Theo lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị, chính quyền các địa phương có dịch cần huy động lực lượng từ các tổ chức, đoàn thể chủ động kịp thời giám sát dịch trên đàn lợn đến từng hộ chăn nuôi, điểm buôn bán và vận chuyển lợn, nhất là ở các xã, thị trấn 10 ngày không phát sinh lợn bị bệnh. Các địa phương thực hiện đúng quy định về tiêu hủy lợn bị bệnh để hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại; hướng dẫn bà con nông dân vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại và khu vực xung quanh; phát hiện, khống chế và xử lý triệt để lợn bị bệnh không để phát sinh ổ dịch mới.
Đến ngày 22/12, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra ở 28 xã, phường và thị trấn ở 7 huyện, thị gồm: Triệu Phong, Đakrông, Hướng Hóa, Cam Lộ, Gio Linh, thị xã Quảng Trị và thành phố Đông Hà. Cơ quan chức năng đã ghi nhận 2.050 con lợn bị bệnh, chết hoặc buộc tiêu hủy với tổng trọng lượng trên 95 tấn.
Nguyên nhân dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát và lây lan nhanh là do người chăn nuôi có tâm lý chủ quan, chưa tổ chức tốt biện pháp phòng chống, còn tình trạng giấu dịch, bán lợn bệnh, phát hiện lợn bị bệnh nhưng không báo cáo cơ quan chức năng. Đợt mưa lũ tháng 10 và giữa tháng 11/2023 tạo môi trường thuận lợi cho mầm bệnh phát tán và lây lan nhanh, nhất là xuất hiện tình trạng vứt xác lợn chết ra môi trường.
Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng, cuối tháng 11/2023 UBND tỉnh Quảng Trị đã có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp hỗ trợ hóa chất phòng, chống dịch bệnh động vật, tiêu độc khử trùng, khôi phục môi trường chăn nuôi. Đầu tháng 12/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ra quyết định xuất cấp 10.000 lít hóa chất Benkocid thuộc hàng dữ trữ quốc gia cho tỉnh Quảng Trị để phòng, chống dịch bệnh động vật; đồng thời yêu cầu địa phương này chỉ đạo việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng số hóa chất được cấp kịp thời và đúng quy định.