Giá giảm chỉ mang tính chất ngắn hạnTheo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), sau khi Chính phủ áp dụng biện pháp bình ổn giá, giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi đã giảm và ổn định. Tỷ lệ giảm từ khoảng 0,1- 34%, tùy từng chủng loại so với thời điểm trước khi Nhà nước áp dụng biện pháp bình ổn giá. Nhiều sản phẩm sữa giảm giá từ vài chục nghìn đồng mỗi hộp, thậm chí một số loại giảm gần 200.000 đồng/hộp.
Người dân mong giá sữa ổn định. |
Chị Nguyễn Thị Xuân (phố Minh Khai, Hà Nội) chia sẻ: Trước khi chưa áp giá trần, giá sữa bột Nan liên doanh được chị Xuân mua với giá trên 400.000 đồng/hộp 900g, hiện khoảng 340.000 đồng/hộp, tùy chủng loại. Chị Xuân lo lắng, nếu tới đây, Nhà nước không áp trần nữa, giá sữa trẻ em sẽ lại lên. Chị Phương Thảo, chủ cửa hàng kinh doanh sữa đường Nguyễn Thông (quận 3, TP Hồ Chí Minh) cho hay, khi chưa có quy định trần giá sữa, các doanh nghiệp điều chỉnh giá rất linh hoạt. Việc tăng hay giảm đều theo tín hiệu thị trường và có giải thích với đại lý, người tiêu dùng. Từ khi áp dụng giá trần, mỗi lần điều chỉnh, doanh nghiệp rất gò bó, kéo theo đại lý cũng bị cắt giảm nhiều quyền lợi, tạo áp lực cho cả đại lý lẫn người tiêu dùng.
Thừa nhận giá sữa giảm có lợi cho người tiêu dùng, ông Vũ Ngọc Quỳnh, TổngThư ký Hiệp hội Sữa Việt Nam (VDA) cho rằng: “Về ngắn hạn, người mua được hưởng giá sữa thấp hơn nhờ việc áp giá trần. Tuy nhiên xét về trung và dài hạn, áp giá trần sẽ hạn chế việc đầu tư phát triển và cải tiến sản phẩm, giảm cạnh tranh giữa các nhà sản xuất để có sản phẩm chất lượng tốt với giá cả hợp lý cho người dùng, đi ngược với quy luật cạnh tranh lành mạnh của kinh tế thị trường”, đại diện VDA nói.
Đề cập tới vấn đề này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, sau khi áp giá trần, thị trường sữa 6 tháng đầu năm nay tại khu vực thành thị giảm 11% về sản lượng so với cùng kỳ năm trước. Việc quy định giá trần khiến nhiều doanh nghiệp không thể chủ động đầu tư sản xuất sản phẩm mang tính đột phá, thậm chí hạn chế tính sáng tạo, không khuyến khích doanh nghiệp có bước chuyển đổi mạnh trong sản phẩm.
Việc áp dụng quản lý giá tối đa đã tạo ra tình trạng áp đặt giá và khó khăn cho doanh nghiệp, không bình đẳng trong việc đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng sản xuất để tạo lợi thế cạnh tranh trong cả thị trường nội địa và quốc tế. Biện pháp can thiệp về quản lý giá này đang mâu thuẫn với quy luật kinh tế thị trường và tự do kinh doanh theo tinh thần các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia.
Biện pháp quản lý tạm thời?Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng: Nhà nước quản lý giá sữa bằng giá trần chỉ là biện pháp tạm thời, hành chính và đã đến lúc nên dỡ bỏ quy định này để giá sữa được điều tiết theo quy luật kinh tế thị trường. Khi bỏ trần, cần xem xét kỹ các vấn đề như: giá trên thị trường có cạnh tranh minh bạch hay không? loại sữa mới nào sẽ vào thị trường trong nước, có xảy ra tình trạng độc quyền hay xảy ra lợi ích nhóm hay không?… “Để quản lý giá sữa khi bỏ trần, Nhà nước nên quản lý chặt từ “đầu vào” đến “đầu ra”, nghĩa là quản lý chặt từ gốc đến ngọn.
Trong đó, phải quản lý giá cả từ khâu nhập khẩu nguyên liệu đến khi ra thành sản phẩm tới tay người tiêu dùng. Muốn làm được điều này, cần sự bắt tay vào cuộc của ngành thuế, hải quan, tài chính”, ông Ngô Trí Long nhấn mạnh. Trước việc người tiêu dùng lo ngại việc “hủy” giá trần sẽ xảy ra đợt tăng giá mới, ông Long cho rằng khó có thể xảy ra tình trạng tăng giá sữa đồng loạt bởi khi bỏ trần, các sản phẩm sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi sẽ phải kê khai và đăng ký giá với cơ quan quản lý về giá. Khi được cơ quan này đồng ý thì mới được bán ra thị trường.
Tiểu ban Thực phẩm Dinh dưỡng thuộc Eurocham (NFG) - Tổ chức phi lợi nhuận, phi Chính phủ đại diện cho 6 công ty sữa đa quốc gia hàng đầu thế giới có mặt tại Việt Nam vừa đề xuất: Việt Nam nên quay trở lại với cơ chế giá do thị trường quyết định và không kéo dài thời hạn áp dụng các biện pháp áp đặt giá bán tối đa hiện hành.
Để hỗ trợ giá sản phẩm sữa công thức cho trẻ dưới 6 tuổi, Nhà nước cần xem xét việc giảm giá các yếu tố cấu thành giá như thuế nhập khẩu (hiện ở mức 5% đối với nhập khẩu từ các quốc gia ASEAN và 10% đối với các quốc gia khác, cao hơn mức thuế của các nước khác trong khu vực) và thuế giá trị gia tăng.
Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức chiều 19/9 về việc có hay không gia hạn quyết định áp giá trần sữa, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho hay, theo Nghị quyết của Chính phủ việc thực hiện áp giá trần tới hết năm nay. Sau đó Bộ Tài chính sẽ xem xét vấn đề này.