020, Tổng cục Quản lý đất đai – Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai đối với các dự án đầu tư không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng, có dấu hiệu sai phạm trong quản lý, sử dụng đất theo Chỉ thị 11/CT-TTg ngày 23/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 82/2019/QH14 của Quốc hội.
Trọng tâm là việc thực hiện các quy định của pháp luật về thu hồi đất, cho thuê đất, chuyển nhượng mục đích sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất… tại 4 dự án lớn ở Hà Nội, 4 dự án lớn ở Bình Thuận, 1 dự án ở Lâm Đồng và 1 dự án ở Hòa Bình.
Riêng tại Tp. Hồ Chí Minh, có 3 dự án “rơi vào tầm ngắm” của Tổng cục Quản lý đất đai gồm: dự án khu nhà ở Vạn Gia Phúc (quận 6) do Công ty TNHHH Quản lý bất động sản Hoàng Phúc làm chủ đầu tư; dự án khu nhà ở 1 Bis – 1 Kép Nguyễn Đình Chiểu (quận 1) do Công ty TNHH Bến Thành Sao Thủy làm chủ đầu tư và dự án Khu dân cư, du lịch văn hóa phường An Phú (quận 2) do Công ty TNHH Quốc tế Thế Kỷ 21 làm chủ đầu tư.Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, hy vọng nhà đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh sẽ được quản lý, sử dụng chặt chẽ, đúng quy định, tránh gây thất thoát tài sản, nhưng cũng tạo nguồn ngân sách để nhà nước thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.