Một đợt rét đậm, rét hại kèm mưa phùn đang “tấn công” các tỉnh miền Bắc. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục đình trệ do nông dân chưa thể xuống đồng. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, ông Phạm Đồng Quảng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cho biết: Việc gieo cấy vụ đông xuân không vì thế mà muộn bởi khung thời vụ của vụ này nằm trọn trong tháng 2, thậm chí còn có thể kéo dài đến ngày 5/3 mới kết thúc.
Rét hại triền miên
Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, nhận định, đợt rét đậm, rét hại này có thể kéo dài đến hết tuần. Nhiều khả năng, sau đó sẽ có thêm một đợt không khí lạnh nữa từ phía Bắc tràn xuống nước ta vào ngày 25/2, nhưng đợt rét này có cường độ không mạnh và chỉ diễn ra trong thời gian ngắn rồi kết thúc. Cụ thể, từ nay đến hết 22/3, các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa có rét đậm, rét hại, có mưa phùn; từ ngày 24 - 27 đêm và sáng trời rét, trưa chiều hửng nắng.
Dù rét kéo dài nhưng lịch gieo cấy vụ đông xuân vẫn đảm bảo. |
Theo các lão nông nhiều kinh nghiệm, vào thời điểm sau Tết, tiết trời miền Bắc thường có mưa phùn nhưng ấm áp, rất thích hợp cho việc gieo trồng và đến giữa tháng 1 âm lịch hầu hết các tỉnh phía Bắc hoàn thành việc gieo cấy vụ đông xuân. Tuy nhiên, năm nay, suốt từ ngày 9/2 đến nay, các tỉnh miền Bắc liên tục hứng chịu các đợt gió mùa đông bắc, với nền nhiệt độ tại các tỉnh miền núi hạ tới âm độ C; các tỉnh đồng bằng cũng xuống dưới mức 10 độ C. Tuy nhiên, do năm Giáp Ngọ này có tháng 9 nhuận nên diễn biến thời tiết như vậy cũng không đáng ngại đối với sản xuất nông nghiệp.
Đồng tình với cách đánh giá này, ông Phạm Đồng Quảng cũng cho rằng, sản xuất nông nghiệp của các tỉnh miền Bắc bị gián đoạn trong những ngày qua do rét đậm, rét hại nhưng không ảnh hưởng nhiều đến thời vụ vì khung thời vụ gieo cấy kéo đến hết tháng hai, thậm chí còn có thể kéo dài thêm 5 ngày đầu của tháng 3.
Dưới 15 độ C, tuyệt đối không gieo cấy
Rét đậm, rét hại kéo dài khiến nhà nông sốt ruột khi công việc gieo cấy bị gián đoạn. Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Phạm Đồng Quảng cho biết, Cục đã chỉ đạo các địa phương tuyệt đối không cấy hoặc gieo thẳng khi nhiệt độ trung bình ngày đêm xuống dưới 15 độ C. Với diện tích lúa đã cấy hoặc gieo thẳng, bà con cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, giữ nước đều trên mặt ruộng và có biện pháp phòng chống rét cho lúa kịp thời.
Theo Bộ NN&PTNT, hiện các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng và một số tỉnh trung du miền núi phía Bắc đã tập trung lấy và trữ nước cho gần 96% diện tích gieo cấy lúa đông xuân theo kế hoạch. Riêng các tỉnh Bắc Trung Bộ đã gieo cấy được 75% diện tích. Lượng hạt giống lúa chuẩn bị để gieo sạ và mạ chuẩn bị cấy cho diện tích còn lại đã sẵn sàng. Sau đợt rét đậm, rét hại này, Cục Trồng trọt sẽ đôn đốc các địa phương tập trung cao độ cho việc gieo cấy lúa đông xuân, cố gắng hoàn thành gieo cấy trong tháng 2. Cục khuyến cáo: Đối với diện tích lúa đã cấy và diện tích gieo thẳng, khi lúa có 2 - 3 lá thật cần giữ nước trên mặt ruộng từ 2 - 3 cm; sử dụng thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm theo hướng dẫn; không bón thúc khi nhiệt độ trung bình ngày dưới 15 độ C, chỉ bón bổ sung lân supe nếu nền nhiệt dưới 20 độ C, kết hợp phun bổ sung các loại phân qua lá, chất hỗ trợ sinh trưởng. Đối với diện tích lúa mới gieo thẳng (chưa ra lá thật), bà con cần giữ nước đủ ẩm không để bị khô mặt ruộng.
Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương khẳng định: Qua theo dõi nhiều năm cho thấy, thường những ngày cuối tháng 2, bước sang tháng 3 thời tiết sẽ ấm dần, nếu có rét thì cũng khó xảy ra rét đậm, rét hại. Cục Trồng trọt khuyến cáo, khi trời ấm, bà con nông dân cần tranh thủ tỉa dặm kịp thời để đảm bảo đủ mật độ và bón thúc sớm bằng các loại phân hỗn hợp, phức hợp NPK hàm lượng cao, chuyên thúc để lúa bén rễ, hồi xanh, đẻ nhánh thuận lợi. Với những diện tích chưa cấy và sạ, bà con cần tranh thủ xuống giống cho kịp lịch thời vụ.
Huyền Tím