Quảng Bình tăng cường kiểm soát dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò

Những ngày này, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Bình hết sức lo lắng khi dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò xuất hiện, bùng phát và diễn biến phức tạp.

Chú thích ảnh
Triệu chứng của bệnh viêm da nổi cục. Ảnh minh họa: TTXVN

Điều đáng nói, sau ảnh hưởng của đợt mưa lũ lịch sử cuối năm 2020, bà con nông dân Quảng Bình mới khôi phục lại sản xuất, tái thiết ngành chăn nuôi, nay dịch bệnh bùng phát càng khiến khó khăn chồng chất.

Để kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh lây lan diện rộng, ngành nông nghiệp Quảng Bình, chính quyền địa phương và người dân trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch.

Gia đình ông Nguyễn Hữu Tín, trú tại xã Dương Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình hiện nuôi 8 con bò sinh sản. Đàn bò của gia đình ông Tín phát triển bình thường, khỏe mạnh cho đến đầu tháng 4, dịch bệnh viêm da nổi cục bắt đầu xuất hiện xâm nhập đàn bò của gia đình ông.

Ông Tín kể lại, ban đầu khi nhiễm bệnh, 2 con bò trong đàn có các triệu chứng như sốt cao, bỏ ăn, da nổi những nốt sần. Ngay khi biết bò bị nhiễm bệnh viêm da nổi cục, gia đình ông Tín và chính quyền địa phương đã phối hợp cùng cơ quan chuyên môn tiến hành khoanh vùng, cách ly số bò bị bệnh, đồng thời tiến hành các biện pháp tiêu độc, khử trùng chuồng trại không để bệnh lây lan, bùng phát.

Ông Nguyễn Hữu Tín cho biết:  "Được sự hướng dẫn kịp thời của cán bộ thú y địa phương và qua các thông tin đại chúng, với số bò bị bệnh, gia đình đã tiến hành cách ly, tiêm thuốc bổ, kháng sinh và thay đổi khẩu phần ăn bằng cách tăng cường cho bò ăn thêm cỏ tươi, cám, uống sữa, pha vitamin C hòa với thức ăn cho bò. Số bò chưa bị bệnh cũng được ăn theo chế độ này và được tiêm vaccine phòng bệnh. Ngoài ra, tôi cũng tiến hành rải vôi, phun thuốc đầy đủ đảm bảo công tác phòng bệnh cho chuồng nuôi".

Bà Hoàng Thị Huyền, Bí thư Đảng ủy xã Sen Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình cho hay, trên địa bàn huyện Lệ Thủy, dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò xuất hiện và bùng phát đầu tiên tại xã Sen Thủy. Dịch bệnh đã làm 102 con bò bị mắc bệnh; 4 con chết và đã được tiêu hủy. Ngay khi xuất hiện ổ dịch, chính quyền địa phương đã khẩn trương thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh cấp xã, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò; khoanh vùng, cách ly số vật nuôi bị dịch bệnh; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn bà con nhân dân thực hiện các biện pháp theo khuyến cáo.

Địa phương cũng khẩn trương rà soát, triển khai tiêm vaccine phòng dịch cho trâu, bò. Bên cạnh sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương và các ngành chức năng liên quan, bà con nông dân cũng chủ động, nghiêm chỉnh chấp hành các quy định, kiểm soát phòng dịch đảm bảo.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Lệ Thủy, Quảng Bình, toàn huyện hiện có gần 850 con trâu, bò bị bệnh; trong đó có 26 con chết đã được tiêu hủy. Địa phương có số trâu, bò bị bệnh nhiều tập trung chủ yếu ở các xã: Sen Thủy, Phú Thủy, Hoa Thủy, Thái Thủy… Tỉnh Quảng Bình cũng đã xuất cấp 5.500 liều vaccine cho huyện Lệ Thủy để tiêm cho đàn trâu, bò. Đến nay, huyện đã cơ bản hoàn thành tiêm vaccine phòng bệnh cho trâu, bò tại địa phương.

Ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lệ Thủy, Quảng Bình cho biết: Tại địa bàn huyện Lệ Thủy, dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò xuất hiện sau so với các huyện, thị, thành phố trong tỉnh nhưng tốc độ và tình hình diễn biến khá phức tạp. Huyện và Phòng nông nghiệp địa phương đã tích cực chỉ đạo các địa bàn, đơn vị khẩn trương triển khai đồng loạt các biện pháp như tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân cách phòng bệnh cho vật nuôi; tổ chức cách ly, tiêu độc khử trùng chuồng trại sạch sẽ; quy trình điều trị bệnh cho vật nuôi bị nhiễm bệnh.

Bên cạnh đó làm tốt quản lý việc buôn bán, vận  chuyển,  giết mổ trâu bò; tổ chức tổng dọn vệ sinh; chỉ đạo các xã khi phát hiện trâu, bò bị bệnh chết thì buộc các hộ và cơ sở giết mổ ký cam kết giao nộp trâu, bò để tiêu hủy và cách ly các trâu trò để chăm sóc.

Theo cơ quan chuyên môn, bệnh viêm da nổi cục là bệnh truyền nhiễm do virus thuộc họ Poxviridae gây ra trên trâu, bò và không lây bệnh sang người. Bệnh lây truyền chủ yếu qua côn trùng đốt như: muỗi, ruồi, ve; tiếp xúc giữa gia súc bệnh và gia súc khỏe mạnh. Bệnh cũng có thể lây truyền do vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh, sử dụng chung máng uống, khu vực cho ăn, sữa, tinh dịch. Trâu, bò mắc bệnh thường có những dấu hiệu: sốt cao, bỏ ăn, suy nhược, gầy yếu, hình thành các nốt sần, đặc biệt là ở da đầu, cổ, chân. Bệnh gây thiệt hại về năng suất do sản lượng sữa giảm mạnh, giảm khả năng sinh sản, sảy thai, tổn thương da, giảm tăng trọng, gia súc có thể chết, gây tổn thất về kinh tế.

Chi cục Chăn Nuôi và Thú y tỉnh Quảng Bình thông tin, từ ngày 8/2 đến 15/4 dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đã xuất hiện trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Bình; với 2.645 hộ/422 thôn/96 xã có dịch. Toàn tỉnh đã có 4.215 con trâu, bò mắc bệnh và có 219 con bò bị chết do bệnh, chiếm tỷ lệ 5% số con bị bệnh. Các địa phương trong toàn tỉnh đã phun 2.632 lít hóa chất và rải 17.435kg vôi bột để tiêu độc khử trùng phòng, chống dịch bệnh trên trâu, bò.

Ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Bình lưu ý: Thời gian tới, để ngăn chặn và kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò và phòng các dịch bệnh trên vật nuôi, các địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của tỉnh và hướng dẫn của ngành chức năng. Ngoài phun tiêu độc khử trùng, biện pháp phòng, chống bệnh tốt nhất là các hộ chăn nuôi trâu, bò cần chủ động mua ngay thuốc phun diệt muỗi, ve, ruồi xung quanh khu vực chăn nuôi.

Đặc biệt, các hộ tại vùng có dịch không được chăn thả rông trâu, bò. Khoanh vùng dịch, xã có dịch và lập chốt tạm thời để kiểm soát việc vận chuyển trâu, bò ra vào vùng có dịch. Riêng các vùng chưa xuất hiện dịch bệnh, bà con cần hạn chế việc chăn thả rông, chủ động nguồn thức ăn tại chỗ cho trâu, bò. Ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Bình cũng khuyến cáo các địa phương, người chăn nuôi không nên quá hoang mang, lo lắng nhưng cũng không được chủ quan, lơ là vì dịch bệnh đang lan rộng; cần tiếp tục thực hiện các biện pháp khống chế dịch theo quy định.

Võ Dung (TTXVN)
Không để bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò lây lan
Không để bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò lây lan

Ngày 6/4, ông Ngô Hữu Hạ, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ngãi cho hay, sau khi Trung tâm chẩn đoán Thú y Trung ương (Cục Thú y) thông báo kết quả có 3/5 mẫu bệnh phẩm do Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ngãi gửi đi xét nghiệm dương tính với virus gây bệnh viêm da nổi cục, ngành chức năng của tỉnh đã triển khai cấp bách các biện pháp phòng, chống bệnh này, không để lây lan diện rộng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN