Qua 3 năm triển khai OCOP từ năm 2019 - 2021, tỉnh đã có 91 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao và 4 sao. Trong số sản phẩm OCOP năm 2021, có nhiều sản phẩm là đặc sản địa phương. Điển hình là sản phẩm OCOP “Gà Cùa Tâm Bắc” ở xã Cam Thành, huyện Cam Lộ được xếp hạng 3 sao.
Gà Cùa được người dân địa phương nuôi thả ở vùng gò đồi dưới những vườn cây công nghiệp dài ngày như: cao su, hồ tiêu, mít. Tại đây ban ngày gà Cùa tự tìm kiếm thức ăn tự nhiên, đến tối gà tìm đến những cành cây để ngủ. Do đó, gà Cùa được người tiêu dùng biết đến là loại gà ngon, sạch và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Gà Cùa rất được thị trường ưa chuộng và có giá bán cao, ổn định từ 100.000 - 110.000 đồng/kg.
Ngoài ra còn nhiều sản phẩm OCOP là đặc sản của địa phương như: Bánh tét mặt trăng Đại An Khê, Ném Hải Dương, Ruốc bột Thâm Khê - Hải Khê, Đậu xanh hạt tằm Vĩnh Giang.
Trong tổng số 91 sản phẩm OCOP ở Quảng Trị, có gần một nửa sản phẩm là từ cây dược liệu hoặc có nguồn gốc nguyên liệu từ cây dược liệu như: Cà gai leo, chè vằng, an xoa. Nguồn nguyên liệu từ cây dược liệu đã giúp tỉnh đa dạng hóa sản phẩm OCOP bao gồm thực phẩm tươi sống, chế biến thành đồ uống, thảo dược...
Cam Lộ là địa phương có vùng chuyên canh cây dược liệu lớn nhất và có nhiều sản phẩm OCOP từ loại cây này nhất tỉnh Quảng Trị. Địa phương này hiện có trên 150 ha cây dược liệu; trong đó có 65 ha chè vằng, 15 ha cà gai leo, 3,5 ha an xoa, 60 ha nghệ và gần 10 ha các cây dược liệu khác như: ba kích tím, hương bài, hà thủ ô đỏ, đinh lăng. Giá trị cây dược liệu mang lại cao gấp 2 - 3 lần trên cùng diện tích so với trồng rừng hoặc sắn.
Theo Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Trị, bao bì và nhãn mác các sản phẩm OCOP có tính thẩm mỹ ngày càng cao. Chủ cơ sở sản xuất cũng đã chú trọng đầu tư, ứng dụng công nghệ vào khâu sơ chế, chế biến nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng cao để tăng giá trị.