Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, công nghiệp chế biến chế tạo Việt Nam đã và đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế đất nước, với mức đóng góp trong GDP tăng từ 12% năm 2010 lên 16% năm 2018, tạo ra 9,7 triệu việc làm và luôn duy trì mức đóng góp trên 80% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong suốt thập kỷ vừa qua.
Đặc biệt, Việt Nam đã nhanh chóng cải thiện được vị trí trên Bảng xếp hạng cạnh tranh công nghiệp toàn cầu do UNIDO công bố hàng năm, thu hẹp đáng kể khoảng cách của Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực và thế giới.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng thẳng thắn nhìn nhận, mặc dù đã đạt được những kết quả ấn tượng như vậy, nhưng trong giai đoạn tới, để duy trì tốc độ tăng trưởng, cải thiện hơn nữa vị trí trong khu vực, công nghiệp Việt Nam vẫn đứng trước những thách thức to lớn, đặc biệt là những thách thức đến từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đến từ những bất ổn của nền kinh tế toàn cầu trước xu hướng bảo hộ và cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Đáng lưu ý, hai năm vừa qua UNIDO đã phối hợp với Bộ Công Thương mà cụ thể là Cục Công nghiệp đã tổ chức các khóa đào tạo cho các cán bộ công chức, viên chức của Bộ Công Thương và các bộ, ngành khác để có thể làm chủ được bộ công cụ phân tích đánh giá chính sách, tính toán và nhận thức được hàm ý chính sách của các chỉ số cạnh tranh công nghiệp để ứng dụng các công cụ này trong quá trình hoạch định chính sách sát với thực tiễn và cơ sở khoa học.
Việc sử dụng các chỉ số này còn cho phép lập chuẩn đối sách Việt Nam với các nước trong khu vực để xác định điểm mạnh, điểm yếu của Việt Nam so với các nước, từ đó xây dựng các chính sách phù hợp, tận dụng được lợi thế cạnh tranh của Việt Nam.
Để phát huy kết quả của Dự án, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải yêu cầu Cục Công nghiệp nhân rộng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo về bộ công cụ EQuIP để có thể sử dụng thành thạo trong quá trình phân tích, hoạch định chính sách công nghiệp; đồng thời mong muốn UNIDO và Chính phủ Hàn Quốc tiếp tục hợp tác với Bộ Công Thương Việt Nam trong việc nâng cao năng lực hoạch định chính sách cho các cán bộ, công chức, viên chức của Bộ và các tổ chức, cơ quan liên quan.
Bà Nguyễn Thị Xuân Thúy - Trưởng nhóm soạn thảo - Cục Công nghiệp Việt Nam (Bộ Công Thương) chia sẻ, việc xây dựng Sách Trắng là một trong những nỗ lực của Bộ Công Thương hướng tới thực hiện Nghị Quyết số 23-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Dự án do Hàn Quốc tài trợ, Bộ Công Thương cùng UNIDO thực hiện từ năm 2016, là sự tiếp nối của chương trình hợp tác thành công giữa UNIDO và Bộ Công Thương với sản phẩm là Báo cáo Năng lực Cạnh tranh Công nghiệp Việt Nam năm 2011.
Theo Báo cáo Chỉ số Cạnh tranh Công nghiệp (CIP) của UNIDO, năm 2018 Việt Nam xếp thứ 42 trên toàn cầu và thứ 5 trong nhóm các nước Nam và Đông Nam Á. Chỉ số này cho thấy sự cải thiện đáng kể của Việt Nam từ vị trí thứ 69 vào năm 2006. Tuy nhiên, giá trị gia tăng của ngành chế biến chế tạo của Việt Nam trong năm 2016 chỉ chiếm 14.3% tổng giá trị quốc nội (GDP), giảm so với năm 2006 (19,4%). Tỷ lệ này của khu vực Đông Nam Á là 20.9%.
Sách Trắng Công nghiệp Việt Nam năm 2019 được xây dựng trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng chiến lược ngành công nghiệp và các chính sách liên quan thông qua xây dựng năng lực thể chế” nhằm góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh công nghiệp Việt Nam thông qua đề xuất chiến lược phát triển công nghiệp cấp ngành và tăng cường thực hiện các chính sách công nghiệp thúc đẩy các ngành ưu tiên và chuỗi giá trị.
Qua đó, những kiến nghị chính sách của Sách Trắng sẽ được xem xét trong quá trình xây dựng chính sách công nghiệp của Chính phủ nhằm tăng cường vai trò của ngành chế biến chế tạo.
Bà Lê Thị Thanh Thảo - Đại diện quốc gia văn phòng UNIDO tại Việt Nam chia sẻ: Cạnh tranh công nghiệp là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng ở các nước đang phát triển vì nền công nghiệp cạnh tranh sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu, một yếu tố quyết định sự phát triển và xóa đói giảm nghèo.
Cùng với đó, bà Lê Thị Thanh Thảo cam kết sẽ tiếp tục phối hợp cùng Bộ Công Thương trong phát triển công nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, tăng cường năng lực cạnh tranh sẽ có thể tối ưu hóa hiệu quả kinh tế trong bối cảnh nguồn lực đang khan hiếm và vẫn tạo được sự thịnh vượng cho người dân.
Mặt khác, phát triển công nghiệp sẽ đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế nói chung và cải thiện cuộc sống cũng như sự bất bình đẳng thông qua việc tạo ra những hoạt động và việc làm sáng tạo mới.
Với sứ mệnh hỗ trợ các nước thành viên đạt được phát triển công nghiệp bền vững và bao trùm, trong thời gian qua, UNIDO đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong thúc đẩy các chiến lược và chính sách phát triển công nghiệp thông qua tăng cường năng lực thể chế (với các hội thảo tập huấn), viết báo cáo công nghiệp cho cả lĩnh vực công và tư (với việc trang bị những năng lực mới sau khi nghiên cứu học hỏi kinh nghiệm thế giới), đề xuất chiến lược ngành chế biến chế tạo và các chính sách cụ thể.