Chưa có đặc sản công nhận Thương hiệu quốc gia
Việt Nam có nhiều mặt hàng nông sản thế mạnh nhưng sản phẩm có thương hiệu trên thị trường quốc tế không nhiều. Phần lớn nông sản trong nước được xuất khẩu ở dạng thô, sau khi nhập về, các doanh nghiệp nước ngoài chế biến và sử dụng tên, thương hiệu của họ. Điều này làm giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông sản giảm đáng kể.
Các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm trong thời giam qua như: gạo, cà phê, hạt điều, chè, hồ tiêu, cao su, trái cây, sắn, sản phẩm từ gỗ, thủy sản… là những mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam, đứng top đầu thế giới. Tuy nhiên, các mặt hàng này vẫn chưa có thương hiệu. Vì vậy, vấn đề xây dựng thương hiệu cho nông sản của Việt Nam đang là đòi hỏi bức thiết của người dân.
Nhiều loại nông sản của các vùng miền rất cần được xây dựng thương hiệu. Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN |
Tại diễn đàn Thương hiệu Quốc gia (THQG) với sản phẩm địa phương tổ chức ngày 13/7, ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Đa số các sản phẩm nông sản sản xuất quy mô lớn của Việt Nam đều hướng đến thị trường xuất khẩu nhưng rất ít người tiêu dùng nước ngoài biết đến thương hiệu của Việt Nam. Sau khi nhập về, các doanh nghiệp (DN) nước ngoài mới chế biến và sử dụng tên, thương hiệu của họ. Như cà phê, dù chúng ta là quốc gia đứng thứ hai thế giới về sản xuất cà phê, trong đó đứng đầu thế giới về cà phê robusta nhưng vẫn chưa có thương hiệu cà phê theo đúng nghĩa.
Còn theo ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), chỉ nói riêng về thương hiệu gạo, trên thế giới có nhiều thương hiệu gạo đã thành danh như: Jasmines, Khaodakmali của Thái Lan, Basmati của Ấn Độ và Pakistan... và khi nói đến một thương hiệu gạo nào đó thì người tiêu dùng nghĩ ngay đến nước sản xuất như: Thái Lan, Ấn Độ... Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa xây dựng được thương hiệu gạo tại thị trường trong nước và quốc tế.
Công ty Lương thực Sóc Trăng, một DN đã xuất khẩu một lượng khá lớn gạo thơm có thương hiệu ST5 sang thị trường Hồng Kông (Trung Quốc) cho biết, giá bán gạo có thương hiệu cao hơn gạo loại thường 5% tấm từ 120 - 150 USD/tấn. Gạo hữu cơ của Công ty Viễn Phú có giá cao gấp 2-3 lần sản phẩm thông thường... Tuy vậy, chưa nhiều nơi làm được thương hiệu cho sản phẩm, hoặc chủ yếu dừng ở việc cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý.
Đại diện chương trình THQG cho biết, mặc dù chương trình đã triển khai từ năm 2003 nhưng đến nay vẫn chỉ có các thương hiệu của DN được công nhận, còn chưa có sản phẩm đặc trưng nào của các địa phương hay thương hiệu của tập thể được công nhận là THQG. Vì thế, người tiêu dùng khó phân biệt sản phẩm đặc trưng Việt Nam và sản phẩm nhái. Thậm chí, việc thiếu kiểm soát chặt chẽ trong quá trình sản xuất và tiêu thụ đã tạo điều kiện cho hàng trôi nổi từ nước ngoài giả danh hàng Việt Nam khiến nhiều nông sản Việt Nam bị thất thế ngay trên sân nhà.
Kết nối sản xuất và tiêu thụ
Theo các chuyên gia, sở dĩ các sản phẩm đặc trưng vùng miền chưa xây dựng được thương hiệu là do sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa đầu tư tốt cho các khâu thu hoạch, bảo quản, vận chuyển… Do đó, đây là vấn đề lâu dài cần có sự đầu tư và hỗ trợ của nhà nước.
Để xây dựng thương hiệu nông sản địa phương, về đầu tư cho sản xuất, ông Ma Quang Trung cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ ưu tiên hoạt động nghiên cứu khoa học đối với các loại cây ăn quả chủ lực trồng tập trung, đồng bộ từ chọn tạo giống (nhất là các giống cây có năng suất, chất lượng cao, phù hợp thị hiếu; giống không hạt hoặc có ít hạt đối với cây có múi) đến hoàn thiện, chuyển giao vào sản xuất các quy trình canh tác tiên tiến, quy trình kỹ thuật xử lý ra hoa trái vụ hiệu quả, quy trình quản lý dịch hại, công nghệ xử lý, bảo quản, chế biến sau thu hoạch.
“Vấn đề xây dựng và phát triển thương hiệu vùng miền vừa cấp thiết trước mắt, vừa là chiến lược lâu dài, đòi hỏi sự nỗ lực của các ngành và các địa phương”. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải |
Còn để tìm đầu ra cho các sản phẩm địa phương, ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết sẽ hỗ trợ các địa phương trong việc thiết kế mẫu mã bao bì quảng bá hình ảnh sản phẩm, đồng thời giúp các địa phương tham gia các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia.
Nhiều địa phương cũng đã có cam kết đầu tư hơn nữa cho phát triển thương hiệu đặc sản vùng miền. Hưng Yên là địa phương nổi danh với sản phẩm nhãn lồng. Ông Nguyễn Quang Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho biết, tỉnh sẽ đứng ra tổ chức kết nối cung cầu hàng năm cho nông sản của tỉnh nói chung và sản phẩm nhãn nói riêng để rút bớt khâu trung gian tham gia vào hệ thống phân phối, giảm thời gian lưu thông để nâng cao chất lượng quả nhãn; đẩy nhanh tiến độ dự án xây dựng chỉ dẫn địa lý "Nhãn lồng Hưng Yên".
Ông Minh đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương hỗ trợ tỉnh trong công tác ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP, công nghệ bảo quản nhãn sau thu hoạch; đồng thời đưa sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên vào danh mục Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia.
Theo ông Lê Văn Bảnh, để xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng nông lâm thủy sản phải xây dựng chỉ dẫn địa lý sản phẩm để tránh tình trạng hàng nhái, hàng giả ảnh hưởng đến thương hiệu sản phẩm; đưa thông tin về sản phẩm lên mạng để khách hàng có thể tiếp cận sản phẩm dễ dàng hơn…